Chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 3 ngày (26-28/6) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis diễn ra vào thời điểm được xem là "sống còn" khi quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi đáng kể vì một loạt vấn đề, trong đó có Biển Đông. Giới quan sát một lần nữa chờ đợi những chỉ dấu từ ông Mattis về chính sách của Washington tại khu vực nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng.
Ông Trump có quên mất Biển Đông?
Hồi đầu năm nay, Asia Times từng đăng tải bài viết có tựa đề "Trump dường như quên mất Biển Đông trong năm 2017". Tác giả, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế người gốc Việt sống tại Anh, nói rằng trong suốt năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump gần như không trực tiếp nhắc đến vấn đề này.
Trước khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump từng nhiều lần lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào tháng 3/2016, ông cáo buộc Bắc Kinh xây dựng "một pháo đài quân sự mà có lẽ thế giới chưa từng thấy cái tương tự như vậy" tại vùng biển. Ông cũng quy trách nhiệm cho tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama về hành động của Trung Quốc.
Thế nhưng, với tất cả những tuyên bố cứng rắn đó, chính quyền Trump năm 2017 đã gần như không làm gì trước hành vi bành trướng của Bắc Kinh.
Theo tác giả, nguyên nhân chủ yếu là ông Trump "quá ám ảnh với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như sự mất cân bằng trong thương mại của Mỹ đến nỗi ông gần như bỏ qua Đông Nam Á và Biển Đông". Gần như cả năm 2017, dấu ấn đáng nhớ nhất của ông Trump về đối ngoại là những lời công kích qua lại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng những lời đe dọa tấn công quân sự Triều Tiên. Trong khi đó, tranh chấp thương mại là nguyên nhân khiến Washington hết căng thẳng với Trung Quốc đến va chạm với các nước láng giềng và cả các đồng minh.
Những vấn đề đó kéo dài sang đến nửa đầu năm nay khi Washington bận rộn với những nỗ lực ngoại giao con thoi trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hôm 12/6. Chính quyền Trump cũng từng bước đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc và EU đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.
Tác giả bài viết nhận định sự thờ ơ của ông Trump với Biển Đông đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh "rảnh tay" củng cố sự hiện diện tại vùng biển rộng 3,5 triệu km2.
Hồi tháng 12/2017, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các công trình kiên cố mới trên tổng diện tích 29 ha thuộc các tiền đồn mà họ chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Giờ đây, các đảo, đá này đã được trang bị boongke quân sự, nhà chứa máy bay, hệ thống radar, bãi đậu tàu chiến, nơi chứa hỏa pháo.
Từ trái qua: Ảnh chụp vệ tinh đá Vành Khăn, đá Subi và đá chữ Thập. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Giới quan sát nhận định, từ năm 2013 đến năm 2017, Trung Quốc đã chuyển từ việc bồi lấp đảo, đá, xây dựng hạ tầng sang việc triển khai khí tài quân sự tại các tiền đồn này. Điều đó được thể hiện rõ trong nửa đầu năm 2018.
Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc bị phát hiện lắp thiết bị gây nhiễu sóng trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến đầu tháng 5, Trung Quốc đưa các hệ thống tên lửa đất đối không, chống hạm đến nhóm "Big 3" ở Trường Sa (bao gồm đá Vành Khăn, đá chữ Thập và đá Subi). Hơn hai tuần sau, Trung Quốc lần đầu cho máy bay ném bom H-6K diễn tập tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Tóm lại, Trung Quốc giờ đã có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản chiến tranh với Mỹ", đô đốc Philip S. Davidson, tân tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM), vốn là Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), phát biểu trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 4.
FONOP: Cứng rắn hay tượng trưng?
Tổng thống Trump không phải là hoàn toàn không làm gì. Theo chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Australia), người dành nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông và Việt Nam, vấn đề là khi ông Trump lên nắm quyền, Trung Quốc "về cơ bản" đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng trái phép.
Ông Thayer cho rằng chính quyền Trump đã "quyết đoán hơn nhiều" so với chính quyền Obama trong việc triển khai các tài sản hải quân và không quân đến Biển Đông, tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP). Ông chỉ ra chính quyền Trump đến nay đã thực hiện tổng cộng 7 cuộc FONOP, "gấp đôi số FONOP thời Obama". Mỹ cũng cho tàu chiến và cả máy bay ném bom chiến lược B-52 tuần tra trên Biển Đông.
Đáng chú ý nhất, Washington hồi cuối tháng 5 đã rút lại lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sau khi Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6K đến Hoàng Sa. Lầu Năm Góc cảnh báo rằng sẽ có những "hệ lụy" vì hành vi của Trung Quốc và việc rút lại lời mời chỉ là một "hệ lụy nhỏ".
Đảo Phú Lâm qua hình ảnh vệ tinh ngày 28/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Tuy nhiên, trả lời Zing.vn khi đó, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Maine (Mỹ), lại cho rằng đây chỉ là một "phản ứng hời hợt" và Trung Quốc thực tế đã áp dụng chiến lược trên Biển Đông khá nhất quán, các hoạt động của Mỹ không gây được nhiều tác động. Thậm chí, chính Mỹ đã góp phần vào "thành quả" của Trung Quốc năm qua trên Biển Đông.
Ông Long chỉ trích việc Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Một trong những lý do chính cho hiệp ước này là tạo ra sự hợp tác của 12 nước để bảo vệ an ninh chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không có hiệp ước này thì Mỹ thiếu đồng minh và thiếu chính danh để đương đầu với Trung Quốc trong khu vực", ông nói.
Ông lập luận rằng sau khi rút khỏi TPP, việc Mỹ cho thuyền tiếp cận các thực thể Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông chỉ là hành động "đơn thương độc mã" và nhằm chứng minh rằng Mỹ bảo vệ quyền lưu thông trên biển, nhưng thực tế không khiến Trung Quốc rút lại các hành động của họ.
"Mỗi lần như thế thì Trung Quốc lại to tiếng nói rằng Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng Mỹ và nhiều nước khác lại không lấy cơ hội đó để giải thích rõ ràng cho thế giới biết là Trung Quốc đã cố tình vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan vào tháng 7/2016 nêu rõ rằng Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và luật pháp ở Trường Sa, nói riêng, và ở Biển Đông, nói chung", ông cho biết.
Dù vậy, theo giáo sư Thayer, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Trump đã góp phần ngăn chặn tốc độ của các hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành.
"Trung Quốc có thể nhanh chóng quân sự hóa 3 sân bay ở Trường Sa, gồm trên đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, bằng việc triển khai chiến đấu cơ và máy bay ném bom. Nhưng Trung Quốc không thể làm được vì sự hiện diện gia tăng của hải quân Mỹ", ông Thayer nói.
"Lúc này, chúng ta phải đợi để xem những 'hệ lụy' với Trung Quốc mà Mỹ nói sẽ là gì".
Tàu sân bay USS Carl Vinson neo trong vịnh Đà Nẵng hồi tháng 3/2018. Ảnh: Hải An. |
"Đây là sân khấu ưu tiên của chúng tôi"
Sự chờ đợi đó cũng bao gồm việc chờ đợi hình hài tương lai của chiến lược mang tên "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở". Chiến lược mới về châu Á của Mỹ được công bố chính thức lần đầu trong bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Việt Nam vào tháng 11/2017 và liên tục được các quan chức chính quyền Mỹ "quảng bá" từ đó đến nay.
Khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" thể hiện tầm nhìn của Mỹ nhằm củng cố một trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, dựa trên luật pháp nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ những sự chuyển giao quyền lực trong khu vực, các cường quốc xét lại... Chiến lược của Washington hướng đến những đối tác, đồng minh, bằng hữu "sẵn lòng và đủ năng lực". Trong bối cảnh đó, liên minh "Tứ giác Kim cương" với 4 trụ cột Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, thế lực được cho là có thể kiềm tỏa sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, được xem là sách lược phù hợp với chủ trương của Washington.
"Tôi nghĩ các quan chức Mỹ đang hợp tác với Nhật, Ấn và Australia để phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở. Hiện tại, chiến lược vẫn đang trong quá trình hình thành, nên khó để nói là cử chỉ và hành động của Mỹ tại châu Á sẽ thay đổi nhiều hay không", tiến sĩ Malcolm Cook, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, nói với Zing.vn.
Một số chuyên gia đánh giá rằng "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" đến nay vẫn là một chiến lược mơ hồ và gây ra nhiều quan ngại về mức độ khả thi cũng như nguồn lực để thực thi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong một cuộc gặp ba bên hồi tháng 11/2017 tại Philippines. Ảnh: AFP. |
Trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hàng đầu về an ninh châu Á được tổ chức tại Singapore hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Mattis cáo buộc Trung Quốc có các hành động "hăm dọa và cưỡng bách" tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tuyên bố Mỹ không có ý định từ bỏ vai trò của mình tại đây.
"Đừng có hiểu sai: Mỹ sẽ ở lại với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là sân khấu ưu tiên của chúng tôi", ông nói. "Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, mang lại kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể, và cũng đối đầu cứng rắn nếu cần".
Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ đang từ từ hé lộ chiến lược cụ thể cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông, Bộ trưởng Mattis sẽ dựa theo những nội dung trong Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mà ông Trump công bố cuối năm ngoái cũng như Chiến lược Quốc phòng (NDS) mà Lầu Năm Góc đề ra đầu năm nay để thiết lập một liên minh gồm các đồng minh và đối tác chiến lược nhằm đối phó với Bắc Kinh.
"Kết quả có thể nảy sinh là căng thẳng tại Biển Đông sẽ gia tăng vì sự tăng cường hiện diện của hải quân và không quân Mỹ cũng như việc họ tiến hành các cuộc tuần tra mang tính thách thức hay các cuộc diễn tập chung với đồng minh", ông nói.
Bất chấp những hoài nghi, tiến sĩ Cook cho rằng vai trò của Mỹ tại khu vực không sụt giảm vì ông Trump. Ngược lại, những cuộc FONOP trên Biển Đông với tần suất và mức độ thách thức gia tăng dưới thời Trump còn là "một điều tốt".
"Vì Mỹ không phải là bên có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, bất kỳ tổng thống Mỹ nào đều không thể làm gì nhiều hơn là ủng hộ FONOP và chỉ trích Trung Quốc vì những hành động hung hăng ở vùng biển này", ông nói.