Diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La (SLD) khai mạc tối 1/6 ở Singapore.
Đối thoại diễn ra giữa lúc Trung Quốc không ngừng tăng cường các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) để phản đối các động thái của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Washington sẽ tiếp tục phản đối hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Mattis cũng là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự diễn đàn an ninh tại Singapore. Những ánh mắt sẽ nhìn vào bài phát biểu của ông Mattis để có một định hình về chính sách của Mỹ cũng như vai trò của Washington trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Trao đổi với Zing.vn, không nhiều chuyên gia tin rằng các động thái của Mỹ, nếu tiếp tục ở mức độ hiện nay, có thể ngăn được hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 21/5, Hoàn cầu Thời báo, ấn phẩm trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước Trung Quốc, đã đăng tải bài viết Chiến thần H-6K lần đầu hạ cánh xuống Nam Hải phát đi tín hiệu gì?. Nam Hải là cách gọi của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bài báo kể lại chuyện đơn vị không quân được mệnh danh là "Thần uy" đóng ở Thiểm Tây, do đích thân sư đoàn trưởng dẫn đầu, đã đưa máy bay ném bom chiến lược "tối tân nhất" H-6K xuống Biển Đông huấn luyện và cất hạ cánh trên đảo Phú Lâm, hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát phi pháp.
Cách đó hơn 350 hải lý, nguồn tin tình báo Mỹ cho biết trong vòng 30 ngày trước ngày 4/5, Trung Quốc âm thầm lắp đặt tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cụ thể là 3 bãi đá lớn nhất và được bồi đắp hoàn chỉnh nhất trong 7 đá Trung Quốc chiếm của Việt Nam: Vành Khăn, Chữ Thập và Subi.
Máy bay quân sự của Trung Quốc vẫn âm thầm cất và hạ cánh từ các đường băng ở Hoàng Sa và Trường Sa còn tên lửa, hệ thống phòng không và thiết bị làm nghẽn sóng liên tiếp được triển khai đến.
Hoàng Sa là "bãi thử" cho Trường Sa
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Carl W. Baker, Giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS, cho rằng Trung Quốc đang dùng Hoàng Sa làm "bãi thử" cho chiến lược và chiến thuật mới trước khi áp dụng tại Trường Sa, vì vậy người ta có thể nhìn những phương tiện, thiết bị quân sự mà Trung Quốc đã đưa đến Hoàng Sa để đoán diễn biến tiếp theo tại Trường Sa.
Theo ông, Hoàng Sa nằm gần Trung Quốc hơn so với Trường Sa và các thực thể của Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa cũng lớn, được cải thiện hoàn chỉnh hơn các thực thể mà Bắc Kinh kiểm soát ở Trường Sa, biến quần đảo này thành nơi thuận tiện hơn để triển khai và chứa các thiết bị lớn hơn, tinh vi hơn.
Hoàn Cầu Thời báo cho biết đường băng trên đảo Phú Lâm dài 3.000 m, máy bay chở khách Boeing-737 đã cất hạ cánh, vì thế nơi đây rất thuận tiện cho loại máy bay ném bom lớn như H-6K cất hạ cánh.
Một chuyên gia quân sự giấu tên nói trên Hoàn Cầu Thời báo rằng H-6K cất cánh từ sân bay Phú Lâm có được đầy đủ ưu thế chiến thuật lớn, có thể cất cánh với toàn bộ tải trọng bom đạn, hướng tây có thể bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, hướng đông có thể bao phủ Đài Loan, hướng nam có thể đến các đảo thuộc Trường Sa. Nếu cất cánh với lượng dầu đầy đủ thì phạm vi bao phủ của H-6K còn lớn hơn.
Chuyên gia này cũng lưu ý Phú Lâm nằm ở quần đảo Hoàng Sa nên H-6K cất hạ cánh ở đây sẽ không gây nên sự chú ý của các nước đang có yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, và dư luận quốc tế bất lợi cũng ở mức thấp nhất, theo chuyên gia trên.
"Dĩ nhiên, Trung Quốc cũng có thể cho H-6K cất hạ cánh tại các sân bay của mình ở quần đảo Nam Sa. Trung Quốc có quyền cất hạ cánh mọi loại máy bay của mình tại bất cứ sân bay nào của Trung Quốc. Việc H-6K cất hạ cánh ở Phú Lâm cũng là thể hiện sự kiềm chế tương đối của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải", chuyên gia trên nói, đề cập quần đảo Trường Sa và Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc.
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng cho rằng trong vài năm qua, thực tế đã cho thấy các hoạt động trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, trước sau gì cũng được tái hiện ở các bãi đá tại Trường Sa.
"Khi máy bay vận tải Y-8 tới Phú Lâm, nó sẽ xuất hiện sau đó tại Trường Sa. Hệ thống phòng không HQ-9 và tên lửa hành trình YJ-12 cũng được đưa đến Phú Lâm rồi chuyện tương tự xảy đến ở Trường Sa. Có lẽ chúng ta sẽ sớm thấy tiêm kích J-10 và J-11 hạ cánh xuống các tiền đồn trên Trường Sa, như cách chúng đã xuất hiện ở Phú Lâm", ông Poling nói với Zing.vn.
Đảo Phú Lâm qua hình ảnh vệ tinh ngày 28/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Reuters dẫn nguồn số liệu cho biết đá Subi, thực thể lớn nhất trong 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp phi pháp ở Trường Sa, giờ đây đã có gần 400 công trình xây dựng đơn lẻ, nhiều hơn bất cứ hòn đảo nào của Trung Quốc. Trong khi đó, 2 thực thể khác cũng đang nằm trong tay Bắc Kinh là đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, mỗi thực thể có khoảng 190 công trình và cấu trúc đơn lẻ.
Theo các nhà phân tích quân sự, mỗi một thực thể trên, gọi chung là nhóm "Big 3", đủ sức chứa một trung đoàn, tức từ 1.500 đến 2.400 quân.
Khi ADIZ "chỉ là vấn đề thời gian"
Các chuyên gia đều cho rằng trong giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc tập trung vào việc cải tạo đất, xây đảo và các cơ sở hạ tầng, nhà chứa máy bay, lô cốt, nơi chứa nước và nhiên liệu để chuẩn bị cho việc triển khai quân sự. Giờ là giai đoạn tiếp theo: Mang tàu, máy bay, tên lửa và nhiều thiết bị khác đến những hạ tầng mà họ đã xây lên.
Tham vọng của Trung Quốc được "tiếp thêm sức mạnh" trong một năm cộng đồng quốc tế dồn hết sự chú ý cho các "điểm nóng" khác, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Baker cho rằng tình hình Biển Đông trong năm qua đã diễn biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc với khác biệt lớn nhất là việc các nước có tranh chấp không có nhiều động thái cứng rắn để phản ứng lại những hành động hung hăng của Trung Quốc.
"Tất nhiên, cú chuyển lớn nhất là việc Philippines đã không còn sẵn sàng yêu cầu sự tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016 hay ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm thách thức hành động của Trung Quốc".
"Việc Trung Quốc đang mô tả những hành động trên như thể đó là thực thi quyền phòng vệ và so sánh chúng với việc Mỹ bảo vệ Hawaii và Guam là bằng chứng không thể nghi ngờ về việc Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của họ ở các thực thể trên", ông Baker nói.
Theo ông Poling, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cũng chỉ là vấn đề thời gian.
"Khi các máy bay chiến đấu được đưa đến Trường Sa, Bắc Kinh sẽ có mọi thứ để thực thi ADIZ. Khi đó nó sẽ chỉ còn là một quyết định chính trị. Vì thế, trong thời gian tới tôi sẽ đợi việc máy bay chiến đấu đầu tiên hạ xuống đá Chữ Thập, Vành Khăn hoặc Subi", chuyên gia này nói.
Hình ảnh vệ tinh chụp đá Subi ngày 20/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Murray Hiebert, chuyên gia châu Á của CSIS và là cựu ký giả của tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER), nói rằng Trung Quốc lên kế hoạch quân sự hóa Biển Đông đến mức độ mà các nước phải chấp nhận đó là "sự đã rồi". Lúc đó thì sẽ quá muộn cho tất cả trừ Trung Quốc. Sự đồng loạt lên án của cộng đồng quốc tế là cách duy nhất để gây áp lực đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ở mặt khác, các chuyên gia bác bỏ sự liên quan trực tiếp của vấn đề Triều Tiên, với tâm điểm là cuộc gặp sắp diễn ra (hoặc không) ở Singapore của Tổng thống Trump với lãnh đạo Kim, với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Baker cho rằng khác với cách tiếp cận cuộc khủng hoảng Triều Tiên như là vấn đề về đối ngoại, Bắc Kinh luôn nhìn vấn đề Biển Đông như "lợi ích cốt lõi" và có liên quan trực tiếp đến cái gọi là "chủ quyền quốc gia của Trung Quốc".
Còn theo chuyên gia Poling, Trung Quốc đã luôn lên kế hoạch để mang các thiết bị quân sự đến đảo. Nếu không, họ sẽ không xây nhà chứa máy bay quân sự, nhà chứa đạn dược, tên lửa. Nếu có gì tác động đến tiến độ quân sự hóa, đó là việc Mỹ tăng cường chương trình Tự do Lưu thông Hàng hải của Mỹ, điều mà Trung Quốc xem là cái cớ để tiến hành quân sự hóa.
"COC chỉ mang tính biểu tượng"
Xuyên suốt trong những năm dài của tranh chấp trên Biển Đông là hy vọng về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ sớm được thông qua, quy định cụ thể các nguyên tắc và trách nhiệm pháp lý của các bên trong các hoạt động trên Biển Đông.
COC được ASEAN và Trung Quốc đưa ra thảo luận từ năm 2002 và đạt được thỏa thuận khung vào năm 2017. Đưa Trung Quốc vào khuôn khổ một bộ quy tắc ứng xử để nước này phải tuân thủ và có thể bị cưỡng chế, từ lâu đã là mục tiêu của nhiều thành viên ASEAN vốn có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng biển. Dù vậy, nhiều chuyên gia nghi ngại về tiến độ đàm phán COC lẫn khả năng ràng buộc pháp lý về sau của nó.
Theo chuyên gia Poling, cho đến nay các bên vẫn chưa tiến triển được nhiều với COC. Các quan chức, đặc biệt là Singapore, nước chủ tịch ASEAN đã nói rõ không nên trông đợi đột phá nào lớn trong ngắn hạn.
"Ngay cả trong dài hạn, một COC thật sự sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ từ mọi phía và các cuộc thảo luận vẫn chưa bắt đầu. Ví dụ, khu vực địa lý được COC bao phủ là vùng nào? COC sẽ có tính bắt buộc thực thi chứ? Việc khai thác cá và khí đốt sẽ ra sao?".
"Trung Quốc đến nay vẫn chưa sẵn sàng để thảo luận những vấn đề này, và nói thẳng thì ASEAN hiện không có khả năng đấu lại họ. Nếu có thỏa thuận nào đạt được về tranh chấp Biển Đông thì nó sẽ được thỏa thuận bên ngoài ASEAN và chỉ bao gồm các bên tranh chấp, những đối tượng có lợi ích", Poling nhận định.
Ông Baker nói rằng cuộc đàm phán COC đang được Trung Quốc sử dụng như một biện pháp làm giảm sức ép từ các nước có tranh chấp trong ASEAN.
"Nhìn từ thỏa thuận khung, rõ ràng là Trung Quốc không có ý định cho phép các điều khoản mang tính ràng buộc và sẽ tiếp tục trì hoãn việc đạt được thỏa thuận cuối cùng cho đến khi họ củng cố quyền kiểm soát 7 thực thể ở Trường Sa (7 bãi đá Bắc Kinh chiếm phi pháp - PV)".
Hình ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập (trái) ngày 19/3 và đá Vành Khăn ngày 13/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Ông cho rằng Bắc Kinh có thể nhượng bộ một chút ở những điểm như quyền khai thác chung tài nguyên nhưng không bao giờ "cho phép bất cứ điều gì lại gần một khuôn khổ thực thi hạn chế quyền tự do hành động ở vùng biển nằm trong đường 9 đoạn", đồng nghĩa với việc COC sẽ không thể ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Ông Hiebert lo ngại rằng trừ khi các hoạt động quân sự của Trung Quốc chấm dứt, COC sẽ trở nên quá trễ.