Quân đội Trung Quốc (PLA) mới đây tiến hành một đợt diễn tập không quân ở "vùng biển phía nam" với sự tham gia của nhiều máy bay ném bom, Tân Hoa xã ngày 18/5 dẫn nguồn tin quân sự cho biết. Cuộc diễn tập bao gồm phá hủy mục tiêu giả định, hạ cánh và cất cánh trên một hòn đảo ở Biển Đông.
Cùng ngày, tờ People’s Daily đăng tải đoạn video máy bay ném bom chiến thuật H-6K của nước này có các hoạt động diễn tập tương tự mô tả của Tân Hoa xã. Đoạn video cũng xuất hiện trên trang mạng xã hội của PLA.
Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay ném bom chiến thuật H-6K diễn tập hạ cánh trên biển Đông. Ảnh: Reuters |
Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nói địa điểm H-6K hạ cánh có khả năng là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Quần đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
“Tôi cho rằng đây là lần đầu tiên máy bay ném bom tiến hành hạ cánh trên biển Đông. Chắc chắn H-6K rồi sẽ hạ cánh ở Trường Sa vì các nhà chứa máy bay tại đây đã được xây dựng đủ sức tiếp nhận máy bay ném bom”, bà Glaser nhấn mạnh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan đã lên án động thái quân sự của Bắc Kinh làm “tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực”, cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông.
Theo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên PLA cho máy bay ném bom H-6K thực hiện đáp và cất cánh trên đường băng xây dựng tại Biển Đông. Bản thông cáo của PLA còn ngang ngược khẳng định cuộc diễn tập nhằm “củng cố khả năng thực chiến chống lại mọi mối đe dọa an ninh trên biển”.
Đá Chữ Thập, nơi được cho đã được triển khai trái phép tên lửa Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc thời gian qua liên tiếp đẩy mạnh các động thái quân sự hóa trái phép trên biển Đông. Hôm 2/5, CNBC dẫn các nguồn tin của tình báo Mỹ nói các hệ thống tên lửa đã được đưa đến đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là 3 trong số 7 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.
Hành động này đánh dấu lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc được triển khai đến quần đảo Trường Sa, dù trước đó Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động xây dựng đường băng và cơ sở phi pháp tại đây.
Trả lời họp báo ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam.