Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có tàu sân bay, hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang với Mỹ

Các chuyên gia đánh giá dù sức mạnh quân sự trong khu vực được tăng cường đáng kể nhưng TQ vẫn còn chặng đường dài để trở thành thách thức cho Hải quân Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, hiện được gọi là Type-001A, đã được đưa vào chạy thử trên biển vào 7h sáng 13/5. Đây là một bước tiến lịch sử của Trung Quốc trong sứ mệnh xây dựng nền hải quân có đủ khả năng cạnh tranh với các cường quốc hải quân trên thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù tàu sân bay mới này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực châu Á, công nghệ của nó vẫn còn lỗi thời và tụt hậu so với cường quốc hải quân Mỹ.

“Con tàu này không được thiết kế để thách thức sức mạnh của Mỹ ở châu Á, vì nó đơn giản không cùng đẳng cấp với các tàu sân bay của Mỹ,” CNN dẫn lời Sam Roggeveen, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Lowy tại Sydney, nói.

tau san bay Trung Quoc anh 1
Công nhân Trung Quốc làm việc trên boong tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Type 001A, tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên vào ngày 16/4. Ảnh: Imagine China/AP.

Chỉ riêng trong năm nay, Mỹ đã khai thác 11 tàu sân bay hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những tàu sân bay này được trang bị máy phóng thủy lực hoặc điện từ cho phép khởi động máy bay với tối đa nhiên liệu và vũ khí. Đây là một lợi thế so với các máy bay của Trung Quốc chỉ dựa vào nội lực khi cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu.

Vẫn cần nhiều thử nghiệm

Việc tàu sân bay vượt qua các cuộc chạy thử trên biển không có nghĩa là nó đã sẵn sàng để chiến đấu. Dù tàu Type-001A đã rời khỏi cảng Đại Liên thành công, nhiều vấn đề có thể và khả năng cao là sẽ xảy ra.

Vào cuối năm 2017, siêu tàu sân bay thế hệ mới HMS Queen Elizabeth của Anh đã vấp phải sự cố liên quan đến rò rỉ nước trong thời gian chạy thử và cần phải sửa chữa.

Tàu bay đắt giá và hiện đại nhất thế giới USS Gerald R. Ford của Mỹ cũng gặp phải không ít trục trặc kể từ khi được biên chế vào hạm đội vào tháng 7/2017. Theo báo cáo tháng 1 của Văn phòng Kiểm tra và Đánh giá Hoạt động của Lầu Năm Góc, tàu chiến nặng 100.000 tấn này đang đối mặt với những khó khăn trong các hệ thống quan trọng.

tau san bay Trung Quoc anh 2
Bảng so sánh giữa 3 tàu sân bay của Mỹ, Anh, và Trung Quốc. Đồ họa: CNN.

Tương lai của Hải quân Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để sánh ngang với Mỹ nhưng với tư cách một cường quốc trong khu vực thì chương trình quân sự của quốc gia này đang trên đà phát triển nhanh.

Với ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2018 lên đến 175 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước, công cuộc hiện đại hóa quân sự đang được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017, Hải quân Trung Quốc đã tăng số lượng tàu chiến từ 210 lên 320 chiếc, trong đó có 18 chiếc được sản xuất chỉ riêng trong năm 2016, ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Boston, nói với CNN. Trong khi đó, hạm đội Mỹ hiện có 272 chiếc tàu đang hoạt động.

Theo South China Morning Post, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến hành xây dựng chiếc tàu sân bay thứ 3, được phỏng đoán có trang bị hệ thống phóng tiên tiến hơn thiết kế nhảy cầu.

“Hải quân Mỹ và năng lực của Hải quân Mỹ sẽ vẫn vượt trội so với Hải quân Trung Quốc trong vòng 10 năm tới, tuy nhiên, quy mô của hạm đội Trung Quốc sẽ lớn dần và khoảng cách về công nghệ và đào tạo cũng sẽ được thu hẹp,” ông Ross nhận định.

tau san bay Trung Quoc anh 3
Chủ tịch Tập Cận Bình theo dõi cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc ngày 12/4. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cũng không che giấu tham vọng xây dựng một hải quân “biển cả” hiện đại có thể hoạt động trên toàn thế giới. “Nếu nhìn vào việc Trung Quốc chiếm hữu các cơ sở ở Ấn Độ Dương và Đông Phi, có thể thấy họ đang nhanh chóng phát triển khả năng duy trì sự hiện diện hải quân của mình ở những vùng biển xa,” ông Ross cho biết.

Tuy vậy, sự quan tâm chính của Hải quân PLA trong tương lai gần dự kiến vẫn là thống trị những vùng biển quanh đại lục Trung Quốc, bao gồm Biển Đông. Trung Quốc đang gia cố các đảo trong khu vực với các cơ sở có thể chứa máy bay quân sự, tạo ra “các tàu sân bay không thể đánh chìm”, theo cách gọi của các chuyên gia.

Tuần trước, tình báo Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai tàu và máy bay chống tên lửa đến ba hòn đảo nhân tạo trong các buổi diễn tập quân sự gần đây.

So với phần còn lại của châu Á, hiện chỉ có Nhật Bản có thể sánh vai với Hải quân Trung Quốc. Mặc dù vậy, họ có thể chỉ duy trì được vị thế này trong khoảng 5 năm trước khi bị Trung Quốc “vượt mặt”.

Hình ảnh tàu sân bay tự sản xuất đầu tiên của Trung Quốc chạy thử Tàu sân bay Type-001A do Trung Quốc tự sản xuất đã được chạy thử nghiệm hôm 13/5. Cùng với Liêu Ninh, Type-001A thể hiện tham vọng hàng hải ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Trung Quốc chạy thử trên biển tàu sân bay nội địa đầu tiên

Tân Hoa xã cho biết tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc vừa được đưa vào chạy thử trên biển vào sáng 13/5.


Ngọc Linh - Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm