"Chúng tôi không phải đang cố đưa tiền Trung Quốc ra khỏi châu Phi bằng bất kỳ cách nào. Điều quan trọng là các nước châu Phi phải xem xét cẩn thận các điều khoản trong những thỏa thuận đó và tránh để mất chủ quyền", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Ethiopia hôm 8/3, theo Reuters.
Ông Tillerson đang có chuyến công tác đầu tiên đến châu Phi, nơi ngày càng xích lại gần Bắc Kinh để đổi lấy các khoản viện trợ và hợp đồng thương mại. Ngoại trưởng Mỹ được cho sẽ tìm cách xoa dịu quan hệ sau phát biểu "quốc gia dơ bẩn" nhằm vào các nước châu Phi của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi (AU) Moussa Faki trong cuộc họp báo tại trụ sở AU ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, ngày 8/3. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Tillerson, các khoản đầu tư của Trung Quốc "không mang lại sự thay đổi đáng kể về tình hình việc làm tại địa phương". Ông cũng chỉ trích cách Bắc Kinh phân bổ vốn vay cho các chính phủ châu Phi.
Ông nói, nếu một chính phủ tiếp nhận khoản vay từ Trung Quốc và "gặp trục trặc", nước đó có thể "mất quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng hay nguồn tài nguyên của chính mình vì không trả nợ đúng hạn".
Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ vấp phải sự chỉ trích của người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ngoại trưởng Nga, người có chuyến đi đến Zimbabwe hôm 8/3, cho rằng việc ông Tillerson phê phán quan hệ giữa Trung Quốc với các nước châu Phi là không thích hợp.
"Thật không phù hợp khi chỉ trích quan hệ của nước tiếp đón ông ấy với một nước khác khi ông đến làm khách", ông Lavrov nói. Nhiều nước châu Phi có quan hệ gần gũi với cả Washington và Bắc Kinh.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Tillerson, Ngoại trưởng Kenya Monica Juma nói: "Chúng tôi có quan hệ với các đối tác từ khắp nơi trên thế giới vì những lợi ích và giá trị của riêng chúng tôi".
Trụ sở Liên minh Châu Phi ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, là công trình do Trung Quốc đầu tư và xây dựng. Ảnh: Reuters. |
Ông Tillerson đến Ethiopia hôm 7/3 và ghé thăm trụ sở Liên minh Châu Phi ngày hôm sau. Công trình này được đầu tư và xây dựng bởi Trung Quốc và là biểu tượng cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng cường ảnh hưởng và tiếp cận tài nguyên tại châu lục.
Hồi đầu tuần, ngoại trưởng Mỹ từng lên tiếng rằng "cách tiếp cận của Trung Quốc" với châu Phi làm gia tăng mức độ lệ thuộc thông qua các "hợp đồng mờ ám" và "tập quán cho vay kiểu ăn cướp".