Mọi thứ diễn ra như bộ phim Hollywood. Một nhân vật được kính trọng trong ngành tài chính Hong Kong được cho là đã sắp đặt một cuộc gặp với tổng thống của CH Chad giữa sa mạc Sahara đầy cát bụi. Nhân vật người Hong Kong đề nghị trao cho tổng thống một món quà trị giá 2 triệu USD, đổi lại họ muốn Chad dành cho một tập đoàn Trung Quốc quyền khai thác dầu tại đây.
Trong phần khác của "bộ phim", Chi Ping Patrick Ho được cho từng gửi cho Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khi đó, và hiện là ngoại trưởng Uganda, 500.000 USD hối lộ thông qua hệ thống ngân hàng ở New York để đổi lấy các đặc quyền trong kinh doanh.
Trung Quốc đang bao trùm ảnh hưởng kinh tế lên các quốc gia châu Phi. Ảnh: AFP. |
Ho là người điều hành một tổ chức phi chính phủ về năng lượng tại New York. Tất cả những việc trên, theo các công tố viên Mỹ, đã diễn ra "ngay dưới mũi" các quan chức ngoại giao hàng đầu đang đóng tại Liên Hợp Quốc ở New York.
Tháng 11/2017, Ho và Cheikh Gadio, cựu ngoại trưởng và từng là ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Senegal nhưng thất bại, đã bị bắt ở New York với hàng loạt cáo buộc hối lộ và rửa tiền. Gadio được cho là người sắp xếp cho nhiều phi vụ của Ho. Cả 2 sẽ ra tòa vào tháng 11 tới.
Cuộc gặp của "những người bạn cũ:
Dựa trên các tài liệu và email mà FBI tiếp cận được, Ho và Gadio hầu như không làm gì để che đậy việc làm của họ. Cả hai đã ghi chép lại kế hoạch của họ rõ ràng như thể đó là một cẩm nang chỉ dẫn "làm thế nào để hối lộ một quan chức châu Phi" vậy.
Jackson Miller, chuyên gia về Trung Quốc - châu Phi đóng tại Washington, nói rằng sự lộ liễu trên cho thấy "sức mạnh" của cơ chế hành pháp địa phương.
"Nói trắng ra, phần lớn thời gian những chuyện này tồn tại được là vì không có cơ chế chính thức nào chống lại nó", ông nói. "Thật điên rồ khi người ta có thể để những thông tin đó trên Facebook và Twitter vì họ nghĩ là không ai nhìn thấy".
Patrick Ho từng là bác sĩ nhãn khoa từng học ở Mỹ, trong đó có Đại học Harvard. Từ năm 2002-2007, ông đứng đầu cơ quan nội vụ Hong Kong và sau đó trở thành chủ tịch Hội đồng Quỹ Năng lượng Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ có vị trí đặc biệt tại Liên Hợp Quốc. Trong ảnh, Ho (phải) chụp ảnh với diễn Thành Long. Ảnh: Getty. |
Cuối năm 2014, Ho tiếp cận Gadio, "người bạn cũ" tại Liên Hợp Quốc. Khi đó, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vừa bị chính phủ Chad phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm luật lệ về môi trường và bị rút giấy phép khai thác dầu. Ho yêu cầu Gadio, "người bạn thân" của tổng thống Chad, giúp giải quyết vấn đề.
Gadio gọi cho một "đại nhân", người mà FBI cho là Tổng thống CH Chad Idriss Deby. Ông bắt chuyến bay đến gặp Deby để trình bày về một lời đề nghị cung cấp "sự hỗ trợ chính trị tuyệt mật" dành cho tổng thống.
Không lâu sau đó, CH Chad giảm mức phạt dành cho CNPC xuống còn 400 triệu USD.
Trước khi mọi việc vở lỡ, công ty năng lượng CEFC, tập đoàn toàn cầu đóng tại Thượng Hải và có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc, đã hy vọng có thể hợp tác với CNPC để gia nhập thị trường dầu tại Chad. CEFC là nhà tài trợ cho Hội đồng Quỹ Năng lượng Trung Quốc, tổ chức tư vấn mà Ho là đại diện ở Liên Hợp Quốc.
Gadio không giúp ích được nhiều đối với triển vọng liên doanh của CNPC và CEFC tại CH Chad. Ho dự định chính ông sẽ đến gặp tổng thống để tìm kiếm một hợp đồng cho CEFC.
Ho và Gadio được cho đã trao đổi rất nhiều email để bàn cách tiếp cận thị trường Chad. Họ từ chối đề nghị của Tổng thống Deby về việc gặp gỡ tại thủ đô của CH Chad để tránh "gặp phải kẻ thù và những nhà vận động hành lang".
Gadio sau đó đã đề xuất cuộc gặp tại "ngôi làng ở giữa sa mạc" rồi bay thẳng đến đó từ Ethiopia.
Theo cáo buộc của các công tố viên, những người này đã gặp nhau trong 2 giờ vào tháng 11/2017. Hình ảnh của Ho và Gadio chụp cùng tổng thống và 3 người không xác định danh tiếng đã được trao đổi qua lại trong email sau chuyến đi.
Mặc cả qua thư
Không những vậy, sau chuyến đi, Gadio đã email cho Ho với sự thẳng thắn đáng kinh ngạc.
"Tôi chưa từng thấy vị tổng thống nào, chưa gì đã đề nghị cho anh một mỏ dầu mà không có điều kiện hay sự mặc cả nào... Tôi khẩn thiết đề nghị anh có đề nghị lại về tài chính đối với tổng thống vì cung cấp một mỏ dầu lớn như vậy", ông viết.
Ho muốn cuộc gặp nữa với tổng thống. Ông cũng nghe theo lời khuyên của "người bạn cũ", thảo một bức thư và bày tỏ ý định của công ty năng lượng được "đóng góp" 2 tỷ USD, một "sự sắp đặt cá nhân" của Ho để hỗ trợ "các chương trình xã hội và chương trình khác mà (ông Deby) thấy phù hợp".
Gadio đã bác bỏ bản thảo này với lý do "viết không tốt" và chỉnh sửa lại ngôn ngữ. Bức thư sau đó được chuyển đến ông Deby thông qua một bộ trưởng của Chad, người được cho đã lấy "phí" từ 100.000-400.000 USD.
"Đây chỉ là khởi đầu cho mối quan hệ của chúng ta", Gadio và Ho thống nhất với nhau.
Gadio (bên trái) chụp ảnh chung với cựu ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh. Ảnh: AFP. |
Luật sư của Ho và Gadio hiện vẫn từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đáp lại nhiều yêu cầu trả lời của CNN về việc liệu nước này có định thắt chặt luật lệ thống tham nhũng ở nước ngoài của họ không.
CEFC không đáp lại các email của CNN nhưng có một thông cáo vào tháng 11/2017 nói rằng CEFC Trung Quốc không có hoạt động đầu tư nào tại Uganda và không có "mối quan hệ lợi ích" với chính phủ của CH Chad. Email đến CNPC không được trả lời.
Chính phủ CH Chad cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận. Dù vậy, hồi năm 2017, nước này tuyên bố chính thức phủ nhận "những lời thêu dệt".
Thống trị tại châu Phi
CNN nhận định vụ bắt giữ đối với Ho không chỉ là cú ngã ngựa của một nhân vật danh tiếng. Nó hé lộ một góc sự tham nhũng của Trung Quốc ở châu Phi, điều mà nhiều học giả, chính trị gia và doanh nhân đã nghi ngờ từ lâu nhưng chưa nhiều bằng chứng cụ thể để chứng minh.
Các công ty phương Tây từ lâu đã than phiền về các lợi thế cạnh tranh mà công ty Trung Quốc nhận được ở châu Phi.
"Và sự hiện diện thương mại đang lên nhanh chóng của Trung Quốc có xu hướng xác nhận việc đó", CNN dẫn lời Andrew Spalding, giáo sư tại Đại học Richmond và là chuyên gia về luật chống tham nhũng.
Tổng giá trị trao đổi hàng hóa của Trung Quốc với châu Phi trong năm 2015 đạt 188 tỷ USD, trong khi con số tương tự với Mỹ chỉ là 53 tỷ USD. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, đã làm ăn trong một châu lục với mức độ tham nhũng với những quốc gia không có đủ luật lệ để chống lại việc này. 30 nước nằm cuối trong danh sách Chỉ số Nhận biết tham nhũng là 30 quốc gia ở vùng hạ Sahara.
Quy mô ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi so với các nước. Đồ họa: CNN. |
"Nếu tôi là một công ty Mỹ muốn có hợp đồng, cụ thể là ở châu Phi và các khu vực kém phát triển, tôi tiếp cận các quan chức châu Phi và để thua vào tay các công ty Trung Quốc vì họ đã hối lộ các quan chức trên, tôi sẽ bực mình", Rob Precht, chủ tịch hãng tư vấn luật Justice Labs (trụ sở tại New York), nhận định.
Các công ty Anh và Mỹ phải hành xử trong khuôn khổ của Đạo luật Thực hành (chống) Tham nhũng ở Nước ngoài và Đạo luật về Hối lộ của Anh. Trong khi đó, Trung Quốc dù cũng có luật về chống hối lộ để đáp ứng Công ước Phòng chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc, ông Spalding nói rằng nước này hầu như "chẳng làm gì để thực thi luật".
"Hy vọng là nếu các công ty phương Tây tiếp tục gây áp lực buộc chính phủ các nước thay đổi, lợi thế cạnh tranh trên sẽ từ từ biến mất", ông nói.
Các nhà quan sát bình luận chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ trong nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như bỏ qua các vụ hối lộ ở nước ngoài.
"Trong nhiều thế kỷ, việc hối lộ còn không được xem là chuyện xấu ở Trung Quốc", Precht nói. "Nhưng khi Trung Quốc trở thành đối tác trong cộng đồng thế giới, những việc như thế này ngày càng quan trọng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống CH Chad Idriss Deby gặp nhau tại hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 2016. Ảnh: Getty. |
Trước khi trở thành tổng thống, ông Donald Trump đã chỉ trích đạo luật chống tham nhũng của Mỹ biến nước này trở thành viên "cảnh sát của thế giới". Một người nước ngoài gửi email liên quan đến hành vi tham nhũng thông qua máy chủ của Mỹ cũng có thể bị truy tố.
"Để họ thay đổi hành động của họ, chúng ta không nên làm giúp họ", ông nói với CNBC năm 2012.
Vụ bắt giữ Ho có thể khiến Trump, giờ đã là tổng thống, phải suy nghĩ lại.
Precht nói rằng ông đã nói chuyện với nhiều "luật sư, học giả và doanh nhân" và những người trên đều nói họ có lý do để tin rằng các hoạt động tham nhũng của Trung Quốc ở châu Phí là "chuyện thường".
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc - châu Phi đồng ý việc này nhưng cho rằng nhiều người sẽ không ghi chép hoặc báo cáo về việc này vì sợ gặp phải những sự trả đũa như cấm đặt chân đến Trung Quốc. Ngoài ra, việc tìm kiếm bằng chứng của không dễ dàng và nói như một chuyên gia, việc hối lộ vốn là vô hình.
"Tôi không nói rằng người Mỹ và châu Âu không có hành vi hôi lộ. Đương nhiên là họ có", ông Precht nói. "Vấn đề là đâu là quy chuẩn và liệu anh có một hệ thống có sẵn để áp đặt hình phạt nặng nề lên khi một hành vi tham nhũng bị phát hiện hay không".
Ho 68 tuổi, sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều. Giờ đây, nhân vật đầy quyền lực trong ngành tài chính Hong Kong đứng trước nguy cơ trải qua phần đời còn lại trong tù. Người ta hy vọng có thể khiến Ho tiết lộ thêm các bên liên quan để làm giảm nhẹ án phạt ông phải nhận.