Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Phi: Cơn sốt vàng và giấc mơ đổi đời tại châu Âu

Người tị nạn Sudan ở phía bắc Chad đang mạo hiểm với chính cuộc đời mình để khai thác quặng quý hiếm trong nỗ lực tuyệt vọng đổi đời tại châu Âu.

Dân tị nạn từ khu vực Sudan khó khăn, Darfur, đang sống trong các trại ở nước láng giềng Chad. Họ bị cuốn vào cơn sốt vàng trong nỗ lực tuyệt vọng có đủ tiền trả cho những kẻ buôn lậu để được đưa đến châu Âu.

Cuộc sống mới đến từ những khối vàng

Đào các hố sâu tới 50 m, người tị nạn Sudan đang mạo hiểm cuộc sống của họ ở một khu vực không chỉ lở đất mà còn bị tàn phá bởi bạo lực, nơi ít nhất 25 người đã thiệt mạng năm ngoái.

Được hạ xuống dưới lòng đất bằng dây thừng trong bóng tối, họ dành hàng giờ dưới ánh đèn đuốc cuốc những tảng đá cứng. Hy vọng của những người này là tìm thấy miếng vàng đủ to để chi trả hàng nghìn bảng mà những kẻ buôn lậu đòi. Nếu thành công, họ sẽ được đưa qua Libya lên những con tàu cho họ cơ hội sống mới ở đất châu Âu.

Con sot vang tai chau Phi anh 1
Quy trình khai thác vàng bán cơ giới hóa ở phía Tây Chad. Ảnh: Small Arms Survey.

Nasrudin Omar Bahar, 29 tuổi, dành số tiền tiết kiệm 200 bảng để tham gia một nhóm đào vàng ở Tibesti, phía bắc Chad.

“Tôi đã nghĩ rằng mình có thể kiếm đủ vàng để tới được châu Âu”, anh nói, “tôi không quan tâm sẽ đến nước nào. Nơi tôi mơ ước là nơi có hòa bình, yên ổn và một cuộc sống tốt”.

Nhưng Bahar giờ nằm trên giường trong một căn nhà bằng bùn ở trại tị nạn Farchana gần biên giới Darfur. Anh trốn khỏi Darfur vào năm 2007 khi dân quân Arab, hay còn gọi là Janjaweed, tấn công và đốt làng Tandikoro.

Sự rung chuyển từ máy móc nghiền đá nặng nề đã khiến hầm mỏ đổ sập lên người Bahar. Đất đá rơi làm anh bị liệt từ eo trở xuống. Anh giải thích rằng điều kiện sống ở trại chính là thứ thúc giục anh phải rời khỏi đó.

Guardian dẫn lời Bahar, “Cuộc sống rất khó khăn và chúng tôi không thể tự chu cấp cho bản thân. Sau đó tôi nghe được về một nhóm người đi tìm vàng, vậy nên tôi rời khỏi trại”.

Con sot vang tai chau Phi anh 2
Nasrudin Omar Bahar bị liệt toàn thân dưới sau tai nạn tại hầm mỏ ở Tibesti. Anh đang được chăm sóc bởi chị gái Manira. Ảnh: Guardian.

Lời đồn về viễn cảnh giàu có tại các mỏ vàng lan rộng trong trại tị nạn. Ở Goz Beida, Mohamed Jouma Ahamed, 41 tuổi, thanh tra các trường học tại trại Djabal, cho biết em trai của ông đã tham gia vào cuộc đào vàng với hi vọng kiếm đủ để đến châu Âu.

“Sống ở đây không dễ dàng, nên chúng tôi muốn tới châu Âu. Có rất nhiều thanh niên cố gắng tới châu Âu bằng đường biển qua Libya”, ông nói.

“Họ tới khu vực phía bắc Chad để tìm vàng, và có tiền mặt trả cho những người buôn lậu để được đưa tới Libya. Em của tôi tới Tibesti tìm vàng và cũng đã có một khoản kha khá, những người buôn đưa họ tới Libya bằng ôtô”.

Cuộc chạy trốn dân quân Janjaweed

Khoảng 323.000 người trốn thoát khỏi cuộc chiến nổ ra ở Darfur năm 2003 đang sống tại trại tị nạn ở Chad gần biên giới Sudan. Những cố gắng thuyết phục họ trở về nhà chìm trong những vụ bạo lực mới nổ ra, với kết quả là hàng nghìn người chạy qua biên giới sang Chad trong những tháng gần đây.

Trưởng làng Tenbeba ở Darfur, Mahamat Khatir Idriss, 60 tuổi, mô tả cách ông và nghìn người khác phải chạy khi Janjaweed tấn công sau nhiều năm hãm hiếp, đánh đập và hăm họa. “Không thể thương lượng gì với họ. Họ đến với súng và chúng tôi trở thành tù nhân ngay trong chính ngôi làng của mình”, ông nói, “khi con của chúng tôi đi lấy thức ăn, chúng bị đánh đập. Phụ nữ đi lấy nước thì bị tấn công, thậm chí bị cưỡng hiếp”.

Con sot vang tai chau Phi anh 3
Mahamat Khatir Idriss, trưởng làng Tenbeba. Ảnh: The Guardian.

Ông Idriss và rất nhiều người trong làng sau đó chạy đến trại tị nạn Treguine ở phía tây Chad. Ông nói rằng họ hoàn toàn không thể tự vệ khỏi dân quân Arab, những người được cho là đã sử dụng quá nhiều bạo lực chống lại nông dân da màu châu Phi trong xung đột kéo dài.

Vị trưởng làng cáo buộc quân đội phái bộ chung của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi tại Darfur (Unamid) đã thất bại trong việc bảo vệ người dân khỏi cuộc tấn công. “Các binh lính tới và lấy thông tin khi sự việc xảy ra, nhưng họ chẳng làm gì cả”.

Ông nói rằng họ được cung cấp số điện thoại để gọi Unamid khi cần trợ giúp nhưng lực lượng Liên Hợp Quốc không can thiệp để ngăn chặn những cuộc tấn công.

“Kể cả khi chúng tôi gọi, họ vẫn không đến. Họ không chiến đấu để bảo vệ dân địa phương. Họ rời đi luôn”, ông Idriss bức xúc.

Một dân làng khác, Fatna Idriss Adam, 25 tuổi, nói rằng họ bị hành hạ bởi những người Arab. Cô kể lại cách Janjaweed tấn công làng vào tháng 8/2017, giết cảnh sát và đốt cháy các ngôi nhà, buộc cả làng phải chạy trốn. “Một số người đi bộ, một số khác cưỡi ngựa. Người Arab nã súng, và 3 người bị thương, 1 người chết. Tôi đang ở trong cánh đồng. Khi nghe thấy tiếng súng, tôi chạy qua con sông cùng con của mình”.

Con sot vang tai chau Phi anh 4
Fatna Idriss Adam (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) và những người tị nạn từ làng Tenbeba đến Treguine. Ảnh: The Guardian.

Cô nói rắc rối bắt đầu khi một trong những người Janjaweed bị cảnh sát địa phương bắt vì cố thả gia súc trên đất của nông dân. Người Janjawed trả thù bằng các giết cảnh sát và đuổi dân làng đi.

Chính quyền Sudan bị cáo buộc là tận dụng những tranh cãi tồn tại giữa những người Arab du mục chăn thả gia súc và những nông dân châu Phi định cư, cấp vũ khí cho Janjaweed để đối phó với các nhóm người không phải dân Arab.

“Chúng tôi sống với một nỗi sợ giữa 2 cộng đồng”, Adam giãi bày. Cô và hàng trăm dân làng khác đã quyết định ở lại Treguine và bắt đầu xây nhà trên đất được phát cho họ. “Ở đây tốt hơn vì người Arab sẽ để chúng tôi yên”.

Không còn niềm tin về lại Darfur

Trên đỉnh điểm xung đột ở Darfur, giữa năm 2003 và 2005, hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn, với những gì được mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, là tiêu điểm của sự quan tâm trên toàn thế giới.

Nhưng hiện tại, những trại tị nạn, bao gồm tổ chức cứu trợ của châu Âu Echo, lo lắng rằng quỹ đang dần cạn kiệt. Đã có những cố gắng thuyết phục người tị nạn trở về bằng cách sắp xếp các nhóm nhỏ người đại diện của họ thăm lại Darfur để đánh giá tình hình an ninh.

Nhưng Adam Ismail Abdallah, 38 tuổi, một trong những người thăm lại Darfur năm ngoái, vẫn quay về với trại tị nạn Djabal và càng tin rằng Darfur không hề an toàn.

“Tất cả mọi thứ vẫn vậy – giết người, cưỡng hiếp, mọi thứ”, anh Abdallah nói với The Guardian, “Những bộ lạc Arab đang sống trên đất của chúng tôi, trong làng của chúng tôi”.

Con sot vang tai chau Phi anh 5
Người tị nạn Darfur ở trại Djabal ở Goz Beida, phía tây Chad. Ảnh: The Guardian.

Chính trong hoàn cảnh này mà vàng ở vùng phía bắc Chad thu hút những người trong trại tị nạn với ý nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Vàng được phát hiện quanh Tibesti vào năm 2012, và từ đó, nhiều người trong cả khu vực đã dồn đến các mỏ.

Một báo cáo công bố năm ngoái cho thấy trong hàng ngàn người đi tìm vàng có dân tị nạn từ Darfur. Nhưng sự cạnh tranh rất gay gắt và hàng chục người đã thiệt mạng vì mâu thuẫn bạo lực giữa các thợ mỏ. Những người khác thì vật lộn để sống sót.

Bahar cho biết anh chỉ có thể kiếm vừa đủ để mua thức ăn, nhưng anh tin rằng kết thúc có hậu đang chờ. Mặc dù bị thương nặng, giấc mơ tới châu Âu vẫn không chết dưới hầm mỏ. Phần Lan đã đồng ý cấp phép tị nạn cho anh. Bahar và chị gái Manira sẽ rời khỏi Chad vào cuối tháng này.

Khai thác kim cương ở châu Phi Châu Phi vốn là nơi nổi tiếng với nhiều mỏ kim cương, tuy nhiên, người dân ở "lục địa đen" không thể trang bị cho mình những loại phương tiện máy móc khai thác hiện đại, họ đành dùng cách thủ công nhất với hy vọng thay đổi cuộc sống nhờ nguồn tài nguyên quý giá này.

'Quốc gia dơ bẩn': Trump hứng 'bão' vì miệt thị người châu Phi

Bình luận của ông Trump về người nhập cư từ châu Phi gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên nước Mỹ và toàn thế giới về chủ đề: Tổng thống Mỹ có phải là người kỳ thị chủng tộc?

Không chỉ Trump, một số chính khách phương Tây cũng miệt thị di dân

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp rắc rối lớn khi gọi các nước châu Phi là “dơ bẩn”. Nhưng dường như không chỉ có Tổng thống Trump miệt thị các dân tộc khác.

Ngọc Hà

Bạn có thể quan tâm