Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quốc gia dơ bẩn': Trump hứng 'bão' vì miệt thị người châu Phi

Bình luận của ông Trump về người nhập cư từ châu Phi gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên nước Mỹ và toàn thế giới về chủ đề: Tổng thống Mỹ có phải là người kỳ thị chủng tộc?

Đã hơn 150 năm kể từ khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, hơn 50 năm trôi qua kể từ khi Đạo luật Quyền Dân sự lịch sử (cấm phân biệt chủng tộc trong việc làm, giáo dục và nơi công cộng) được thông qua. Vậy mà mới đây, bình luận "xúc phạm" của Donald Trump về người nhập cư một lần nữa lại làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trên nước Mỹ và toàn thế giới về chủ đề: Tổng thống Mỹ có phải là người phân biệt chủng tộc?

"Những lời đáng ghét, xấu xa"

Đối với các thành viên đảng Dân chủ và một số sử gia thì chẳng có gì phải tranh luận nếu nhìn vào những phát ngôn và hành động của ngài tổng thống. Cơ hội chính trị của Trump bắt đầu mở ra bằng việc ông rêu rao những nghi vấn về vấn đề quốc tịch của Obama, sau đó cáo buộc người nhập cư Mexico tới Mỹ là những tội phạm hiếp dâm và kẻ giết người.

Tổng thống Trump tiếp tục gây bức xúc trong cuộc họp tại phòng Bầu dục hôm 11/1, khi Thượng nghị sĩ Dick Durbin và Lindsey Graham báo cáo về một dự thảo đạo luật nhập cư mới do hai ông cùng nhau soạn thảo. Đạo luật nhập cư mới bao gồm việc cho phép những người đến từ các nước đang chịu thiên tai nặng nề hoặc nội chiến được tạm trú tại Mỹ. 

Tuy nhiên, ngài tổng thống gây "sốc" bằng câu hỏi tại sao Mỹ phải tiếp nhận người nhập cư từ Haiti hay các quốc gia "dơ bẩn" ở châu Phi, mà không phải những người từ Na Uy, quốc gia có phần đông dân số da trắng.

"Tổng thống Trump đã nói ra những lời đáng ghét, xấu xa và phân biệt chủng tộc", Thượng nghị sĩ Dick Durbin bức xúc. Ông là người tham dự cuộc họp và xác thực bình luận của tổng thống.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal, một người thường xuyên chỉ trích Trump, nói rằng lời của tổng thống “sặc mùi kỳ thị chủng tộc, cho thấy tư tưởng bài trừ sắc tộc đội lốt chính sách nhập cư”.

Trump phan biet chung toc anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bức xúc vì gọi Haiti và các nước châu Phi là "quốc gia dơ bẩn". Ảnh: Getty.

Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng phê phán tổng thống vì bình luận "quốc gia dơ bẩn". Bà Mia Love, nghị sĩ đến từ bang Utah, một người Mỹ gốc Haiti, lên án phát ngôn của ông Trump là “vô cảm, gây chia rẽ, kiêu căng và làm hỏng giá trị của quốc gia”. Bà Love yêu cầu ông Trump xin lỗi người Mỹ và người dân các nước mà ông đã nói xấu.

Thành viên khác đảng Cộng hòa, bà Ileana Ros-Lehtinen, người sinh ra tại Cuba và làm việc tại khu vực phía nam bang Florida nơi có nhiều người Haiti nhập cư, cho biết: “Những ngôn từ như thế không bao giờ được nói ở trong phòng thay đồ chứ đừng nói là ở Nhà Trắng”.

"Hãy đánh giá tổng thống qua việc làm"

Hôm 12/1, trong khi các lãnh đạo đảng hầu như chỉ im lặng, một số thành viên đảng Cộng hòa đã lên tiếng bảo vệ phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng. Một số cho rằng bình luận của Trump chỉ là cách nói thẳng thắn về những vấn nạn kinh tế ở một số khu vực trên thế giới, không phải là biểu hiện phân biệt chủng tộc. Một số khác cho rằng vị tổng thống 71 tuổi chỉ nói lên quan điểm mà nhiều người lâu nay vốn không bày tỏ.

"Tôi đã nói từ đầu là tổng thống rất nhiều lần nói giúp những gì mọi người đang nghĩ", ông Jim Renacci, nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Ohio, nói với Fox News. "Hãy đánh giá tổng thống qua việc ông ấy làm. Đừng phán xét những điều ông ấy nói".

Bản thân Trump nhiều lần phủ nhận mình là người phân biệt chủng tộc, trong chiến dịch tranh cử 2016 Trump thậm chí tuyên bố ông "là người ít phân biệt chủng tộc nhất".

Trump phan biet chung toc anh 2
Tổng thống Trump ngày 12/1 lên Twitter "thanh minh" về phát ngôn của ông liên quan đến người dân Haiti khiến dư luận lên án là phân biệt chủng tộc.

Sau khi dư luận xôn xao về phát ngôn nhắc tới các "quốc gia dơ bẩn", tổng thống lên Twitter phân trần rằng ông "chưa bao giờ nói bất cứ điều gì xúc phạm về người Haiti ngoại trừ Haiti rõ ràng là một đất nước nhiều nghèo nàn và nhiều vấn đề". "Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với người Haiti", Tổng thống Trump nói, ông còn đề nghị các cuộc họp tới đây nên được thu âm lại. Với các phóng viên, ông lờ đi các câu hỏi về phát ngôn của mình.

Tổng thống kỳ thị chủng tộc nhất trong gần 100 năm

Không nghi ngờ gì rằng diễn biến mới này đã củng cố thêm bằng chứng cho cáo buộc phân biệt chủng tộc vốn đeo đẳng ông Trump nhiều năm trời, thậm chí từ rất lâu trước khi ông làm tổng thống. Trong những năm 1970, chính phủ liên bang đã hai lần kiện công ty bất động sản của Trump vì thiên vị chủ đất da trắng hơn người da màu. Ông Trump từng kêu gọi mạnh mẽ án tử hình đối với một nhóm thanh niên người da màu và Latin bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng nhưng sau đó được gỡ tội.

Nhưng giờ đây, mọi phát ngôn của Trump được nhìn nhận ở một tư thế khác: tổng thống của nước Mỹ. Sứ mệnh của ông lẽ ra phải là đưa đường chỉ lối về mặt đạo đức cho đất nước, cũng như là người định hình lý tưởng Mỹ cho hàng triệu người trên thế giới.

Mặc dù Mỹ có lịch sử chủng tộc phức tạp và từng trải qua chế độ nô lệ, sự kỳ thị và sự bất bình đẳng kinh tế dai dẳng giữa người da trắng và các tộc người thiểu số, những tổng thống tiền nhiệm gần đây của Trump, dù thuộc đảng nào đi chăng nữa, cũng đều sử dụng quyền lực tổng thống để thúc đẩy bình đẳng và thực hiện các chính sách nhập cư giúp đưa hàng triệu người từ châu Phi và Mỹ Latin tới Mỹ.

Trump phan biet chung toc anh 3
Chính sách cấm nhập cư của Tổng thống Trump nhằm vào các quốc gia Hồi giáo vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân Mỹ cũng như trên thế giới, gây ra làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Ảnh: WBUR.

"Những gì ông Trump đang làm vốn diễn ra thường xuyên. Nhưng trong thời hiện đại, không có tổng thống nào vô ý như vậy về vấn đề chủng tộc, và tỏ thái độ khinh bỉ công khai như vậy với những người không phải da trắng", Douglas Brinkley, sử gia về tổng thống, nói với AP. Brinkley nhận định ông Trump là tổng thống kỳ thị chủng tộc nhất kể từ sau Woodrow Wilson, người lãnh đạo nước Mỹ thời kỳ 1912-1921.

Wilson cổ súy phân biệt chủng tộc ngay trong chính phủ liên bang. Người ta cáo buộc rằng chính sách của ông đã cản trở sự phát triển của tầng lớp trung lưu da màu mới nổi vào cuối thế kỷ 20.

Hàng thập niên sau khi Wilson rời nhiệm sở, Tổng thống Richard Nixon đã đưa ra nhiều phát biểu xúc phạm về người da màu, người Do Thái và những nhóm người khác trong các cuộc họp riêng. "Bạn có biết nổi một quốc gia da màu nào vận hành tốt hay không?", đó là một trong phát ngôn gây tranh cãi của ông. 

Nhiều bình luận của Nixon phải đến hàng năm sau mới được đưa ra ánh sáng, khi các đoạn băng ghi âm từ Nhà Trắng được công bố. Timothy Naftali, nhà sử học về tổng thống và là cựu giám đốc thư viện tổng thống của Nixon, nói rằng bình luận mới nhất của Trump còn gây phẫn nộ hơn bởi hai lý do. Thứ nhất, nó được công khai trong thời gian thực. Thứ hai là nó được đưa ra đúng vào thời điểm luật nhập cư đang được bàn thảo và tranh cãi gay gắt.

"Đây không phải một kiểu tiết lộ cho thấy tổng thống là kẻ xuẩn ngốc", Naftali nói. "Mà cách nói của tổng thống phơi bày việc ông suy nghĩ như một kẻ phân biệt chủng tộc trong khi làm chính sách nhập cư".

Đáng chú ý là Nhà Trắng lại không phủ nhận lời lẽ của tổng thống, thay vào đó diễn giải ý đồ câu nói của Trump theo hướng tích cực và ủng hộ tinh thần đó. Trong một thông cáo, ông Raj Shah, người phát ngôn của Nhà Trắng, tuyên bố rằng ông Trump "đang đấu tranh cho các giải pháp lâu dài làm cho đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn bằng cách chào đón những người có thể đóng góp cho xã hội của chúng ta, phát triển nền kinh tế của chúng ta và hòa nhập vào đất nước vĩ đại của chúng ta".

TT Trump lắp bắp khi hát quốc ca Mỹ Trong sự kiện hôm 8/1 tại Atlanta, Tổng thống Trump tỏ ra lắp bắp và lúng túng khi hát bài "Lá cờ lấp lánh ánh sao", làm dấy lên nghi vấn ông Trump không thuộc lời quốc ca Mỹ.

Các nước châu Phi yêu cầu Trump xin lỗi vì bình luận 'quốc gia dơ bẩn'

Phái đoàn Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Washington lên án phát ngôn của ông Trump về châu Phi và Haiti, đồng thời yêu cầu tổng thống Mỹ phải xin lỗi.

LHQ lên án nhận xét 'quốc gia dơ bẩn' của Tổng thống Trump

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc lên án tổng thống Mỹ sau khi bình luận thô tục của ông khiến người dân các nước bị phỉ báng phẫn nộ và yêu cầu lời xin lỗi.




Ngụy An

Bạn có thể quan tâm