Trong tuyên bố ngày 12/1, phái đoàn AU bày tỏ sự thất vọng đối với Tổng thống Donald Trump, yêu cầu ông "rút lại bình luận" và gửi lời "xin lỗi người châu Phi".
"Phái đoàn Liên minh châu Phi lên án bình luận (của Tổng thống Trump) theo cách mạnh mẽ nhất, yêu cầu (ông Trump) rút lại phát ngôn cũng như đưa ra lời xin lỗi không chỉ với người châu Phi mà với tất cả những người gốc Phi trên toàn cầu", African News dẫn tuyên bố.
Theo tuyên bố, AU "tin tưởng mạnh mẽ rằng đang có sự hiểu lầm rất lớn giữa châu Phi và người dân lục địa về chính quyền hiện tại (của Mỹ)". AU cho rằng "cần có một cuộc đối thoại giữa chính quyền Mỹ với các nước châu Phi".
Tuyên bố của phái đoàn Liên minh châu Phi tại Washington DC ngày 12/1. Ảnh: Twitter. |
Trước đó, người phát ngôn của AU Ebba Kalondo nói với AP rằng họ "bàng hoàng" trước ngôn từ của ông Trump. "Khi xét tới thực tế lịch sử của biết bao người châu Phi đã tới Mỹ làm nô lệ, tuyên bố này đã đi ngược lại tất cả chuẩn mực và hành vi được chấp nhận", ông Kalondo bày tỏ.
"Điều này đặc biệt đáng ngạc nhiên khi Mỹ vẫn là một ví dụ toàn cầu về cách người nhập cư xây dựng một quốc gia dựa trên các giá trị về sự đa dạng và cơ hội", Kalondo cho biết.
Hôm 11/1, trong cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Trump đã hỏi tại sao Mỹ lại muốn có người nhập cư từ Haiti và các nước châu Phi. "Tại sao chúng ta lại nhận tất cả những người từ các quốc gia dơ bẩn tới đây?". Thay vào đó, ông đề nghị Mỹ nên tiếp nhận nhiều người nhập cư từ các nước như Na Uy.
Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhận xét phát biểu của ông Trump là phân biệt chủng tộc. Cơ quan này đang dẫn dắt làn sóng toàn cầu nhằm lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cựu tổng thống Haiti Laurent Lamothe cũng bày tỏ sự thất vọng khi nói rằng lời phát biểu của tổng thống Mỹ "cho thấy sự thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết". Đại sứ Haiti tại Mỹ, Paul Altidor, cho biết quan điểm của Trump "thể hiện sự rập khuôn".
Một số nghị sĩ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích phát biểu kỳ thị chủng tộc của ông Trump.