Vùng Sừng châu Phi, nằm ngay tại nơi giao nhau của các tuyến hàng hải quan trọng, gồm tuyến hàng hải qua Bab El Mandeb và vịnh Aden, đóng vai trò sống còn trong duy trì dòng chảy của dầu mỏ và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Sự hiện diện quân sự đầu tiên ở nước ngoài
Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của địa chính trị khu vực Sừng châu Phi, và đang biến khu vực trở thành tâm điểm trong các hoạt động quân sự đầu tiên bên ngoài lãnh thổ nước này.
Bước đi đầu tiên chứng tỏ sự vươn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh là tham gia lực lượng hải quân quốc tế chống cướp biển trên Ấn Độ Dương. Mới đây, Trung Quốc đã lập căn cứ quân sự tại nước ngoài đầu tiên của mình ở Djibouti.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti. Ảnh: SCMP. |
Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc bên bờ Ấn Độ Dương là bước đi đúng thời điểm. Tình hình tại Sừng châu Phi hiện là một mớ hỗn độn. Sudan và Somalia đang tan vỡ vì xung đột chính trị trong khi Yemen chìm trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Saudi Arabia và Iran.
Tháng trước, lo ngại về xung đột tại đây leo thang khi Sudan chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết thành phố cảng Suakin và một cảng hải quân có thể được sử dụng để bảo dưỡng tàu thuyền quân sự nằm bên bờ Biển Đỏ.
Thỏa thuận trị giá 650 triệu USD giữa Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Ankara hiện diện quân sự tại Biển Đỏ, đe dọa làm trầm trọng thêm xung đột vốn có tại khu vực và đẩy Trung Quốc lún sâu thêm vào cuộc đối đầu đa phương cực kỳ phức tạp, vốn xuất phát từ vùng Vịnh, nay bao trùm cả vùng Sừng châu Phi.
Giữa đối đầu của các đối tác quan trọng
Là nền kinh tế phát triển nóng nhất thế giới, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nước vùng Vịnh, nơi cung cấp dầu thô và khí đốt lớn nhất nhì cho Bắc Kinh.
Đứng đầu Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh là Saudi Arabia và UAE. Saudi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên toàn Trung Đông, trong khi UAE là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực. Ở phía bên kia của cuộc khủng hoảng, Qatar là nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn thứ 2 của Trung Quốc, chỉ sau Australia.
Nhưng cuộc chơi tại khu vực không đơn giản chỉ có 2 phe. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những ông lớn nằm ngoài khu vực, đang tích cực hỗ trợ cho Qatar cũng như đối đầu trực tiếp với Saudi Arabia.
Iran từ lâu đã là đối tác chiến lược của Trung Quốc tại khu vực. Là cường quốc duy nhất tại Trung Đông không phải đồng minh của Mỹ, Trung Quốc hưởng lợi khi bán cho Iran hàng tỷ USD vũ khí và hàng tiêu dùng, cũng như được đảm bảo về nguồn dầu mỏ từ Tehran.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt chặt quan hệ song phương. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng quan hệ trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ sa sút tại khu vực. Ankara muốn thu hút nguồn tài chính khổng lồ từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cần Ankara để giải quyết vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và chống khủng bố.
"Trung Quốc cần khu vực này ổn định và hòa bình để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ, cũng như việc thực hiện Sáng kiến Vành đai - Con đường", Degang Sun, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Trung Đông SISU, nói với Arab News.
Cuộc đối đầu nóng dần tại Sừng châu Phi
Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan đạt được mới đây cho phép Ankara gia tăng ảnh hưởng địa chính trị đáng kể tại vùng Sừng châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự định mở rộng căn cứ quân sự của nước này tại vùng Vịnh để bổ sung thêm 3.000 binh sĩ vào tháng tới. Cả Saudi và UAE đều không vui vẻ gì Ankara mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực hay đặt chân tới Sudan.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu bất đồng với Saudi và UAE về vấn đề Iran, ủng hộ Qatar trong cuộc khủng hoảng, cũng như ủng hộ các nhóm vũ trang như Anh em Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn cáo buộc UAE đứng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 chống lại Tổng thống Erdogan.
Nay, khi Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện quân sự tại Suakin, nằm ngay đối diện trung tâm kinh tế lớn Jeddah của Saudi, cả Riyadh và Abu Dhabi đều không lấy gì làm vui vẻ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) trong chuyến thăm Sudan. Ảnh: Reuters. |
Khủng hoảng sau thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan thậm chí cuốn cả Ai Cập vào vòng xoáy xung đột. Ai Cập nghi ngờ thỏa thuận này sẽ thúc đẩy Sudan trong cuộc xung đột biên giới tại Halayeeb. Trong khi đó, Sudan cáo buộc Ai Cập cho quân xâm nhập vào lãnh thổ và điều máy bay xâm phạm không phận nước này.
Tuần trước, Sudan đóng cửa biên giới với Eritrea, cáo buộc Ai Cập, với sự giúp đỡ của UAE, đã gửi quân vào Eritrea. Trước đó, Sudan cũng khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về việc hiệp định phân định biển giữa Ai Cập và Saudi Arabia đã xâm phạm vùng nước ngoài khơi vùng Halayeeb mà nước này tuyên bố chủ quyền.
"Thậm chí không cần Thổ Nhĩ Kỳ nhúng tay vào, cuộc khủng hoảng cũng đã đặt thỏa thuận hòa bình mong manh tại vùng Sừng châu Phi trên bờ vực tan vỡ", James Dorsey, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Đại học Nanyang, Singapore, nhận định.
Vùng Sừng châu Phi tiềm ẩn nhiều lợi ích nhưng đồng thời nguy cơ về xung đột quân sự sẽ gây thiệt hại lớn cho tất cả các bên. Đây là cuộc chơi, không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ phải can dự vào bởi những lợi ích sống còn của nước này, bất chấp nguy cơ bị cuốn vào cuộc xung đột ngày một lan rộng. Và, căn cứ quân sự Trung Quốc đặt tại Djibouti có thể coi là chỉ dấu cho một sự can thiệp không thể tránh khỏi của Bắc Kinh vào Sừng châu Phi.