“Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển nhảy vọt trong quan hệ hợp tác về nhân lực, kinh tế, thương mại và đầu tư. Quy mô thương mại giữa hai nước đạt mức 80 tỷ USD vào năm 2021, tăng 160 lần so với 30 năm trước”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin phát biểu trong buổi giao lưu với sinh viên Học viện Ngoại giao hôm 18/10.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam với tư cách ngoại trưởng Hàn Quốc, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Park chia sẻ bản thân dành rất nhiều tình cảm đặc biệt tới Việt Nam, xuất phát từ những điểm tương đồng giữa hai nước.
“Mối quan hệ hai nước đặc biệt bền chặt hơn khi phải trải qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các dự án phát triển kỹ thuật số và đô thị thông minh”, vị ngoại trưởng nói.
“Sẽ không quá lời khi nói rằng mối quan hệ hai nước đang ở thời kỳ đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Park cũng nhấn mạnh những thách thức về an ninh trên thế giới hiện nay đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước để biến nguy cơ thành cơ hội. Và Việt Nam luôn là đối tác chiến lược cũng như trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc.
"Những bước phát triển nhảy vọt"
Theo ông Park, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.
"Việt Nam và Hàn Quốc đã ghi nhận thành tựu hợp tác ở trong tất cả lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Tôi tin chắc mối quan hệ này sẽ trở thành một mô hình tiêu biểu cho quan hệ chiến lược giữa các quốc gia", ông nói.
Ông Park dẫn chứng Việt Nam là quốc gia đang sản xuất tới 60% số lượng điện thoại di động của tập đoàn Samsung. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 220.000 người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc và khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang lưu trú và hoạt động tại Việt Nam.
Ngoại trưởng Park cho biết thêm số lượng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cũng tăng gấp 10 lần sau 10 năm, xếp thứ nhất trong số các nước có du học sinh tại Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Park Jin phát biểu trong buổi giao lưu ngày 18/10. Ảnh: Hải Linh. |
Song ông Park chia sẻ mối quan hệ giữa hai nước còn tồn tại một số hạn chế trong việc cân bằng cán cân thương mại và chuyển giao công nghệ.
“Cán cân thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chưa cân bằng. Việt Nam vẫn đang nhập siêu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tới, hai nước hoàn toàn có thể cân bằng lại cán cân này”, ông nhận định.
“Hơn 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Những sản phẩm chế tạo hoặc gia công tại Việt Nam sẽ được tái xuất khẩu sang nước ngoài, chẳng hạn khu vực châu Âu. Những đóng góp này có thể giúp (Việt Nam) cân bằng lại cán cân thương mại (nói chung)”, ông giải thích.
“Về lĩnh vực (công nghệ), tôi tin rằng Hàn Quốc cũng sẽ tìm được phương hướng để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật. (Hai nước) sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm và Việt Nam có thể sản xuất ra những cái sản phẩm chất lượng, có tiềm năng xuất khẩu giá trị cao”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng Hàn Quốc cũng đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua.
“Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đã khiến cả thế giới, trong đó có Hàn Quốc, phải chú ý. Việt Nam là một trong những quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng nhất", ông nói.
"Và mới đây, ngày 26/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm nay, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là một con số (tích cực)”, ông cho biết thêm.
Ngoại trưởng Park cũng nhận định Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới trong tương lai, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nguy cơ cạnh tranh địa chính trị
Theo ngoại trưởng Hàn Quốc, thế giới đang bước vào thời đại với nhiều biến động lớn.
“Một chuyên gia chính trị quốc tế nổi tiếng của Mỹ từng đưa ra cảnh báo rằng (thế giới) đang đối mặt với những nguy cơ lẽ ra dần hình thành trong vòng 100 năm, nhưng nay xuất hiện chỉ trong 10 năm”, ông nói.
“Đầu tiên, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Trật tự thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu hay sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là thách thức đối với an ninh toàn cầu”, ngoại trưởng cho biết.
Ông Park nhận định “căng thẳng địa chính trị truyền thống đã gây ra nhiều khó khăn đối với sự hợp tác giữa các nước lớn, nhằm giải quyết vấn đề an ninh toàn cầu”.
Ông Park nhận định thế giới đang trải qua nhiều biến động lớn. Ảnh: Hải Linh. |
Đề cập đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Park cho biết mối đe dọa hạt nhân, tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên đang là vấn đề an ninh cấp bách mà Hàn Quốc, cũng như các quốc gia Đông Bắc Á phải đối mặt.
“Chỉ riêng trong năm nay, Triều Tiên đã phóng tổng 43 tên lửa đạn đạo, trong đó có 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa ICIM. Và mới đây, với việc thông qua đạo luật về các lực lượng hạt nhân mới, Triều Tiên đã nâng cao khả năng sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu”, ông cho biết.
Trước tình hình này, Ngoại trưởng Park cho biết chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol đang triển khai các biện pháp kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đồng thời nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua con đường đối thoại và ngoại giao.
“Hàn Quốc đang thúc giục Triều Tiên chấm dứt mối đe dọa hạt nhân và tên lửa. Chúng tôi hy vọng rằng Triều Tiên sẽ dừng các hoạt động sử dụng vũ khí hạt nhân và lựa chọn con đường cải cách mở cửa”, ông nói.