Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: Reuters. |
Quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ thăm Trung Quốc trong các ngày 13-15/4 nhằm tái khẳng định chính sách chung của EU đối với Bắc Kinh, theo Reuters.
Đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai trong hai tuần qua của các quan chức cấp cao hàng đầu châu Âu. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã tới Bắc Kinh.
Chuyến đi của bà Baerbock diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phát biểu cho thấy châu Âu chưa có cách tiếp cận thống nhất với Bắc Kinh.
Ông Macron đã gây ra phản ứng dữ dội ở Mỹ và châu Âu khi kêu gọi EU giảm phụ thuộc vào Mỹ và không nên theo đuổi chính sách của Mỹ hoặc Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.
Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích châu Âu coi những bình luận của ông Macron trên tờ Politico và nhật báo Pháp Les Echos là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bị âm thầm phá vỡ.
Nhiều thành viên EU hy vọng Berlin sẽ sử dụng chuyến đi của bà Baerdock để đưa ra chính sách rõ ràng và thống nhất của EU đối với Trung Quốc.
Trước chuyến thăm, bà Baerbock cho biết ưu tiên hàng đầu là đề nghị Trung Quốc “nói lý” với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Bà cũng sẽ nhấn mạnh quan điểm chung của châu Âu rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan là không thể chấp nhận.
“Rõ ràng chúng tôi không muốn tách rời quan hệ kinh tế. Nhưng chúng tôi phải có cái nhìn hệ thống hơn và giảm thiểu rủi ro của sự phụ thuộc một chiều”, bà Baerdock nói.
Ngoại trưởng Đức sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du hai ngày.
Chủ quyền quốc gia của Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập của Liên minh châu Âu" được xuất bản năm 2019. Sách đã nghiên cứu quá trình chuyển giao chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập vào EU, đồng thời gợi mở bài học kinh nghiệm cho Việt Nam mang ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn trong quá trình hội nhập vào khu vực và toàn cầu.