Trục TP.HCM - Hà Nội hiện là một trong những đường bay nhộn nhịp nhất trên thế giới. Tuy nhiên việc hai sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài quá tải, xuống cấp không chỉ do mình trục bay này khi chỉ chiếm 20% lưu lượng.
Việc các hãng bay liên tục mở rộng mạng bay từ Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là hướng ra các điểm đến trong khu vực, đã gia tăng thêm áp lực cho hai sân bay này.
Đà Nẵng, đỉnh còn lại của tam giác
Mạng bay của các hãng hàng không Việt Nam đã từ lâu dựa trên mô hình trục - nan, trong đó Hà Nội - TP.HCM là trục chính, các đường bay từ hai đầu trục này đi tỉnh là các nan.
Sự phát triển của kinh tế, du lịch của Đà Nẵng đang dần biến thành phố này thành đỉnh còn lại của mạng bay tam giác nhộn nhịp. Ảnh: Tiến Đạt. |
Tuy nhiên với sự phát triển của kinh tế, du lịch, Đà Nẵng đang dần biến trục vàng Hà Nội - TP.HCM thành mạng bay tam giác. Theo số liệu từ Flightradar24, mỗi tuần có tới hơn 250 chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Đà Nẵng, nhiều thứ hai chỉ sau bay tới Nội Bài với hơn 480 chuyến mỗi tuần.
Tương tự tại sân bay Nội Bài, mỗi tuần có hơn 220 chuyến bay tới sân bay Đà Nẵng.
Theo chia sẻ từ các hãng bay, nhu cầu của khách bay từ TP.HCM tới Đà Nẵng thiên về du lịch, nghỉ dưỡng nên nguồn khách có sự biến động nhất định theo mùa. Trong khi đó khách bay từ Hà Nội tới Đà Nẵng với nhu cầu thiên về kinh doanh, đầu tư nên nguồn khách ít biến động hơn.
Trong quý I/2019, khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ước đạt 757,5 nghìn lượt, tăng 56,5% so với cùng kỳ 2018 (484,2 nghìn lượt), cho thấy sự tăng trưởng mạnh về lượt hành khách đến và rời Đà Nẵng bằng máy bay.
Nhóm đường bay Đông Bắc Á tăng trưởng mạnh
Ngoài đường bay đến và đi Đà Nẵng, sức ép lên hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn gia tăng khi các hãng bay mở rộng mạng bay ra khu vực. Số lượng chuyến bay từ hai sân bay Việt Nam tới các thành phố trong khu vực, đặc biệt là các điểm đến Đông Bắc Á đang tăng nhanh.
Số liệu từ Flightradar24 cho thấy trong nhóm 10 đường bay phổ biến nhất khởi hành từ Tân Sơn Nhất có tên những điểm đến nổi tiếng trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) hay Seoul (Hàn Quốc).
Cụ thể, mỗi tuần có khoảng 115 chuyến bay từ Tân Sơn Nhất tới sân bay Changi của Singapore, nhiều hơn số trên chuyến bay từ Tân Sơn Nhất tới nhiều điểm đến nội địa.
Số chuyến bay từ Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur mỗi tuần hiện cũng ở mức 90 chuyến. Với sân bay Incheon tại Seoul, con số này là 96 chuyến mỗi tuần.
Đường băng của hai sân bay là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang xuống cấp vì hoạt động quá tải. |
Xu hướng bay Đông Bắc Á còn thể hiện rõ hơn tại Nội Bài. Mỗi tuần có tới 108 chuyến bay từ Nội Bài đi sân bay Incheon, 66 chuyến đi sân bay Hong Kong và 58 chuyến đi Đài Bắc.
Ngoài ra trong nhóm 10 đường bay phổ biến nhất cất cánh từ Nội Bài còn có sự xuất hiện của nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trong khu vực như Bangkok (Thái Lan) hay Singapore.
Có tới 50 chuyến bay mỗi tuần từ Nội Bài đi sân bay Don Muang (Bangkok, Thái Lan) và 53 chuyến bay từ Nội Bài đi sân bay Changi (Singapore), chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số chuyến bay cất cánh từ Hà Nội.
Cuối tháng 8/2019, sau khi báo chí phản ánh tình trạng đường băng Nội Bài xuống cấp, hư hỏng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu thực trạng và có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT và Cục Hàng không, lãnh đạo sân bay Nội Bài cho biết đường lăn và đường cất hạ cánh thường xuyên xảy ra tình trạng phụt bùn, rạn nứt gây uy hiếp an toàn bay.