Trong dự thảo, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để ACV là doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Theo Bộ GTVT, sau khi cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được chuyển lại về Nhà nước quản lý, việc bố trí kinh phí cho công tác bảo trì khi đó thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Theo dự thảo đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư quản lý của Bộ GTVT, đơn vị này đã đề xuất mua lại ACV. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, việc bảo trì, đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu bay rất khó khăn, do nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 cho bảo trì cũng như vốn nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng hàng không.
Hiện các đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã vượt tần suất khai thác so với tính toán thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp.
Bộ nhận định việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không phải gắn với trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch. Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý, không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025.
Sau thời hạn trên, Bộ GTVT sẽ được giao tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản, kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng.
Tính tới ngày 31/12/2018, Bộ GTVT đang nắm 95,4% cổ phần của ACV. Xếp sau các cổ đông nước ngoài, nắm 3,61% và các cổ đông khác trong nước, chiếm 0,99%.