Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại giao sổ nợ: Trung Quốc vung tiền mua ảnh hưởng

Chính phủ Trung Quốc được cho là đang dùng các khoản cho vay làm đòn bẩy để thu về lợi ích chính trị tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo độc lập của các học giả từ Đại học Harvard, vừa được trình lên Bộ Ngoại giao Mỹ, xác định 16 quốc gia mà Bắc Kinh nhắm đến cho chính sách "ngoại giao sổ nợ", trong đó Pakistan, Djibouti và Sri Lanka là những nơi dễ tổn thương nhất.

Theo báo cáo này, trong một số trường hợp các khoản nợ đã lớn đến mức không thể hoàn trả, cho phép Bắc Kinh lợi dụng số tiền cho vay để "có được các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị đối với các nước đi vay".

Điều này có thể trở thành bàn đạp để chính phủ Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao vây Ấn Độ và Australia cũng như giúp củng cố các tiền đồn mà Bắc Kinh xâm chiếm phi pháp trên Biển Đông.

ngoai giao so no cua trung quoc anh 1
Các nước chịu ảnh hưởng từ các khoản cho vay của Trung Quốc, theo báo cáo của hai học giả Sam Parker và Gabrielle Chefitz của Đại học Harvard. (COFA: các nước thuộc Hiệp ước Liên kết kết Tự do bao gồm Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau). Đồ họa: CNN.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông "quan ngại sâu sắc" về bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào đang được xây dựng ở Nam Thái Bình Dương, sau khi có tin Bắc Kinh đang đàm phán với Vanuatu để binh sĩ Trung Quốc đến đồn trú tại đây.

Theo báo cáo trên, Vanuatu, đảo quốc cách bờ biển Australia chỉ 2.500 km, đã vay Bắc Kinh ít nhất 270 triệu USD trong thập kỷ qua, tức khoảng 35% GDP của nước này. Cả Trung Quốc và Vanuatu đều kiên quyết phủ nhận việc hai bên từng thảo luận để Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) hiện diện trên hòn đảo.

Mỹ cũng quan ngại về việc Trung Quốc đã sẵn sàng để giành quyền kiểm soát một cảng thương mại lớn tại Djibouti, nơi cả Mỹ và Trung Quốc đều có căn cứ quân sự.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/5 nói với CNN rằng họ đã khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy và củng cố các tập quán tốt nhất được quốc tế chấp nhận trong việc phát triển hạ tầng và cấp vốn.

"Chúng ta cần đảm bảo những nước đi vay có được các lựa chọn cho phép họ giữ vững chủ quyền và kiểm soát nền kinh tế đất nước trong tương lai", vị quan chức trên nói.

"Công ty con" của Trung Quốc

Theo báo cáo, có rất nhiều cách để Bắc Kinh và các công ty nhà nước Trung Quốc cho vay nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của họ.

Trong một trường hợp, hạ tầng được xây dựng bằng tiền vay, sau đó cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê lại để trả khoản nợ ban đầu.

Năm 2017, một cảng không sinh lời tại Sri Lanka xây bằng khoản vay từ Bắc Kinh đã được đem cho các công ty nhà nước Trung Quốc thuê với thời hạn 99 năm để giúp đảo quốc Ấn Độ Dương trả nợ.

ngoai giao so no cua trung quoc anh 2
Cảng Hambantota ở Sri Lanka vào năm 2015. Ảnh: AFP/Getty.

Sam Parker, đồng tác giả của báo cáo, nói có những mối quan ngại rằng những cảng như thế này có thể được tàu thuyền của hải quân Trung Quốc sử dụng một khi chúng nằm dưới dự kiểm soát của nhà nước. "Chắc chắn có khả năng họ sẽ đi từ thương mại, đến các chuyến thăm thường xuyên, đến hậu cần, đến các vấn đề nhân đạo và cuối cùng trở thành một căn cứ quân sự", ông nói.

Tại Thái Bình Dương, những nước như Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga đều nợ Trung Quốc hàng tỷ USD tiền vay. Đây là những nước bao quanh các đồng minh Mỹ ở khu vực là Australia và New Zealand.

Trong khi đó, bà Gabrielle Chefitz, đồng tác giả báo cáo, nói Bắc Kinh đã sử dụng lý do đầu tư hạ tầng để bẻ gãy bất cứ sự phản đối nào đối với tham vọng lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc ở Biển Đông.

Cựu ngoại trưởng Australia Gareth Evans được trích lời trong báo cáo, nói rằng Lào và Campuchia, mỗi nước đều vay hơn 5 tỷ USD từ Bắc Kinh, giờ đây đã trở thành "những công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc".

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được trình bày về báo cáo này trong tương lai gần. Song cả hai tác giả đều nói dường như Mỹ không thể làm gì để đối phó với những lợi thế đang lên của Trung Quốc.

"Chính phủ Mỹ sẽ không quăng ra 1.000 tỷ USD cho vấn đề này đâu. Họ sẽ không gánh giùm khoản nợ của các công ty tư nhân và sẽ không thể tập trung toàn bộ chính phủ cho một nỗ lực trong 20, 30 hay 50 năm nhưng Trung Quốc có thể làm", bà Chefitz nói.

ngoai giao so no cua trung quoc anh 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AFP.

Trong một cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói chính sách đối ngoại của nước này dựa trên "việc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi".

"Còn với các bên khác, họ không nên quá tự tin với quan điểm riêng của mình, cũng không nên cho rằng hợp tác kinh tế giữa các nước đang phát triển luôn có động cơ chính trị đằng sau", ông Lục nói.

Động cơ không rõ

Nhiều khoản vay là một phần trong chương trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Nước này cho các nước đang phát triển vay tiền để xây dựng các cảng, đường sắt và các dự án khác trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Bà Chefitz cho biết các khoản vay theo kế hoạch "Vành đai và Con đường", cũng như các khoản viện trợ phát triển khác của Trung Quốc, có hình thức rất khác với các chương trình trước đây của Mỹ như Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II.

ngoai giao so no cua trung quoc anh 4
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/2017. Ảnh: AFP.

"Kế hoạch Marshall phần lớn là cho đi không lấy lại trong khi Trung Quốc cho vay tiền với kỳ vọng đổi lấy được thứ gì đó", bà nói với CNN.

"Và do mối quan hệ giữa nhà nước và các công ty này, họ có thể thu về các lợi ích không hoàn toàn kinh tế, hay các lợi ích mang tính chiến lược về tự nhiên, chẳng hạn như một phiếu phủ quyết trong ASEAN, như cảng biển, hoặc một phiếu thuận tại Liên Hợp Quốc".

Tuy nhiên, bà Merriden Varrall, giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, cho rằng vẫn còn thiếu bằng chứng về cách thức Trung Quốc sử dụng các khoản cho vay của mình tại khu vực.

"Không ai biết động cơ của Trung Quốc là gì, có lẽ chúng không đơn giản là hành động vì người khác; lợi ích của Australia trong việc cung cấp viện trợ và đầu tư chắc chắn cũng không hoàn toàn là vì người khác", bà nói.

Cảng container tự động lớn nhất thế giới ở Trung Quốc Cảng tự động hóa lớn nhất thế giới với diện tích tương đương 312 sân bóng đá vừa được đưa vào vận hành hồi tháng 12 là một phần của cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải.

Ông Vương Kỳ Sơn thêm ảnh hưởng lên đối ngoại Trung Quốc

Vương Kỳ Sơn, "cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình, đã được bổ nhiệm một vai trò mới trong bộ máy đối ngoại Trung Quốc.

Giá đắt phải trả cho đập Trung Quốc trên dòng Mekong

Hàng chục dự án đập thủy điện của Trung Quốc đang đe dọa ngành nông nghiệp và nghề cá của người dân Đông Nam Á sống dọc dòng Mekong.

Đông Phong

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm