Ủy ban đối ngoại trung ương (CFAC), cơ quan mới thành lập thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), đã có cuộc họp đầu tiên vào ngày 15/5.
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trực tiếp lãnh đạo cơ quan mới thành lập, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đảm trách vị trí phó chủ nhiệm ủy ban. Ông Vương Kỳ Sơn, người cộng sự thân cận của ông Tập và hiện giữ chức Phó chủ tịch Trung Quốc, cũng là một trong số các ủy viên của CFAC.
Có 2 ủy viên khác của Bộ chính trị Trung Quốc là Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính tham dự cuộc họp nhưng không rõ có là thành viên của ủy ban mới thành lập hay không.
Vương Kỳ Sơn (giữa) được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong chính sách của Trung Quốc với Mỹ những năm tới. Ảnh: AP |
Tại cuộc họp ngày 15/5, ông Tập nhận định Trung Quốc đang đối diện với nhiều thách thức lớn trên trường quốc tế, nhấn mạnh nhu cầu tập trung và thống nhất sự lãnh đạo của CPC trong các vấn đề đối ngoại. Điều này báo hiệu CFAC sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tạp chí Caixin nhận định.
Là người giàu năng lực, ông Vương được mệnh danh là “lính cứu hỏa” của chính trường Trung Quốc và được xem là “cánh tay phải” của ông Tập. Ông từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và là "kiến trúc sư trưởng" cho chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi".
Sau kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3, ông Vương Kỳ Sơn được đồn đoán sẽ giữ một vai trò mới trong bộ máy đối ngoại của nước này. Nhiều khả năng ông sẽ đến Washington vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để duy trì đối thoại chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tờ South China Morning Post cho biết.
Việc đẩy mạnh cải tổ bộ máy ngoại giao thể hiện sự nóng lòng của ông Tập trong việc đưa Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế chính trị bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương tại thời điểm mà Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, dần rút khỏi vai trò dẫn dắt thế giới.