Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá đắt phải trả cho đập Trung Quốc trên dòng Mekong

Hàng chục dự án đập thủy điện của Trung Quốc đang đe dọa ngành nông nghiệp và nghề cá của người dân Đông Nam Á sống dọc dòng Mekong.

Sam In, một nông dân trồng lúa từ tỉnh miền Đông Bắc Stung Treng của Campuchia, không hề biết rằng người ta phải trả tiền để dùng nước cho đến khi ông bị buộc phải rời khỏi nhà mình bên bờ một nhánh sông của Mekong cách đây 2 năm.

Gia đình 10 người của Sam In cùng hàng nghìn hộ dân khác phải ra đi sau khi một dự án đập thủy điện đã khiến toàn bộ làng Sre Sronok của ông ở dưới mực nước. Giờ đây họ sống ở một ngôi làng mới mở, trong những căn nhà do nhà nước hỗ trợ với mái màu xanh giống hệt nhau, xếp hàng ở một vùng đất trống trải và nhiều bụi. Ngày xưa họ sống cạnh dòng sông, giờ đây bên hông chỉ còn đường quốc lộ.

"Giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt", Sam In, người đồng thời là phó làng mới, nói với Nikkei Asian Review. "Chúng tôi phải mua nước để trồng lúa, ăn uống và tắm giặt. Ngày xưa tất cả đều miễn phí. Nước đến từ dòng sông".

Chính phủ cấp cho mỗi hộ gia đình 2 ha đất để trồng lúa. Dù vậy, họ không có hệ thống tưới tiêu hay thiết bị cày cấy như lời hứa từ chính quyền lúc chấp nhận di dời, năng suất chỉ còn 1/2 so với trước kia, khi họ canh tác ở ngôi làng cũ.

dap thuy dien Mekong anh 1
Hàng chục triệu người dân sống dọc theo sông Mekong và các nhánh phụ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi dòng chảy bị chặn lại bởi các dự án đập. Ảnh: AFP.

Những người dân thành "vật hy sinh"

Những cánh đồng cũ của dân làng, nằm cách đó 20 km, đã chìm xuống dưới nước vào tháng 9/2017 sau khi các cổng xả của đập thủy điện Hạ Sesan 2 được đóng lại nhằm tạo ra một bể chứa 33.000 ha. Con đập trị giá 816 triệu USD, nằm cách sông Mekong 25 km, được kỳ vọng sẽ tạo ra 400 megawatt điện sau khi đi vào hoạt động vào cuối năm nay và trở thành con đập lớn nhất Campuchia.

Khi dự án được đề xuất cách đây 10 năm, dân làng Sre Sronok, bao gồm Sam In, đã đứng lên phản đối. Chính phủ đã giải thích rằng điện từ con đập sẽ mang lại lợi ích cho cả nước.

"Họ nói rằng các quốc gia như Lào đang tạo ra điện bằng nguồn nước từ sông Mekong và đất nước chúng ta cần có đập của riêng mình để chấm dứt việc mua điện từ họ, tạo ra giá thành thấp hơn", ông nói. "Nhưng tôi nghĩ nó sẽ có lợi cho người thành phố, không phải chúng tôi, trừ khi chính phủ cho chúng tôi mức giá đặc biệt, mà họ đã không làm thế".

Ngược lại, con đập có thể mang lại những hậu quả không mong muốn. Bên cạnh những vấn đề mà Sam In và dân làng của ông đang phải chịu đựng, việc xây dựng có thể sẽ làm giảm mạnh lượng cá trong vùng, khiến dòng chảy thay đổi, làm giảm lượng trầm tích dưới đáy sông vốn cung cấp chất dinh dưỡng cho các ruộng lúa ở Việt Nam và nhiều nước bên dòng Mekong khác.

Một nghiên cứu năm 2012 của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ kết luận rằng con đập đe dọa hơn 50 loài cá.

Các chuyên gia và nhà hoạt động cũng lập luận rằng lợi ích kinh tế từ con đập cũng đáng nghi ngờ trong bối cảnh dòng chảy qua khu vực này sẽ thấp trong 7 tháng mùa khô. Bất chấp mọi sự phản đối, chính phủ Campuchia đã xúc tiến kế hoạch này với sự hậu thuẫn của một công ty điện do Trung Quốc sở hữu.

Tập đoàn Hydrolancang International Energy, một công ty con của Tập đoàn Huaneng, Trung Quốc, là nhà đầu tư lớn nhất của dự án này, nắm giữ 51% cổ phần. Royal Group của Campuchia và Điện lực Việt Nam nắm lần lượt 39% và 10% dự án. 

Theo Nikkei Asian Review, các dự án thủy điện của Trung Quốc, từ thượng nguồn Mekong xuống các nước Đông Nam Á, đang thay đổi dữ dội sinh kế của người dân sống trong khu vực, những người dựa vào dòng Mekong để có nước, cá, giao thông và tưới tiêu.

dap thuy dien Mekong anh 2
Dòng chảy bị chặn lại đã khiến tàu thuyền mắc cạn, lượng nước tưới tiêu bị ảnh hưởng, sản lượng cá thấp đi. Ảnh: AFP.

Việc Trung Quốc kiểm soát thượng nguồn vốn là nguồn cơn phản ứng từ nhiều nước phía nam. Một số chuyên gia so sánh mối nguy cơ về an ninh nguồn nước mà các nước hạ nguồn Mekong gặp phải với mối đe dọa từ các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông.

"Nhưng việc Trung Quốc đã làm như xây đập ở Mekong và chiếm lấy thế đòn bẩy so với các quốc gia hạ nguồn là tương tự và có liên quan đến các hoạt động xây dựng, mang vũ khí ra đảo nhân tạo trên Biển Đông", Nikkei Asian Review dẫn lời Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan. "Cách tiếp cận của Bắc Kinh vừa đơn giản vừa gây tranh cãi, ai cũng có thể thấy: xây trước, nói sau".

Khi dòng chảy bị chặn lại 

Một ngày tháng 3, Somchit Chittapong để ý thấy dòng Mekong đoạn chảy qua tỉnh Chiang Rai, Thái Lan đang ở mức thấp bất thường. "Bạn có thấy đàn vịt kia không?", ông chỉ vào bờ cát gần đó. "Chúng thường không đến đây vào mùa này vì phần đất đó thường đang ở dưới nước".

Gần đó là một con thuyền của anh trai ông đang mắc cạn. Nó là một trong nhiều thuyền chở hàng chạy từ Chiang Rai đến cảng xuất khẩu chính ở phía bắc sang Trung Quốc nhưng lại mắc cạn vì dòng nước thấp đột ngột hồi tháng 3. Nguyên nhân của việc này là do những con đập ở thượng nguồn đã chặn đứng dòng chảy.

Các doanh nghiệp trong vùng đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ lịch xả nước từ đập. Trung Quốc đồng ý cung cấp thông tin hàng ngày trong các tháng mùa mưa, tức tháng 6-10, nhưng không phải phần còn lại vì đó là "vấn đề nội bộ".

Tại Biển Hồ của Campuchia, như nhiều người đánh bắt cá khác, Oeru Navy chứng kiến lượng cá bắt được sụt giảm trong những năm qua. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp 1/2 tổng sản lượng cá đánh bắt được cho Campuchia. 60% nước của Biển Hồ đến từ sông Mekong và các dự án đập đang làm cản trở do di cư của đàn cá. Oeru Navy nói rằng lượng cá ông bắt đã giảm gần nửa trong một thập niên qua.

Sản lượng sụt giảm có thể khiến người dân chọn sử dụng những phương thức đánh bắt cá bất hợp pháp, chẳng hạn như dùng lưới bắt cá con. Và mọi thứ lại bị đẩy đến mức tồi tệ hơn.

dap thuy dien Mekong anh 3
Nông dân Thái Lan phản đối việc xây dựng đập Xayaburi ở Lào tập trung trước một tòa án ở Bangkok để biểu tình vào tháng 7/2012. Ảnh: AFP.

Dòng sông Mekong dài 4.800 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, chảy qua tỉnh Vân Nam để vào Đông Nam Á, qua Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia trước khi vào Việt Nam rồi chảy ra Biển Đông. Mekong là dòng sông dài thứ 12 thế giới, là nơi có trữ lượng cá phong phú thứ hai thế giới chỉ sau sông Amazon.

Đã có thời nước sông Mekong chảy "tự do" hơn hầu hết sông lớn khác trên thế giới, các cuộc chiến tranh trong khu vực đã cản trở các dự án thủy điện, theo Courtney Weatherby, một nhà phân tích tại viện chính sách Stimson của Mỹ. Yêu cầu phải có sự phối hợp trong khu vực chỉ trở nên rõ ràng khi Trung Quốc bắt đầu xây đập ở thượng nguồn Mekong vào thập niên 1990 mà không tham vấn các nước hạ nguồn.

Nền kinh tế tất cả các nước nằm bên bờ Mekong đều phụ thuộc vào dòng sông, dù ở những cách khác nhau. Trung Quốc và Lào xem đây là nguồn nước cho thủy điện. Campuchia, và nhiều người dân Lào, Thái Lan, sống dựa vào nguồn cá của dòng sông. 20 triệu người Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng sự màu mỡ dòng sông mang lại cho các cánh đồng lúa và cả việc đánh cá.

Với những lợi ích chồng chéo như vậy, các nước Mekong cần cơ chế chia sẻ thông tin và "sự xoay xở chính trị, đổi chác không thể tránh được giữa lợi ích các bên", ông Weatherby nói.

Việc hợp tác trở nên phức tạp khi Trung Quốc giờ là bên cung cấp kinh phí cho các dự án thủy điện ở những nước kém phát triển hơn như Lào và Campuchia. Trong số 11 dự án thủy điện ở hạ nguồn Mekong, 6 dự án có Trung Quốc đứng sau. Trong khi đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản và phương Tây lại đang rút lui vì lo ngại hậu quả tiêu cực lâu dài của các dự án thủy điện.

Khó nói "không" trước Trung Quốc

Các quốc gia trong vùng thường khó khăn để cưỡng lại Trung Quốc, nước đã trở thành một trong những đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của họ. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và 5 quốc gia nằm dọc Mekong đạt 220 tỷ USD trong năm 2017, tăng 16% so với năm trước. Đầu tư đạt 42 tỷ USD.

dap thuy dien Mekong anh 4
Các dự án đập thủy điện lớn dòng Mekong và các nhánh lớn, với màu xanh là các dự án đã hoàn thành, xám là đang triển khai và đỏ là dự án đang lên kế hoạch. Nguồn: Nikkei Aisan Review/International Rivers.

Ủy hội Sông Mekong, một tổ chức liên chính phủ của các nước bên bờ Mekong, lại không bao gồm Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh rút ra là vì nguồn kinh phí cấp cho ủy hội từ các quốc gia phương Tây. Các nước thành viên, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, thường không thống nhất được giải pháp để đối phó với các hệ quả do người hàng xóm hùng mạnh mang đến.

Thay vì thế, các quốc gia cần tiền của Trung Quốc hơn. Năm 2014, Trung Quốc khởi xướng Khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) nhằm cung cấp chương trình viện trợ cho các nước dọc bờ sông. Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay trị giá 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,08 tỷ USD), bổ sung vào khoảng 10 tỷ nhân dân tệ đã hứa trước đó. Nước này cũng cung cấp khoản tín dụng hạng mức 5 tỷ USD thêm vào 10 tỷ USD đã cam kết trước đó cho việc đầu tư hạ tầng tại khu vực.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc muốn thông qua LMC để chứng minh vai trò lãnh đạo trước các quốc gia hạ nguồn, nâng cao hình ảnh.

Trước sự hào hứng của một số quốc gia, một nghiên cứu công bố năm 2017 của Đại học Mae Fah Luang tại Thái Lan cho biết nếu hơn 40 dự án đập thủy điện trên dòng chính của Mekong cùng các nhánh con được xây dựng trước năm 2030, phúc lợi kinh tế đối với 4 quốc gia hạ nguồn sẽ là âm 7,3 tỷ USD. Thiệt hại từ lượng cá mất đi còn lớn hơn lợi ích từ 110.000 gigawatt giờ điện sản xuất được.

Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại International Rivers, nói rằng việc xây dựng các con đập thường được tiến hành mà không có đánh giá toàn diện về tác động lên dòng sông và cộng đồng địa phương.

Về phần Oeru Navy, ông không quan tâm đến những dự án đập thủy điện, ông nghĩ chúng thật xa vời, chẳng liên quan gì đến mình. Tất cả những gì ông lo là lượng cá bắt được.

Đập thủy điện ở vùng núi thiêng Trung Quốc Đập Lưỡng Hà Khẩu được xây trên sông Nhã Long, đoạn chạy qua vùng núi cao 3.000 m phía tây tỉnh Tứ Xuyên có ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm linh với cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây.

Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong

Việc Bắc Kinh đầu tư cho các dự án thủy điện trên sông Mekong được nhiều nước nghèo ở Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng kèm theo đó là cái giá lớn mà môi trường và xã hội phải trả.

Hàng trăm thuỷ điện thượng nguồn Mekong đe dọa ĐBSCL

Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu.




Phương Thảo

Theo Nikkei Asian Review

Bạn có thể quan tâm