Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghịch lý V.League và tuyển Việt Nam

Văn Quyết giành càng nhiều thành tích ở cấp CLB, thì việc anh không được trọng dụng tại tuyển Việt Nam cho thấy sự tương phản lớn.

Phân tích

Tuyen Viet Nam Van Quyet anh 1

Văn Quyết giành Quả bóng Vàng nhờ thàn tích ở V.League. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu nếu các trận đấu của đội tuyển vẫn diễn ra trong năm 2020, đội trưởng CLB Hà Nội sẽ có rất ít cơ hội. Và nếu đợt tập trung tháng 12 vừa qua không phải hai trận giao hữu, Văn Quyết cũng khó lòng được gọi.

Văn Quyết giành càng nhiều thành tích ở cấp CLB, thì việc anh không được trọng dụng tại tuyển Việt Nam càng cho thấy sự tương phản lớn.

V.League ý nghĩa thế nào với tuyển Việt Nam?

HLV Park Hang-seo tới Việt Nam cuối năm 2017. Sau Giải U23 châu Á và AFF Cup 2018, ông Park đã xây dựng hệ thống của mình ở các đội tuyển Việt Nam. Từ đó trở đi, ông gần như chỉ duy trì một hệ thống, sử dụng một nhóm cầu thủ. Hơn 3 năm qua, Nguyễn Tuấn Anh là cầu thủ duy nhất chen chân được vào hệ thống đã định hình của ông Park. Ngoài anh, chưa hề có ngoại lệ tương tự.

Người hâm mộ không mất quá nhiều công sức để đoán được hết mọi vị trí trong đội hình xuất phát tuyển Việt Nam. Đó là Đặng Văm Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải. Trừ khi chấn thương, họ luôn có một vị trí bất khả xâm phạm.

Văn Quyết chẳng phải là người duy nhất không chen chân được vào hệ thống ấy. Sau Quyết, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Hữu Tuấn, Mạc Hồng Quân, Hồ Khắc Ngọc đều từng chơi hay ở cấp CLB, nhưng không có cơ hội tại đội tuyển.

Văn Quyết đã hai lần giành Quả bóng Bạc Việt Nam vào các năm 2014, 2015 trước khi giành Quả bóng Vàng năm 2020. Ngoài ra, anh cũng hai lần giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất năm 2010 và 2011.

Ông Park không dung nạp những con người mới vì hệ thống của tuyển Việt Nam rất khác đa số CLB V.League. Đội tuyển và U23 đều chơi theo sơ đồ 3-4-3 với nền tảng là hàng thủ ba trung vệ. Chiều ngược lại, hầu hết đội V.League vận hành hàng thủ 2 trung vệ. Khác biệt hệ thống khiến ông Park mất nhiều thời gian rèn giũa cầu thủ mới. Bản thân ông Park luôn nhấn mạnh yếu tố phù hợp với các tân binh ở đội tuyển. Nhiều cầu thủ lên tuyển phải thi đấu ở vị trí mới, thậm chí làm quen với những vai trò mà họ chưa từng đảm nhiệm trước đó, điển hình là trường hợp Nguyễn Trọng Hoàng đá hậu vệ phải hay Phạm Đức Huy chơi tiền vệ phòng ngự.

Một cầu thủ có thể đá tệ trong sơ đồ này, nhưng lại chơi tốt trong sơ đồ khác. Đó là lý do ông Park dường như không quan tâm lắm tới thành tựu ở V.League. Ông gọi những người mà mình tin phù hợp nhất, sử dụng những kỹ năng mà ông cho rằng cần thiết nhất ở đội tuyển Việt Nam.

Cách tiếp cận ấy hạn chế cơ hội của nhiều cầu thủ tại V.League, khiến đội tuyển đóng khung trong một hệ thống, thậm chí có phần tách biệt với giải quốc nội. Khi nào mà tuyển Việt Nam còn chiến thắng, lựa chọn của ông Park vẫn hợp lý.

Dù nhìn dài hạn, đó không hề là lựa chọn tốt cho sự phát triển đồng bộ của bóng đá Việt Nam.

Tuyen Viet Nam Van Quyet anh 2

Văn Quyết ngồi ngoài trong trận tuyển Việt Nam gặp Philippines trên sân khách ở AFF Cup 2018. Ảnh: Minh Chiến.

Không đồng bộ

Ông Park không phải là HLV trưởng duy nhất áp đặt triết lý của riêng mình cho đội tuyển Việt Nam. Trước ông, đội tuyển dưới thời Nguyễn Hữu Thắng đá bóng ngắn, tuyển của Toshiya Miura chơi bóng dài, tuyển của Henrique Calisto và người “kế tục” Phan Thanh Hùng đá phòng ngự phản công. Mỗi HLV khác nhau đều đã áp dụng triết lý riêng của họ lên đội tuyển. Vấn đề là các triết lý ấy quá khác nhau, không đồng bộ với V.League và cũng không đồng bộ với hệ thống bóng đá trẻ. U19 Việt Nam làm ví dụ, hai lứa liên tiếp nhau của các ông Guillaume Graechen và Hoàng Anh Tuấn đã chơi những thứ bóng đá hoàn toàn khác biệt.

Tình trạng đó cũng tái hiện ở hệ thống đào tạo trẻ khi trên cùng một nền bóng đá, HAGL, Viettel, SLNA hay PVF theo đuổi những cách đào tạo, huấn luyện khác biệt cả về kỹ thuật, thể lực lẫn lộ trình thi đấu cho cầu thủ trẻ.

Những cách làm khác biệt ấy mang tới nhiều màu sắc cho bóng đá Việt Nam, giúp các đội tuyển luôn có nhiều lựa chọn trong suốt chiều dài lịch sử. Trong dài hạn, sự thiếu đồng bộ ngăn cản những phát triển ở tầm cao hơn.

Việc V.League và tuyển Việt Nam, việc đội tuyển lớn và các đội nhỏ, việc các lò đào tạo không thể có cùng một “giáo án” bóng đá tạo ra nhiều nghịch lý cho bóng đá Việt Nam. Ở đó, Quả bóng Vàng, cầu thủ hay nhất V.League trong nhiều năm vẫn có thể là “người thừa” tại đội tuyển. Và điều đó đã nhiều lần xuất hiện. Trước thời đại Park Hang-seo, Anh Đức cũng giành Quả bóng Vàng dù không hề đá một trận nào cho đội tuyển năm 2015.

Một đội tuyển thành công có khi chỉ cần HLV giỏi. Tuy nhiên, một nền bóng đá thành công phải có triết lý. Thống nhất tạo ra sức mạnh.

Bóng đá Việt Nam chưa tìm được sự đồng bộ ấy, chừng đó đội tuyển vẫn chưa thể tận dụng được hết sức mạnh của V.League, chừng đó chúng ta mới là đội tuyển mạnh chứ chưa phải một nền bóng đá mạnh.

Văn Quyết: 'Tôi sẽ chứng minh giá trị của mình' "Đây là bước khởi đầu để tôi nỗ lực, chứng minh hơn nữa giá trị của mình. Tôi mong năm 2021, mình sẽ không gặp chấn thương", Văn Quyết chia sẻ sau khi giành Quả bóng Vàng 2020.

10 năm chờ đợi và Quả bóng Vàng xứng đáng của Văn Quyết

10 năm trở lại đây, Văn Quyết là tên tuổi hàng đầu của bóng đá nội nhưng phải đến mùa giải 2020, anh mới có vinh dự giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam.

Tính cách giản dị của Quả bóng Vàng Việt Nam 2020

Tân Quả bóng Vàng Việt Nam Nguyễn Văn Quyết có bản tính chân chất của người vùng thôn quê.

HLV Park Hang-seo và bí ẩn mang tên Văn Quyết

Rất khó để tìm một lý do chuyên môn giải thích cho sự vắng mặt của Văn Quyết ở đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm