Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

HLV Park Hang-seo và bí ẩn mang tên Văn Quyết

Rất khó để tìm một lý do chuyên môn giải thích cho sự vắng mặt của Văn Quyết ở đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.

Van Quyet anh 1

Phong độ ấn tượng của cựu tuyển thủ Việt Nam Nguyễn Văn Quyết trong thời gian qua một lần nữa buộc người ta phải đặt dấu hỏi cho sự vắng mặt của anh ở tuyển quốc gia. Vì lẽ nào mà một cầu thủ mới xấp xỉ 30, thủ lĩnh của CLB mạnh nhất Việt Nam, đã duy trì phong độ đỉnh cao suốt những năm qua vẫn không được tuyển Việt Nam ngó ngàng?

Lý do nào khiến Văn Quyết vắng mặt?

Văn Quyết vắng mặt ở tuyển Việt Nam vì phong độ?

Hai năm đầu của triều đại Park Hang-seo là 2 năm Văn Quyết có tên trong đội hình tiêu biểu V.League. Năm 2018, anh thậm chí là cầu thủ hay nhất giải. Ngoại trừ quãng thời gian chấn thương đầu mùa 2019, Văn Quyết đã chơi ổn định, đã duy trì phong độ cao, đã chứng minh năng lực cả ở sân chơi quốc nội và quốc tế, với đỉnh cao là 9 bàn tại AFC Champions League và AFC Cup năm ngoái.

Hay vì tuổi tác?

Cùng thời gian Văn Quyết vắng mặt, HLV Park vẫn ưu ái “ông già” 35 tuổi Nguyễn Anh Đức. Nguyễn Trọng Hoàng là trụ cột không thể thay thế dù hơn Văn Quyết 2 tuổi. Nguyễn Huy Hùng, Trần Nguyên Mạnh, những người cùng thế hệ với Quyết, cũng thường xuyên được gọi. Ông Park thậm chí muốn mời lại Thành Lương, người đã bước sang tuổi 32, chia tay tuyển Việt Nam từ 4 năm trước.

Van Quyet anh 2

Anh Đức (áo đỏ) vẫn lên tuyển ở tuổi 35, còn Văn Quyết vẫn vắng mặt. Ảnh: Minh Chiến.

Nếu không phải hai lý do trên, nhiều người nói rằng Văn Quyết không được gọi vì ông Park đã có đủ lựa chọn cho vị trí tiền đạo lùi/tiền vệ công. Điều đó nghe có vẻ hợp lý ở thời điểm năm 2018, khi ông Park có trong tay bốn cầu thủ hộ công đẳng cấp gồm Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức và Nguyễn Văn Toàn. Vậy thì tại sao sang năm 2019, khi Công Phượng sa sút, còn Văn Đức chấn thương dài hạn, Văn Quyết vẫn không được gọi?

Nên nhớ, hàng công luôn là tuyến khiến ông Park lo lắng và dành nhiều ưu ái hơn cả. Đây là vị trí đã chứng kiến rất nhiều sự thử nghiệm. Đến cả một tiền đạo “vô danh” như Nguyễn Việt Phong còn được trao cơ hội thì sự vắng mặt của Văn Quyết thật khó lý giải.

Khi không thể tìm được các nguyên nhân định lượng, chúng ta buộc phải nhìn tới một lý do định tính hơn: sự phù hợp. Đó cũng là lý do ông Park chia sẻ ở cuộc họp báo tháng 9 năm ngoái: “Nhiều người đã hỏi tôi về Văn Quyết. Đó là một cầu thủ tài năng. Nhưng chiến thuật của đội tuyển và CLB có nhiều điểm khác biệt. Một cầu thủ chơi tốt ở CLB không đồng nghĩa anh ta chơi tốt tại đội tuyển. Khả năng thích nghi ở đội tuyển là điều quan trọng. Tất nhiên, Văn Quyết vẫn còn cơ hội”.

Vậy, câu trả lời nằm ở khả năng thích nghi?

Chúng ta đang nói về Văn Quyết, người đã có gần chục năm chơi bóng tại V.League, đá chính tại tuyển Việt Nam dưới thời 3 HLV trưởng khác nhau, đã thích nghi với lối đá phòng ngự cực đoan của Toshiya Miura và phong cách kiểm soát dưới thời Nguyễn Hữu Thắng.

Van Quyet anh 3

Văn Quyết (trái) và đồng đội đăng quang tại Cúp Quốc gia 2020. Ảnh: Minh Chiến.

Chỉ thời gian có thể trả lời

Quay ngược thời gian, trở về thời điểm Văn Quyết lần đầu cộng tác với thầy Park ở Asian Games 2018, anh đá 7 trận, ghi 2 bàn, bằng với Công Phượng, Quang Hải. Quyết chỉ bị thay ra 2 lần, các thống kê cá nhân của anh đều thuộc nhóm tốt nhất đội tuyển. Điều đó phần nào cho thấy năng lực và khả năng thích nghi của Quyết dưới thời ông Park.

Nhưng tới AFF Cup sau đó vài tháng, Quyết chỉ được đá 4 trận vòng bảng, không lần nào chơi đủ 90 phút trước khi biến mất hoàn toàn khỏi các đội tuyển Việt Nam.

Điều gì đã diễn ra trong khoảng thời gian giữa Asian Games và AFF Cup? Văn Quyết vắng mặt vì chơi tệ ở giải Đông Nam Á hay anh và ông Park có vấn đề? Lý do nào khiến HLV trưởng quyết định gạch tên đội trưởng trong các đợt tập trung sau này? Dù nguyên nhân là gì, quyết định ấy chắc chắn đã đẩy ông Park vào thế khó xử. Ông thầy người Hàn Quốc hiểu rõ việc loại một cầu thủ như Quyết sẽ tạo dư luận lớn thế nào. Bằng chứng là gần 2 năm sau ngày ấy, người ta vẫn đặt ra những câu hỏi với ông.

Nhưng luồng dư luận càng lớn thì càng chứng minh sự cương quyết của ông Park. Gần 2 năm sau AFF Cup 2018, qua bao nhiêu đợt tập trung, Văn Quyết không một lần có tên.

Mọi thứ càng trở nên bí ẩn vì Văn Quyết và ông Park chưa từng đưa ra một lý do thực sự hợp lý cho việc này. Ta không thể biết có chuyện gì đã xảy ra giữa họ. Chỉ có hai sự thật: Văn Quyết vẫn chơi tốt dù không được gọi, tuyển Việt Nam vẫn thăng hoa dù thiếu tiền đạo này.

Lịch sử bóng đá từng chứng kiến những trường hợp tương tự, ví dụ kinh điển nhất là chuyện Tây Ban Nha loại Raul Gonzalez sau đó vô địch một lèo 2 kỳ EURO và World Cup.

Tương tự như vậy, ngày nào tuyển Việt Nam còn chiến thắng, ngày đó lựa chọn của ông Park vẫn hợp lý.

Quang Hải bấm bóng kiến tạo cho Văn Quyết Quang Hải chuyền bóng điểm rơi, giúp Văn Quyết mở tỷ số cho đội chủ nhà Hà Nội trước CLB TP.HCM ở bán kết Cúp Quốc gia tối 16/9.

Văn Quyết, Hải Huy và nỗi buồn của những người sinh nhầm thời

Nếu Trọng Hoàng hay Nguyên Mạnh đều được gọi trở lại tuyển Việt Nam, Văn Quyết và Hải Huy cũng xứng đáng với điều đó dù cơ hội ấy mong manh đến thế nào.

Ông Park gặp khó khi sạch bóng lứa Thường Châu

Văn Hậu vắng mặt ở đợt tập trung vừa qua, nên U22 Việt Nam không còn cầu thủ nào từ lứa Thường Châu và cho thấy thời kỳ mới khó khăn đối với thầy trò HLV Park.

Văn Lâm đã thắng thủ môn người Thái Lan ở Muangthong United

Hai trận bắt chính liên tiếp tại Thai League cho thấy Đặng Văn Lâm đã lấy lại vị trí trong đội hình CLB Muangthong United.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm