10 ngày đã qua ở U22 Việt Nam gần như không khác gì đợt tập trung trước đó của đội tuyển hồi tháng 7. Đó vẫn là những buổi tập với mục đích chính là rèn lại cả kỹ lẫn chiến thuật, những trận đấu tập với mục tiêu chính là làm quen lối chơi và hiểu rõ từng học trò.
Và vẫn giống như lần trước, đó lại là đợt tập trung quy mô lớn, quân số đa dạng trải dài từ V.League tới hạng Nhì.
HLV Park Hang-seo muốn gọi nhiều người nhất có thể, tìm kiếm những cơ hội mong manh nhất, vét nguồn tài nguyên ở mọi hạng đấu.
Vì đây là lần đầu tiên từ khi tới Việt Nam, ông phải dựng lại cả một đội bóng.
Không còn lứa cầu thủ ở Thường Châu
Khi ông Park lần đầu tiếp quản U23 Việt Nam hồi cuối năm 2017, ông đã sở hữu trong tay lực lượng mạnh. Nòng cốt U23 Việt Nam khi đó là hai lứa U19 của HLV Guillaume Graechen và U19 của ông Hoàng Anh Tuấn.
11 cầu thủ đá chính trong trận U23 Việt Nam gặp Hàn Quốc ngày mở màn U23 châu Á 2018 đều thuộc hai lứa cầu thủ này. Một phát hiện lớn sau đấy là Phan Văn Đức thực ra cũng tới từ lứa U19 của Graechen dù ngày ấy, Văn Đức chỉ là dự bị.
Khi đó, hai lứa ấy chưa đạt được thành tựu đáng kể nào ở cấp độ U23. Tuy nhiên, họ đều được đánh giá là những tài năng đặc biệt.
Ông Park là HLV giỏi, chất lượng nhưng thời điểm ông ấy có mặt cũng may mắn vì Việt Nam đang có nhiều cầu thủ xuất sắc.
HLV Chung Hae-seong
Phần lớn lứa ấy đều có 2-3 năm kinh nghiệm V.League như Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng. Một số xuất ngoại như Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng. Những tài năng trẻ như Đoàn Văn Hậu cũng có chân ở tuyển quốc gia, mới như Văn Đức cũng sở hữu xấp xỉ 20 trận V.League. Hầu hết lứa này đã có 1-2 kỳ SEA Games. Nửa đội hình ấy đã góp mặt ở AFF Cup 2016. Họ đủ cả trình độ và kinh nghiệm, từng chơi cả trong nước lẫn quốc tế.
Đấy là lý do nhiều chuyên gia, HLV tin rằng ông Park vừa may, lại vừa hay. Đến người đồng nghiệp của ông là HLV Chung Hae-seong cũng phải thừa nhận: “Bóng đá để thành công phải đúng thời điểm. Ông Park là HLV giỏi, chất lượng, nhưng thời điểm ông ấy và tôi có mặt ở Việt Nam cũng may mắn, bởi Việt Nam đang có nhiều cầu thủ xuất sắc”.
Đương nhiên, nhờ có ông Park, những cầu thủ tài năng ấy mới gặt hái được thành công. Sự kết hợp giữa đôi bên đã tạo nên thời kỳ đẹp nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Sau 2 năm, điều đó đã thay đổi.
Nếu tiếp tục xuất ngoại, Văn Hậu (giữa) có thể vắng mặt tại SEA Games tới. Ảnh: Minh Chiến. |
Tìm cầu thủ từ V.League tới hạng Nhì
Văn Hậu vắng mặt, nên trong 47 cầu thủ lên U22 Việt Nam vừa qua, chỉ còn Nguyễn Văn Toản và Bùi Hoàng Việt Anh từng lấy được suất đá chính ở SEA Games hay U23 châu Á. 45 người còn lại không được gọi hoặc không lấy được suất ra sân.
45 trong số 47 tuyển thủ U22 Việt Nam hiện tại không đủ năng lực đứng trong đội hình tiền nhiệm.
Thực tế trên sân cũng cho thấy, mỗi khi ông Park sử dụng một cầu thủ ở lứa mới, đội tuyển có thể phải nhận hậu quả. Trường hợp Trần Bảo Toàn vẫn là minh chứng rõ ràng nhất. Anh chỉ vào sân ít phút ở U23 châu Á trước Triều Tiên. Bảo Toàn mắc sai lầm, khiến U23 Việt Nam chịu quả phạt đền, thua bàn quyết định và cay đắng rời giải.
Giống như U23 Việt Nam ở Thường Châu 2018, lứa U22 vô địch SEA Games năm ngoái cũng có quân số chủ yếu tới từ lứa U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn, những người đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup trẻ.
Có nhiều nguyên nhân tạo ra chênh lệch về trình độ giữa U22 Việt Nam hiện tại và những người tiền nhiệm. Tính kế thừa là một trong số này.
Ở SEA Games 2015, đội hình của ông Toshiya Miura có 8 cầu thủ đủ tuổi dự SEA Games kế tiếp. Hai năm sau, đội hình của HLV Nguyễn Hữu Thắng có 5 cái tên tương tự. Tới SEA Games 2019, đội hình của HLV Park còn 2 cầu thủ đủ tuổi dự giải kế tiếp (Văn Toản, Văn Hậu).
Khác với Thái Lan hay một số nước khác, U22 Việt Nam đã tận dụng triệt để 2 suất cầu thủ quá tuổi cho Nguyễn Trọng Hoàng và Đỗ Hùng Dũng. Việc nước chủ nhà rút danh sách mỗi đội xuống còn 20 người cũng khiến ông Park không thể mang thêm quân số tới Philippines.
Kinh nghiệm và trình độ của lứa sau U22 Việt Nam thua kém rất nhiều so với đàn anh. Đồ họa: Minh Phúc. |
U22 Việt Nam ở SEA Games 2019 thành công nhất lịch sử nhưng cũng ít tính kế thừa hơn cả. Ngoài ban huấn luyện được giữ nguyên, họ gần như không để lại gì cho thế hệ kế cận ở SEA Games 2021 tại Việt Nam.
Trình độ có hạn, kinh nghiệm còn thiếu, không còn đàn anh dẫn đường, nhiệm vụ bảo vệ HCV SEA Games của U22 Việt Nam vào năm sau sẽ nặng nề.
Thành bại của họ sẽ dựa nhiều vào sự tiến bộ trong hơn một năm sắp tới. Sự tiến bộ ấy lại liên quan mật thiết tới cơ hội ra sân của họ ở V.League và giải hạng Nhất. Cơ hội ấy đã bị tước đi đáng kể khi hai giải chuyên nghiệp này buộc phải rút ngắn lịch thi đấu còn hệ thống giải trẻ bị tạm dừng vì dịch Covid-19.
Kể cả khi các giải trở lại, lo lắng cũng không giảm đi vì số lượng tuyển thủ U22 Việt Nam được ra sân thường xuyên là quá ít. Việt Anh, Văn Toản, Đặng Văn Lắm, Thái Bá Sang, Nguyễn Hai Long là vài cái tên may mắn nhận được điều này ở V.League.
Đó là lý do ông Park buộc phải gọi xấp xỉ hai chục cầu thủ tới từ giải hạng Nhất và hạng Nhì. Khi cơ hội cho những tài năng U22 ở V.League không có nhiều, ông thầy Hàn Quốc phải mở rộng phạm vi tìm kiếm xuống các giải hạng dưới. Cuộc tìm kiếm đó diễn ra từ đầu năm ngoái khi U22 Việt Nam tập trung lần đầu dự giải Đông Nam Á dưới quyền HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Sau hơn một năm, cuộc tìm kiếm ấy vẫn chưa đem lại nhiều kết quả.
Hơn 2 năm sau khi cùng U23 Việt Nam tung hoành ở Thường Châu, ông Park đang đối diện những khó khăn chưa từng thấy.