Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghịch lý tại bàn đàm phán Nga - Mỹ

Cuộc đàm phán Nga - Mỹ tại Geneva bàn về an ninh châu Âu nhưng lại không có sự tham gia của các nước thuộc khu vực, từ đó làm dấy lên nhiều quan ngại cho những quốc gia này.

dam phan Nga - My anh 1

Khi Mỹ và Nga bắt đầu cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/1 để thảo luận về vấn đề Ukraine và an ninh châu Âu, các quốc gia trong khu vực này lại không có mặt ở đó.

Và khi NATO thảo luận với Nga vào ngày 12/1, Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là một thể chế cũng không có mặt, mặc dù 21 quốc gia là thành viên của cả hai tổ chức.

Ngay cả khi các quốc gia hàng đầu EU, như Pháp và Đức, đã theo đuổi những cuộc đàm phán riêng của họ với Moscow và là thành viên không thể tách rời của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng đã coi cả NATO và EU đều phụ thuộc vào mong muốn và quyết định của Mỹ, theo New York Times.

"EU không thể là khán giả"

“Điều đó khiến châu Âu không khỏi lo lắng về một thời điểm rất khó khăn trong các vấn đề quốc tế ở khu vực này, điều chưa từng có tiền lệ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, François Heisbourg, một nhà phân tích quốc phòng người Pháp, cho biết.

"Đó là về an ninh của chúng tôi, nhưng chúng tôi không có ở đó”, vị này cho biết.

Josep Borrell Fontelles, người phụ trách về chính sách đối ngoại của EU, đã đến thăm quân đội Ukraine tại khu vực Donbas vào hôm 5/1. Ông đã nhìn chằm chằm vào vị trí của lực lượng do Nga hậu thuẫn qua hàng rào.

“Chúng ta không còn ở thời Yalta nữa, khi các cường quốc gặp nhau vào năm 1945 để chia rẽ châu Âu thời hậu chiến”, ông nhận định.

“Liên minh châu Âu là đối tác đáng tin cậy nhất của Ukraine và ‘không thể là khán giả’ trong khi Mỹ, NATO và Nga thảo luận về an ninh châu Âu”.

dam phan Nga - My anh 2

Mỹ và Nga tổ chức hội đàm để bàn về an ninh châu Âu và vấn đề Ukraine. Ảnh: AP.

Đối với một số người, chuyến thăm của ông Borrell là một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm mới của châu Âu đối với quyền tự chủ chiến lược và mong muốn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ của chính họ.

Đối với những người khác, chuyến thăm của ông mang tính mạo hiểm và là yêu cầu thu hút sự chú ý. Trên thực tế, điều đó chỉ thể hiện sức ảnh hưởng không mang tính thực chất của EU trong một thế giới của quyền lực cứng.

Theo ông Heisbourg, đối với người châu Âu, "quá ít hay quá nhiều sự lãnh đạo từ Mỹ cũng gây khó chịu".

Châu Âu đang băn khoăn về tính nhất quán của Tổng thống Biden sau thất bại ở Afghanistan và mong muốn chuyển sự chú ý chiến lược sang Trung Quốc. Và họ quan ngại ông Biden sẽ bị mất ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, và cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử vào năm 2024.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ không có quyết định nào về châu Âu mà không có người châu Âu, và sẽ không có quyết định nào về Ukraine nếu không có người Ukraine - những người cũng hầu như vắng mặt trong các cuộc đàm phán.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã và đang thúc đẩy châu Âu phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ chính mình, đặc biệt là khi ông Trump chỉ trích NATO và ông Biden đang hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Song châu Âu vẫn chia rẽ về cách đối phó với Nga, nước láng giềng rắc rối và là nguồn cung phần lớn khí đốt và dầu của họ.

Vấn đề ở nội bộ châu Âu

Các thành viên Trung và Đông Âu tin tưởng Washington và NATO sẽ bảo vệ họ và răn đe Nga, chứ không phải Pháp, Đức hay Bỉ. Các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng nhằm răn đe Nga sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu nhiều hơn so với Mỹ.

Từ đó, các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với việc xuất khẩu nhiên liệu của Nga rất khó xảy ra. “Rõ ràng, có những sự nhạy cảm rất khác nhau khi nói đến Nga trong khuôn khổ EU và trên lục địa châu Âu”, Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết.

“Chúng ta cần phải tự bảo vệ chính mình”, ông nói thêm. Tuy nhiên, việc tạo ra tầm ảnh hưởng chiến lược thực sự để củng cố cho những tham vọng này còn là một chặng đường dài.

Các quốc gia châu Âu có quân đội và chính sách đối ngoại của riêng họ. Họ không sẵn sàng giao trách nhiệm, quyền hạn hoặc kinh phí cho ông Borrell và Brussels. Một số người cho rằng ông Borrell đang cố gắng can dự theo cách mà các quốc gia thành viên không thực sự mong muốn.

dam phan Nga - My anh 3

Tổng thống Pháp (trái) và thủ tướng Đức (phải) trong một cuộc họp tại Brussels vào tháng 12/2021. Ảnh: New York Times.

Chẳng hạn, gần đây, ông đã gửi một bức thư cho các ngoại trưởng EU, nhấn mạnh rằng họ phải có mặt trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga.

Ông cũng đề xuất rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác nên là nơi tổ chức các cuộc đàm phán trong tương lai, chứ không phải NATO.

Trong bức thư, ông cũng nói rằng ông ủng hộ các đề xuất riêng biệt của châu Âu về an ninh và đã “bắt đầu một cuộc trò chuyện trực tiếp" với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Bức thư không được tất cả ngoại trưởng hoan nghênh, ngay cả khi ông Borrell hứa “sẽ phối hợp chặt chẽ và hoàn toàn với NATO” trong việc xây dựng các đề xuất của châu Âu “về kiểm soát vũ khí thông thường cũng như biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh”.

Nhưng cũng có những bất ổn mới ở các quốc gia quan trọng của châu Âu. Ông Macron sẽ phải đối mặt với các cử tri vào tháng 4, và việc tái đắc cử của ông vẫn chưa chắc chắn. Trong khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là người đối thoại được tổng thống Nga nể trọng, người kế nhiệm Olaf Scholz lại là một ẩn số.

Ông Scholz là đảng viên Dân chủ Xã hội, một đảng luôn ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với phương Đông. Điều đó cũng thúc đẩy Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên gây tranh cãi đi thẳng từ Nga sang Đức.

Tuy nhiên, ông Scholz vẫn ở trong một liên minh với đảng Xanh chống Nga quyết liệt. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh cùng với đảng Dân chủ Tự do cũng công khai chỉ trích Nga.

Trong khi ông Borrell muốn EU có mặt tại bàn đàm phán, các cuộc thảo luận đang dựa trên quyền lực, ông Ulrich Speck, một nhà nghiên cứu liên kết với Quỹ Marshall của Đức ở Berlin, nói.

“Vì vậy, không có ý nghĩa gì ngay bây giờ nếu đẩy Brussels vào vấn đề này", ông nói. "Đó là một cuộc chiến mà họ không thể thắng”.

NATO cảnh báo Nga về 'cái giá đắt' nếu tấn công Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 10/1 cảnh báo Nga về "cái giá đắt" nếu tấn công Ukraine, đồng thời cho biết liên minh này sẽ giúp Kyiv “duy trì quyền tự vệ”.

An ninh châu Âu trong tay Nga - Mỹ  

Nghịch lý là dù cuộc đàm phán ở Geneva sẽ có ảnh hưởng quyết định đến “ổn định chiến lược” tại châu Âu, dường như các nước châu Âu đang bị bỏ qua.

Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm