Lần gần nhất phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) đón lượng khách lớn đổ về là dịp lễ 30/4-1/5, khi tuyến phố được khai trương trở lại sau thời gian dài tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh.
Kể từ thời điểm đó cho đến nay, suốt nửa năm trôi qua, tuyến phố này thường xuyên ở trong tình trạng vắng vẻ, ít khách đến tham gia hoạt động đi bộ vào cuối tuần.
Trong khi đó, Hà Nội đang lên kế hoạch để vận hành 3 tuyến phố đi bộ mới trong năm 2023 bên cạnh 3 tuyến đang vận hành.
Vắng người
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết mục tiêu mở rộng mô hình phố đi bộ ra nhiều quận, huyện và thị xã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.
Thời gian đầu, kinh tế đêm được đẩy mạnh và phát triển ở quận Hoàn Kiếm, diễn ra dưới nhiều loại hình như không gian đi bộ của phố cổ và hồ Gươm, chợ đêm Đồng Xuân, tuyến phố ẩm thực như Hàng Buồm, Tạ Hiện và các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, quán bar.
"Lượng khách trong và ngoài nước đến phố đi bộ thời gian đầu rất đông, trung bình có 3.000-5.000 người ban ngày và buổi tối có 15.000-30.000 người đi trên các tuyến đi bộ, đặc biệt khu hồ Gươm", theo bà Oanh.
Hà Nội kỳ vọng các tuyến phố đi bộ được mở ra sẽ thúc đẩy kinh tế đêm của thành phố. Ảnh: Việt Linh - Tuấn Anh. |
Sau đó, thành phố giao sở, ngành phối hợp với quận, huyện và thị xã như Tây Hồ, Hoàng Mai, Sơn Tây tổ chức các tuyến phố xung quanh thành cổ Sơn Tây, Trịnh Công Sơn...
Phố Trịnh Công Sơn vắng khách do người đi bộ đổ về hồ Gươm.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận phố đi bộ Trịnh Công Sơn trở nên vắng khách, thiếu sự tham gia của người dân trong thời gian qua, dù khi mới vận hành, tuyến phố hoạt động khá tấp nập và hiệu quả.
"Lý do cơ bản là người tham gia đi bộ cuối tuần tập trung về phía khu Hoàn Kiếm, bờ Hồ", bà Oanh lý giải.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết thành phố đang chỉ đạo giao quận Tây Hồ nghiên cứu lại và đề xuất các hình thức triển khai tuyến phố này để thu hút người dân hơn.
Mục tiêu của thành phố khi vận hành mô hình phố đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn là tạo ra không gian mang bản sắc riêng, trong đó nhấn vào yếu tố nghệ thuật biểu diễn.
Phố đi bộ để làm gì?
Ở góc độ địa phương đang vận hành mô hình phố đi bộ, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây được bao quanh không gian thành cổ nhằm tận dụng cảnh quan và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của địa phương.
Theo thống kê, trung bình tối cuối tuần, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 5.000-7.000 người đến tham gia. Lượng khách chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc và người dân địa phương.
Theo ông Thăng, Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên phát triển và bảo tồn. Do đó, việc thành lập phố đi bộ quanh thành cổ nằm trong chiến lược này, nhằm tạo ra không gian kết nối, xúc tiến du lịch.
Trong khi đó, lãnh đạo phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, kỳ vọng đề án phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã sắp được vận hành khai thác tốt vị trí địa lý và tạo không gian vui chơi, thư giãn cho người dân thông qua trải nghiệm về ẩm thực, tìm hiểu sản phẩm làng nghề.
Đồng thời, địa phương mong muốn thúc đẩy các hoạt động ẩm thực sẵn có, đạt hiệu quả và tăng doanh thu, ngân sách cho địa bàn, nâng cao đời sống người dân.
Phố đi bộ ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình) dự kiến khai trương ngày 23/12. Ảnh: Thụy Trang. |
Trong khi chính quyền nhìn nhận phố đi bộ là loại hình nhằm thúc đẩy kinh tế trên địa bàn, các chuyên gia lại cho rằng không gian này mang nhiều giá trị hơn thế nếu được vận hành một cách bài bản.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết không gian đi bộ sẽ thu hút người dân thông qua nhiều tiêu chí, trong đó có cách thức tiếp cận thuận tiện và các điểm nhấn về không gian, trải nghiệm.
Giá trị của phố đi bộ còn là "giành" lại quyền sử dụng không gian, chia sẻ không gian trong thành phố
KTS Trần Huy Ánh
Ông Hào cho rằng Hà Nội cần tính toán nhằm đồng bộ cơ chế vận hành các tuyến phố đi bộ hiện có và sắp có, với mục tiêu mang lại giá trị về bản sắc trong kiến trúc đô thị và văn hóa.
Ngay cả với phố đi bộ hồ Gươm vốn được đánh giá là thành công, chuyên gia cho rằng cũng cần đổi mới thêm để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng một thành phố khuyến khích lập ra các tuyến phố đi bộ không phải nhằm đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân hay chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế.
"Đây là giá trị tốt nhưng không phải duy nhất", vị chuyên gia nói và cho rằng giá trị của phố đi bộ còn là "giành" lại quyền sử dụng không gian, chia sẻ không gian trong thành phố ngột ngạt, lộn xộn với quá nhiều thứ.
Theo ông, thay vì cứ một ôtô lại chiếm dụng khoảng không gian lớn của nhiều người, việc phát triển không gian đi bộ nhằm thu hẹp sự bất bình đẳng trong tiếp cận hạ tầng.
Ông Ánh cũng nêu quan điểm đứng trước một đề án thất bại như phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội nên mạnh dạn cho dừng hoạt động thay vì cố gắng tìm cách duy trì. Việc kéo dài chỉ khiến địa phương tiêu tốn nguồn lực mà không tạo thêm giá trị gì cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Hà Nội đang vận hành 3 tuyến phố đi bộ: hồ Gươm và vùng phụ cận, Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây, đồng thời sắp có thêm 3 tuyến phố đi bộ mới: Trần Nhân Tông, Đảo Ngọc - Ngũ Xã và hồ Ngọc Khánh. Đồ họa: Duy Anh. |
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.