Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghị viện châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu

Nghị viện châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu hôm 28/11, động thái gia tăng áp lực lên các quốc gia thành viên để hành động quyết liệt hơn trong việc giảm tải khí thải.

Trong những tháng gần đây, hàng trăm tuyên bố tương tự đã được đưa ra hầu hết bởi chính quyền các địa phương và khu vực.

Tuyên bố của Nghị viện châu Âu quan trọng vì nó được thông qua bởi một nghị viện đại diện cho hơn 500 triệu người.

Động thái cũng gây áp lực lên Ủy ban châu Âu (EC) dưới thời Chủ tịch vừa đắc cử Ursula von der Leyen. Là chủ tịch cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu, bà Leyen chịu trách nhiệm điều hành bộ máy khổng lồ quản lý công việc chung của 28 nước.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu rõ ràng gây sức ép cho Leyen vì bà đã cam kết tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Liên quan đến “Thỏa thuận Xanh châu Âu”, bà Leyen hôm 27/11 cho biết châu Âu sẽ trở thành lục địa đầu tiên giảm phát thải xuống mức 0 vào năm 2050 và mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 sẽ phải “tham vọng” hơn nữa, theo Washington Post.

khan cap khi hau anh 1 Một máy xúc đang hoạt động trong mỏ khai thác Garzweiler ở Juechen, miền Tây nước Đức. Ảnh: Getty.

“Nếu có một vấn đề mà thế giới cần sự lãnh đạo của chúng ta, thì đó là bảo vệ khí hậu của chúng ta”, bà Leyen nói. “Đây là vấn đề mang tính sống còn đối với châu Âu, cũng như với toàn thế giới”.

Ủy ban châu Âu dự kiến trình bản dự thảo đầu tiên của “Thỏa thuận Xanh châu Âu” sau khi nhậm chức vào tháng 12 và xem xét trong vòng 100 ngày.

Trong bản hướng dẫn được công bố của Thỏa thuận Xanh châu Âu, bà Leyen đã đề xuất nâng mục tiêu của EU về giảm lượng phát thải lên ít nhất 50% trước năm 2030. Năm 2018, lượng phát thải nhà kính của EU ước tính thấp hơn 23% so với năm 1990.

Tuy nhiên, đề xuất của bà Leyen cần có đủ phiếu bầu của các quốc gia thành viên để được ban hành thành luật.

“Bà ấy có thể đặt ra các mục tiêu. Nhưng cuối cùng, bà  ấy phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia thành viên”, ông Oliver Geden, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho biết. “Tôi không chắc sẽ có bao nhiêu quốc gia thành viên ủng hộ”.

Một số quốc gia thành viên EU như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc đã chặn các mục tiêu về khí hậu đến năm 2050. Họ đòi hỏi nhiều tiền hơn để chuyển đổi sang cách ngành công nghiệp “xanh hơn”.

Vừa bác chính sách chống biến đổi khí hậu, hội đồng Venice bị ngập

Hội đồng một vùng ở Italy đã không thống nhất được về ngân sách chống biến đổi khí hậu và bị ngập nước ngay sau đó.

Rút khỏi thỏa thuận Paris, Mỹ để Trung Quốc dẫn đầu về năng lượng sạch

Tổng thống Trump hôm 5/11 tuyên bố Mỹ đã bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, khiến Trung Quốc là siêu cường còn lại giữ cam kết với thỏa thuận này.

Hạnh Vũ

Bạn có thể quan tâm