Nghi vấn về báo cáo muộn sau khi binh lính Triều Tiên giết chết một công dân Hàn Quốc đã đặt Tổng thống Moon Jae In vào tình thế ngoài dự liệu, tương tự người tiền nhiệm Park Geun Hye trong vụ chìm phà Sewol năm 2014. Vào năm đó, phe đối lập đã đẩy cao làn sóng chỉ trích tổng thống, theo Korea Times.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 cho biết một viên chức 47 tuổi của Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc đã mất tích hôm 21/4, khi đang làm nhiệm vụ trên một tàu ngư chính tại vùng biển ngoài khơi đảo Yeonpyeong ở phía tây.
Người này trôi dạt sang vùng biển của Triều Tiên và được một tàu Triều Tiên phát hiện vào khoảng 15h30 chiều 22/9. Ông bị bắn chết lúc 21h40 và thi thể bị đốt lúc 22h10 cùng ngày, theo quân đội và tình báo Hàn Quốc. Họ cho rằng viên chức Hàn Quốc có thể đã cố gắng đào tẩu sang Triều Tiên.
Ngày hôm sau, phía Hàn Quốc thông báo rằng họ đã nhận được lời xin lỗi từ phía Triều Tiên và đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lên tiếng. Bình Nhưỡng cũng phủ nhận cố ý thiêu thi thể người viên chức nghề cá của Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: AFP. |
10 tiếng chìm trong nghi vấn
Cheong Wa Dae (Nhà Xanh - dinh tổng thống Hàn Quốc) cho biết họ nhận được báo cáo về vụ nổ súng lúc 23h30 ngày 22/9 và tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng vào lúc 1h30 ngày 23/9, Korea Times cho hay.
Trong cuộc họp, Cố vấn an ninh quốc gia Suh Hoon, Chánh văn phòng Nhà Xanh Noh Young Min, Cục trưởng Cục Tình báo Quốc gia Park Jie Won, Bộ trưởng Thống nhất Lee In Young và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook đã thảo luận về độ tin cậy của thông tin.
Tuy nhiên, ông Moon đã không có mặt và các quan chức đã không báo cáo thông tin cho tổng thống ngay sau cuộc họp. Ông Moon đã được báo cáo tóm tắt về vụ việc lúc 8h30 ngày 23/9, có nghĩa là ông biết về sự việc khoảng 10 tiếng sau đó.
Ngoài ra, cuộc họp gần như trùng khớp thời gian bài phát biểu của Tổng thống Moon - đã ghi hình sẵn - được phát trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến vốn được khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, khiến Hàn Quốc và Triều Tiên đến nay vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, ít nhất về lý thuyết.
Dù giới chức Hàn Quốc đã biết về vụ việc vào tối 22/9, Bộ Quốc phòng chỉ thông báo vào chiều 23/9 rằng một viên chức đã mất tích và dường như đã được phía Triều Tiên tìm thấy, trong khi không cho biết người này còn sống hay không. Đến 11h ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới họp báo, chính thức công khai gọi đây là vụ giết người.
Đến ngày 25/9, phía Hàn Quốc cho biết rằng Triều Tiên đã cung cấp phiên bản khác về vụ việc, nêu cụ thể quá trình tìm thấy viên chức Hàn Quốc và nổ súng, dù không nói rõ thời gian xảy ra.
Phe đối lập chỉ trích
Trước những tranh cãi về thời gian Tổng thống Moon được báo cáo, Kim Chong In - lãnh đạo lâm thời của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), phe đối lập chính - tuyên bố vụ việc là thảm họa quốc gia do chính quyền ông Moon còn thiếu nhận thức về an ninh.
"Tầm nhìn lạc quan của chính quyền Moon đã khiến một công dân Hàn Quốc mất đi sinh mạng quý giá", ông nói. "Tổng thống Moon cần giải thích những gì ông ấy đã làm trong ba ngày kể từ hôm 21/9".
Ông nói thêm rằng chính phủ có thể muốn che giấu điều gì đó với công chúng khi phải mất 3 ngày, họ mới công khai sự việc.
Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng 4/2018. Ảnh: AFP. |
Tình hình hiện tại khiến ông Moon rơi vào tình cảnh tương tự những gì người tiền nhiệm của ông phải đối mặt sau vụ chìm phà Sewol năm 2014.
Trong khi chiếc phà chở hơn 300 hành khách đang chìm dần, việc hoạt động cứu hộ bị gián đoạn khiến mọi người suy đoán về việc bà Park Geun Hye đã làm gì trong 7 tiếng đầu tiên sau khi vụ tai nạn xảy ra. Nhiều người vẫn nghi ngờ tuyên bố của các trợ lý tổng thống rằng bà đã nhận được thông tin cập nhật tại nơi ở của mình.
Nghị sĩ Joo Ho Young của PPP cho biết Tổng thống Moon lẽ ra phải tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng vào sáng sớm 23/9 để xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
"Các biện pháp tiếp theo của Tổng thống Moon rất khả nghi. Không thể biết được là Tổng thống Moon không hay biết về vụ việc hay ông ấy phớt lờ nó", nghị sĩ Joo nói, theo Korea Times.
Trong tuyên bố chính thức gửi tới Hàn Quốc hôm 25/9, Triều Tiên nói ông Kim "rất lấy làm tiếc" vì đã "làm thất vọng" Tổng thống Moon Jae In và những người Hàn Quốc khác liên quan đến vụ việc, Suh Hoon - Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc - cho biết, theo Yonhap.
Bình Nhưỡng cho biết binh lính của họ hoạt động gần biên giới vùng biển phía tây đã phát hiện viên chức Hàn Quốc bám vào vật thể nổi cách họ khoảng 80 m. Người này được cho là đã không trả lời thành thật khi được truy hỏi về vấn đề an ninh.
Khi tiếp cận vật thể nổi, lính Triều Tiên bắn hai phát đạn không chì thì thấy người này tìm cách chạy trốn. Từ khoảng cách 40-50 m, lính Triều Tiên bắn thêm hơn 10 phát đạn theo quy trình an ninh vùng biên giới trên biển.
"Quân đội chúng tôi xác định người xâm nhập bất hợp pháp đã bị bắn chết nên đốt vật thể nổi theo quy định chống dịch", thông điệp của Bình Nhưỡng cho hay.
Lần gần nhất thường dân Hàn Quốc bị phía Triều Tiên bắn chết là vào tháng 7/2008. Năm đó, công dân tên Park Wang Ja bị bắn chết tại khu nghỉ mát trên núi Kumgang ở Triều Tiên khi đi vào khu vực cấm.