Ami Bera, Chủ tịch tiểu ban châu Á của Hạ viện Mỹ, và nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Chabot, hy vọng “Đạo luật gắn kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” sẽ thu hẹp khoảng cách giữa tuyên bố về việc châu Á là khu vực ưu tiên với mức tài trợ cho khu vực này, theo Financial Times.
Ông Bera cho biết "chúng tôi đang cố gắng thực hiện xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". "Chúng tôi đang tiến đến đó, nhưng rất chậm", ông nói.
“Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ không mất tập trung trong cuộc cạnh tranh chiến lược của thế kỷ 21 - cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”, ông cho hay.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt hồi tháng 5. Ảnh: ASEAN. |
Dự luật sẽ yêu cầu văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao phối hợp với văn phòng các vấn đề Nam và Trung Á và văn phòng châu Á tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
Họ sẽ phải đệ trình một báo cáo lên quốc hội hàng năm, phác thảo các nguồn lực cần thiết để đáp ứng mục tiêu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chiến lược An ninh Quốc gia sắp tới của Mỹ. Dự luật được thiết kế để các quan chức về châu Á có tiếng nói lớn hơn trong cuộc tranh luận về mức tài trợ thích hợp cho từng khu vực địa lý.
“Nếu chúng ta thực sự tin rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi viết nên tương lai của thế kỷ 21, chúng ta cần phải thống nhất lời nói với ngân sách của mình. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông Chabot nói.
Tổng thống Joe Biden khi nhậm chức cam kết sẽ tập trung chính sách đối ngoại của mình để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng rằng các nguồn lực Mỹ bỏ ra chưa tương xứng với tuyên bố đó. Mối lo ngại đó đã gia tăng trong năm nay khi Mỹ cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD.
Nhà Trắng hồi tháng 5 cho biết sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Đông Nam Á để tài trợ cho các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng số tiền này tương đối nhỏ so với số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào khu vực.