Theo South China Morning Post, khi chính trị gia Indonesia Achmad Fadil Muzakki Syah tuyên thệ nhậm chức nghị sĩ vào ngày thứ 3 tuần trước tại quốc hội, ông khiến mọi người chú ý khi mang theo 3 bà vợ trong buổi lễ này.
Những bức ảnh chụp ông Achmad giơ ngón tay cái, xung quanh mình là 3 bà vợ ai cũng tươi cười, nhanh chóng lan tràn trên mạng. Bản thân ông Achmad tuyên bố gia đình của mình là "hình mẫu" để "có một cuộc hôn nhân đa thê hòa hợp".
"Tôi chủ ý muốn báo chí quan tâm đến gia đình mình để nó trở thành ví dụ cho thấy việc đa thê có thể thực hiện một cách hài hòa và tốt đẹp, mà không cần phải có những hành vi bí mật, nikah siri hoặc ngoại tình", ông Achmad cho biết.
Nghị sĩ Achmad Fadil Muzakki Syah và ba người vợ trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Ảnh: Twitter. |
Nikah siri là một cuộc hôn nhân tuân theo phong tục tôn giáo nhưng không được nhà nước công nhận.
Ông Achmad, 39 tuổi, nghị sĩ của đảng Quốc gia Dân chủ (Nasdem), làm đám cưới với người vợ đầu tiên cách đây 22 năm. Trong 8 năm qua ông đã lấy thêm 2 người vợ nữa và hiện có 7 người con.
Nghị sĩ này thậm chí còn chia sẻ thẳng thắn với truyền thông địa phương rằng ông và 3 bà vợ thường xuyên ngủ chung một giường.
Những phát biểu táo bạo của ông Achmad đã bị lên án bởi những nhà hoạt động bảo vệ phụ nữ ở Indonesia, họ gọi những lời nói này là "đáng xấu hổ" và "ghê tởm", cho rằng nó sẽ chỉ khuyến khích nhiều đàn ông ở Indonesia làm điều tương tự, khiến phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng.
Trong những năm gần đây, Indonesia chứng kiến sự gia tăng của những trường hợp đa thê, do sự phổ biến trở lại của các quan điểm Hồi giáo bảo thủ và sự xuất hiện những ứng dụng hẹn hò dành cho đàn ông tìm kiếm vợ hai.
Các buổi trao đổi nhóm dành cho nam giới và phụ nữ về cách chung sống trong một cuộc hôn nhân đa thê đang ngày càng trở nên phổ biến.
Theo luật hôn nhân Indonesia, chế độ đa thế được cho phép dưới một số điều kiện về văn hóa và tôn giáo nhất định.
Học giả đạo Hồi kiêm chủ tịch Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình (ICRP) của Indonesia, bà Siti Musdah Mulia nói rằng chế độ đa thê được cho phép trong những năm đầu của đạo Hồi, khi đó còn là một xã hội gia trưởng trong thời đại thiếu hiểu biết.
"Nhưng với sự phát triển của Hồi giáo, không có lý do gì để duy trì chế độ đa thê vì tất cả những điều kiện để có được công bằng cho một cuộc hôn nhân đa thê là rất khó thực hiện", bà Siti nói.
Theo bà Siti, luật hôn nhân của Indonesia cần phải thay đổi do quy định về chế độ đa thê là không rõ ràng. Trong khi cơ sở của luật hôn nhân là chế độ một vợ một chồng, không có chế tài nào để xử lý trường hợp đa thê.