Nghị sĩ Baek Hye Ryun thuộc đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc đệ trình dự thảo sửa đổi luật hình sự lên quốc hội nước này hồi tháng 7. Theo đề xuất của bà Baek, việc “tiếp xúc không trực tiếp” bằng cách “phân phối các vật thể gây ra sự hổ thẹn về tình dục” sẽ được coi là hành vi phạm tội hình sự.
Trước đó, nghị sĩ Lee Su Jin cũng đề xuất mở rộng khái niệm “hành vi không đúng đắn” trong bộ luật hình sự để bao gồm hành vi “khủng bố tinh dịch”.
Các nghị sĩ Hàn Quốc muốn đưa hành vi "khủng bố tinh dịch" vào luật. Ảnh: Guardian. |
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh dư luận Hàn Quốc tranh cãi về quyết định của một số tòa án coi hành vi đưa tinh dịch lên đồ dùng của phụ nữ phạm tội “phá hoại tài sản”, thay vì là hành vi phạm tội tình dục. Tại Hàn Quốc, hành vi này được gọi là “khủng bố tinh dịch”.
Năm 2019, một người đàn ông đưa tinh trùng lên giày một phụ nữ bị phạt 500.000 won (gần 10 triệu đồng). Cảnh sát điều tra vụ việc theo hướng “phá hoại tài sản” vì không có khung pháp lý để khởi tố theo hướng tội phạm tình dục.
Cũng trong năm 2019, một người đàn ông bị phạt 3 năm tù vì “cố ý gây thương tích” sau khi bỏ thuốc nhuận tràng và thuốc kích dục vào cà phê của một người phụ nữ. Dù người này cũng đưa tinh dịch và đờm dãi vào cà phê và các vật dụng khác, hành vi này không được công nhận là tội phạm tình dục.
Tháng 5 năm nay, một nam công chức bị phạt 3 triệu won cũng vì hành vi “phá hoại tài sản” sau khi bắn tinh dịch vào cốc cà phê của nữ đồng nghiệp 6 lần trong nửa năm. Tòa án tuyên bố hành vi của người đàn ông này “hủy hoại” tác dụng của chiếc cốc.
Theo luật pháp Hàn Quốc, hành vi phạm tội tình dục chỉ được công nhận khi có sử dụng bạo lực hay hăm dọa như quấy rối hay cưỡng hiếp. Bên cạnh đó, hành vi quấy rối qua mạng cũng được công nhận.
“Tội phạm tình dục cần được diễn giải trên quan điểm của nạn nhân”, nghị sĩ Baek nói.