Hiện trường sau vụ việc. Ảnh: BBC. |
“Một sự việc không may mắn như vậy xảy ra là do ý trời”, ông Deepak Parekh, một trong những quản lý của công ty Oreva có nhiệm vụ bảo dưỡng cây cầu, nói với thẩm phán MJ Khan.
Ông Parekh là một trong chín người bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ hôm 31/10 liên quan tới vụ sập cầu treo. Trước đó, cảnh sát bang Gujarat tuyên bố họ đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các cá nhân có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý cây cầu.
Hôm 30/10, một cây cầu treo 150 tuổi bắc qua sông Machchhu ở Morbi đã đổ sập xuống sông, khiến hàng trăm người rơi xuống nước. 135 người đã thiệt mạng trong vụ việc, NDTV cho biết.
Cây cầu này vừa mới mở cửa vài ngày trước đó sau thời gian bảo dưỡng. Đơn vị thi công là Oreva - một công ty chuyên sản xuất đồng hồ và đồ gia dụng.
Sau khi bảo dưỡng cầu, Oreva có quyền thu phí người đi qua là 17 rupee (khoảng 0,21 USD) với người lớn và 12 rupee (khoảng 0,14 USD) với trẻ em.
Ông Parekh hồi đầu tháng 10 cho biết quá trình sửa chữa cầu “chỉ” tốn của công ty 20 triệu rupee (khoảng 240.000 USD). “Nếu mọi người hành xử có trách nhiệm và không phá hỏng tài sản này, cây cầu được tân trang có thể duy trì 15 năm”, ông Parekh nói.
Dù vậy, cảnh sát Morbi thông báo với tòa án rằng các dây cáp cũ của cầu không được thay thế trong quá trình bảo dưỡng.
“Chỉ nền cầu được thay thế. Dây cáp cầu còn không được tra dầu. Đoạn dây cáp bị đứt đã hoen gỉ”, ông PA Zala, một viên chức cảnh sát cấp cao tại Morbi, nói, theo NDTV. “Nếu cáp cầu được bảo dưỡng, tai nạn đã không xảy ra”.
Mục Thế giới giới thiệu sách tham khảo về Ấn Độ với tựa đề "Ấn Độ - Đất nước, xã hội và văn hóa" do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2018. Cuốn sách phác thảo những thông tin cơ bản về đất nước, con người và nền văn hóa Ấn Độ, giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về Ấn Độ - đất nước có bề dày lịch sử hơn 5.000 năm, ẩn chứa nhiều điều linh thiêng và huyền bí.