Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
FBI đã bắt giữ Jack Teixeira - nghi phạm chính trong vụ rò rỉ tài liệu mật - ở Dighton, Massachusetts, vào hôm 13/4, với cam kết sẽ nhanh chóng buộc tội nghi phạm vào ngày 14/4.
Nghi phạm mới 21 tuổi. Teixeira gia nhập Lực lượng Không quân Quốc gia vào năm 2019, theo hồ sơ. Bản mô tả công việc của Lực lượng Không quân cho biết những nhân viên như Teixeira “giữ cho hệ thống thông tin liên lạc luôn hoạt động và đóng vai trò không thể thiếu trong sự thành công liên tục của chúng tôi”.
Điều này đặt ra câu hỏi không thể tránh khỏi: Nếu một nhân viên cấp thấp của Bộ Quốc phòng Mỹ có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm như vậy, vậy còn ai vi phạm không?
Bloomberg nhận định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích làm thế nào mà vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất Mỹ trong một thập kỷ lại được thực hiện bởi phi công 21 tuổi - người giữ vai trò “điều hành hệ thống vận tải mạng”.
Công việc này chỉ yêu cầu bằng cấp ba, bằng lái xe và tối đa 18 tháng đào tạo tại chỗ.
Vấn đề của Lầu Năm Góc
“Thật là xúc phạm khi những loại tài liệu này được chia sẻ với một đơn vị vệ binh quốc gia không quan trọng”, Dennis Wilder, cựu biên tập viên cấp cao bản tin hàng ngày của tổng thống, nói.
“Đây là một vấn đề thực sự của Lầu Năm Góc”, ông nhấn mạnh.
Các đặc vụ FBI bắt giữ Jack Teixeira. Ảnh: WCVB-TV. |
Trong khi Tổng thống Joe Biden tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ rò rỉ, các chuyên gia và cựu quan chức cho biết tài liệu mật không chỉ làm nổi bật những đánh giá, được cập nhật từng phút, về cuộc xung đột ở Ukraine, mà còn cả cách Mỹ thu thập thông tin tình báo trên khắp thế giới.
Quan chức từ một quốc gia đồng minh của Mỹ đã mô tả điện thoại ngay lập tức đổ chuông khi báo cáo của Washington Post đến vào tối 13/4. Báo cáo cho biết nghi phạm đứng sau vụ rò rỉ là một người yêu thích quân sự, ban đầu chia sẻ tài liệu với bạn bè và người quen trực tuyến. Một số trong số họ chỉ là thanh thiếu niên.
Người này cho biết đó là lời nhắc nhở mới về câu hỏi đã đeo bám Mỹ sau hàng loạt thất bại về tình báo: Liệu nước này có thể giữ bí mật hay không?
Để giải quyết những lo ngại đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 13/4 thông báo ông đã ra lệnh xem xét lại “các thủ tục kiểm soát, trách nhiệm giải trình và truy cập thông tin tình báo” của Lầu Năm Góc. Động thái này nhằm đảm bảo rằng một vụ rò rỉ như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Một lỗ hổng có thể thấy qua vụ việc là quá nhiều người biết về bí mật của Mỹ. Tính đến tháng 10/2019, gần 3 triệu người được phép truy cập các tài liệu mật, theo Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia.
Việc chia sẻ quá mức đó bắt nguồn từ nỗ lực mở rộng chia sẻ thông tin sau sự kiện 11/9. Ý tưởng ban đầu là việc phổ biến thông tin tình báo rộng rãi hơn có thể giúp ngăn chặn một cuộc tấn công khác trên đất Mỹ.
“Rõ ràng là chúng ta gặp vấn đề về số lượng lớn người có quyền truy cập vào thông tin mật”, Holden Triplett, người sáng lập Trenchcoat Advisors và là cựu quan chức phản gián của FBI tại Moscow và Bắc Kinh, cho biết.
“Tôi không nghĩ rằng Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể trong việc kiểm soát cung cấp cho ai, thông tin gì và khi nào”, ông nói.
Khả năng tiếp cận thông tin mật
Đơn vị nơi Teixeira làm việc làm sáng tỏ khả năng tiếp cận thông tin tối mật của nghi phạm.
Vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây đặt ra câu hỏi khó cho chính quyền ông Biden. Ảnh: Reuters. |
Nằm trên Cape Cod, đơn vị tình báo số 102 của lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts cung cấp “thông tin tình báo, chỉ huy và kiểm soát trên toàn thế giới với độ chính xác, cùng những phi công được đào tạo, có kinh nghiệm để hỗ trợ chiến đấu viễn chinh và an ninh nội địa”, theo thông tin trên trang web.
Teixeira đã tham gia cùng với đơn vị trong một năm triển khai nghĩa vụ bắt đầu từ tháng 9/2022, theo quan chức Mỹ theo dõi vụ việc.
Vị quan chức này cho biết công việc của Teixeira là bảo vệ mạng và nghi phạm được cấp phép tiếp cận tài liệu được gọi là Thông tin mật/phân vùng nhạy cảm.
Nó sẽ cấp cho Teixeira quyền truy cập vào thông tin được định nghĩa là “liên quan hoặc bắt nguồn từ các nguồn tin tình báo, phương pháp hoặc quy trình phân tích tình báo cần được bảo vệ trong hệ thống kiểm soát truy cập chính thức” do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia thiết lập.
“Điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng tôi có hướng dẫn nghiêm ngặt”, chuẩn tướng Pat Ryder, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. “Đây là một hành động tội phạm có chủ ý, vi phạm các nguyên tắc đó”.
Cho đến nay, phản ứng công khai từ các quốc gia khác trước vụ rò rỉ vẫn tương đối im lặng.
Emily Harding, phó giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết cộng đồng tình báo “sẽ làm việc để trấn an đối tác rằng thông tin của họ được bảo vệ”.
“Các mối quan hệ đối tác tình báo lâu đời của Mỹ rất bền chặt, kiên cường và đã trải qua những điều tồi tệ hơn nhiều”, bà nói.
Điều đó có thể đúng. Tuy nhiên, những tiết lộ, như chi tiết về danh mục và phương pháp thu thập của Mỹ có thể hữu ích với các cơ quan tình báo nước ngoài, kể cả bạn bè lẫn đối thủ.
“Tôi phải phải tham gia các lớp học hoặc lấy chứng chỉ hàng năm, kể từ khi tôi có thể nhớ về việc xử lý các tài liệu mật”, trung tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, cho biết. “Thành thật mà nói, nó (vụ rò rỉ) thật đáng xấu hổ”.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.