Nghi án đồng tính của nữ VĐV Việt
Do tính chất nghề nghiệp nên các nữ VĐV cũng dần mạnh mẽ và nam tính như đàn ông. Trong làng thể thao từng có nhiều lời đồn về các cặp đôi đồng tính, nhưng đều phải chia tay vì không vượt qua được định kiến.
Tâm sự người trong cuộc
Lưu Thị Thanh, vận động viên kiêm huấn luyện viên cầu mây của Đội tuyển nữ quốc gia Việt Nam cho biết, việc các nữ cầu thủ bị đồng tính là "chuyện bình thường". Các bác sĩ của trung tâm nói riêng và các nhà nghiên cứu trên thế giới nói chung đã có những nghiên cứu cụ thể và công khai về vấn đề này.
Do tính chất nghề nghiệp, các cô gái thường xuyên phải vận động mạnh, cho nên hormon nam trong người cũng theo đó mà phát triển mạnh hơn. Dần dần, họ sẽ thấy mình mạnh mẽ và nam tính như đàn ông.
Ít ai biết cuộc sống của nữ VĐV có nhiều góc khuất (Hình minh họa) |
Chị Thanh tiết lộ: "Thực tế đã có rất nhiều cặp đôi đồng tính yêu nhau trong làng thể thao Việt, đặc biệt ở hai bộ môn cầu mây và bóng đá. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có vận động viên thể thao nữ nào vượt qua được những định kiến của gia đình, xã hội để kết hôn với người bạn tình của mình. Hầu hết họ đều chia tay trong buồn tủi, sau khi giải nghệ và trở về với cuộc sống gia đình".
Kể về một người đồng nghiệp một thời là vận động viên cầu mây dính nghi án "xăng pha nhớt", chị Thanh cho rằng: "Sự nam tính của cô ấy thể hiện rõ ràng và gần như cô ấy không hề muốn giấu diếm điều đó".
Nỗi niềm khó nói
Một nữ vận động viên đội tuyển bóng chuyền Thanh Hóa chia sẻ: "Vận động viên thể thao thường xuyên đối mặt với những chấn thương vùng kín. Không chỉ thế, sự hoạt động quá mạnh khiến hormon nam tăng trưởng nhiều. Họ mất dần những chu kì kinh nguyệt thường có trước đó, hoặc nếu có thì rất thất thường. Vì vậy, nữ vận động viên có nguy cơ vô sinh rất cao".
"Mặc dù vậy, niềm đam mê thể thao đã ngấm vào máu. Chúng tôi không thể bỏ nghề được mà chỉ cố gắng hạn chế và cầu mong mọi điều may mắn đến với mình tránh được vấn nạn đó thôi".
Cô gái này có tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ 24 tuổi nhưng cô đã gắn bó với trái bóng gần 10 năm. Và có lẽ phải 10 năm nữa cô mới nghĩ đến việc giải nghệ. Sự may mắn mà cô thường ước ao ấy nghe thật mong manh.
Thường xuyên xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình, đời sống vật chất eo hẹp trong khi sức lực và tâm huyết bỏ ra quá lớn. Đó là những nỗi khổ của các vận động viên thể thao nữ. Thế nhưng sự mất mát đó họ có thể vượt qua được. Còn việc phải đối mặt với nguy cơ bị mất đi thiên chức làm mẹ hoặc vô tình trở thành đồng tính nữ là câu chuyện đau lòng mà họ không hề mong muốn.
H. Điệp - Nam xạ thủ trong đội tuyển quốc gia - cũng hé lộ rằng đã có một số trường hợp đồng tính nữ trong các đội tuyển thể thao. "Mình được nghe kể nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về họ. Cách họ giải tỏa sinh lí bằng những hành động kỳ cục. Cánh đàn ông chúng tôi nghe vậy thấy thương nhiều hơn là lên án. Họ cũng là con người với những ham muốn bình thường. Nhưng do tính chất nghề nghiệp, phải tiếp xúc nhiều với vận động chân tay. Các đội tuyển nữ nhiều lúc sống tách biệt và không được tiếp xúc với nam. Điều đó vô tình dẫn họ đến tâm lý đồng tính như một cách để giải tỏa sinh lý cho nhau".
Đáng thương hay đáng trách?
Huấn luyện viên Lưu Thị Thanh tâm sự, khán giả nên có cái nhìn cảm thông hơn đối với những nữ vận động viên này bởi họ "đáng thương hơn là đáng trách".
Chị Hải Vân - Chuyên gia tâm lý, người đang thực hiện nghiên cứu một dự án về đồng tính nữ ở Việt Nam - nói: "Trong quá trình nghiên cứu các đối tượng đồng tính nữ trong các môn thể thao, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các cô gái vì gần gũi nhau quá trong khi sinh lý của họ quá mạnh, vì họ còn trẻ. Ban đầu, họ tự làm cho mình thỏa mãn. Sau đó, họ sẽ tìm đến nhau, rồi quen hơi bén mùi và 'nghiện' nhau lúc nào không biết".
Chị Vân nói tiếp: "Với những người bị đồng tính bẩm sinh thì có thể họ yêu trước khi quan hệ tình dục. Còn những trường hợp khác, đa số tình cảm của họ đều xuất phát từ nhu cầu thể xác. Không có loại thuốc nào chữa được bệnh này. Điều quan trọng là nhận thức của họ. Xã hội cũng nên có cái nhìn nhân văn hơn với những con người này. Không nên coi thường hay xa lánh họ”.
Ở góc độ của một chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Đinh Đoàn chia sẻ: "Hiện tượng đồng tính nữ của các cô gái thuộc ngành nghề thể thao cũng là điều dễ hiểu. Họ vận động nhiều, quen với việc tập luyện mạnh. Hơn nữa, bản thân họ cũng đã có tố chất mạnh mẽ rất nam tính rồi. Những trường hợp này, sau đó sẽ khỏi bệnh, nhưng người trong cuộc thì có lẽ khó mà quên được những ngày tháng đặc biệt ấy".
Theo Người Đưa Tin