Theo SCMP, ca sĩ Mel B của nhóm Spice Girls vừa được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch cho Nevis, một hòn đảo ở Caribbean. Đây là nơi cha cô sinh ra và lớn lên. Nữ ca sĩ dự định sử dụng vai trò mới của mình để quảng bá rộng rãi Nevis.
Việc sử dụng tên tuổi của ngôi sao nổi tiếng để giới thiệu văn hóa, lịch sử và đặc biệt là danh lam thắng cảnh, thúc đẩy du lịch đất nước không phải là điều mới mẻ. Nhiều ngôi sao đã được mời làm đại sứ du lịch nhờ tên tuổi của họ quen thuộc với người hâm mộ, ít gặp scandal.
Chris Hemsworth trong áp phích quảng bá du lịch Australia năm 2018. Ảnh: SCMP. |
Mối liên hệ giữa nghệ sĩ và du lịch
Vào những năm 2000, Thành Long xuất hiện trong chiến dịch Live It, Love It của Tổng cục Du lịch Hong Kong. Cầu thủ bóng đá người Mỹ OJ Simpson xuất hiện trong các quảng cáo truyền hình cho thuê xe hơi của Hertz vào những năm 1970. Và bắt đầu từ những năm 1984, một loạt chương trình của Ủy ban Du lịch Australia xuất hiện để thu hút du khách Bắc Mỹ đến Australia.
Mối quan hệ đối tác giữa nhãn hàng và người nổi tiếng kéo dài nhiều năm. Trong đó, người được chọn phải có sức hấp dẫn nhất định, đáng tin cậy, sạch scandal và không hành động theo cách gây tiêu cực.
Năm 2014, Chris Hemsworth cùng vợ con quyết định chuyển từ Los Angeles, Mỹ về quê hương Australia sống. Quốc gia đã hoan nghênh nam diễn viên về nước, đồng thời cho rằng không ai phù hợp hơn anh để đứng đầu chiến dịch “Chẳng nơi đâu giống Australia” vào năm 2016 để thúc đẩy du lịch. Ít lâu sau, ngôi sao Avengers xuất hiện trong quảng cáo của Tourism Australia để kích cầu du lịch.
Cầu thủ bóng đá nổi tiếng thường xuyên được mời làm đại sứ du lịch. Ảnh: SCMP. |
Một siêu sao dòng phim hành động khác của Hollywood được lựa chọn để kích cầu du lịch là tài tử Arnold Schwarzenegger. Năm 2014, sao phim Kẻ hủy diệt được trao vai trò đại sứ du lịch danh dự của thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Trong một bài phát biểu, nam diễn viên nói anh đã yêu thành phố này khi quay bộ phim Conan the Barbarian vào năm 1981. Theo SCMP, mối liên kết rất mỏng manh nhưng người dân ở Madrid rất vui với điều này.
Nói về Tây Ban Nha, một trong những câu lạc bộ bóng đá thành công nhất châu Âu là Real Madrid đã ký hợp đồng ba năm để quảng bá quê hương của họ vào năm 2011. Các siêu sao bóng đá như Cristiano Ronaldo, Kaká và Sergio Ramos đã làm đại sứ thương hiệu, tích cực quảng bá hình ảnh trên sân vận động Bernabéu với khẩu hiệu “Ghé thăm Tây Ban Nha, thăm Madrid”.
Về phía Ronaldo, anh lại có nhiều hợp đồng quảng bá du lịch riêng, trong đó có việc làm đại sứ cho hòn đảo Madeira ở Bắc Đại Tây Dương.
Mối liên hệ giữa bóng đá và du lịch đồng thời được nhìn thấy ở giải Ngoại hạng Anh. Arsenal có hợp đồng tài trợ béo bở với Visit Rwanda, trong khi đó Leicester City hợp tác với Tổng cục Du lịch Thái Lan. Mùa trước, áo của các cầu thủ có khẩu hiệu quảng bá: “Thái Lan mỉm cười cùng bạn”.
Đôi khi, người đứng ra làm nổi bật văn hóa, vẻ đẹp lịch sử, quảng bá du lịch quốc gia không phải là cầu thủ hoặc siêu sao. Đó là trường hợp của võ sĩ kiêm thượng nghị sĩ Manny Pacquiao. Ông đã làm hết sức mình để nâng tầm du lịch của Philippines. Triệu phú, golf thủ kỳ cựu người Australia Greg Norman cũng thể hiện tầm quan trọng của mình khi chính thức trở thành đại sứ du lịch tại Việt Nam.
Theo SCMP, tay vợt vĩ đại Roger Federer là người có danh tiếng “không tỳ vết”. Anh được chọn làm đại sứ du lịch cho quê hương Thụy Sỹ. Vận động viên quần vợt quảng bá du lịch nước nhà thông qua các bài đăng trên mạng xã hội nói về mẹo du lịch, đóng phim hài ngắn cùng nam diễn viên Robert De Niro.
Rắc rối của các đại sứ du lịch
Không phải tất cả đại sứ du lịch đều sạch sẽ về đời tư. Năm 2019, cầu thủ bóng đá Ronaldinho bị tịch thu hộ chiếu vì chưa nộp thuế ngay sau khi được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch cho Brazil - quê hương của anh.
Sau đó, trong chuyến thăm đến nước láng giềng Paraguay, cựu nhà vô địch World Cup đã bị giam giữ trong 5 tháng sau khi nhập cảnh vào đất nước này bằng hộ chiếu giả. Ronaldinho được trả tự do sau khi nộp phạt 90.000 USD.
Một số đại sứ du lịch lại không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Tiêu biểu là trường hợp của Naomi Campbell. Siêu mẫu người Anh từng được Kenya trao vai trò đại sứ du lịch. Song, người dân thuộc quốc gia Đông Phi cho rằng đại sứ du lịch phải là người dân của đất nước họ.
Naomi Campbell và Taylor Swift từng bị phản đối sau khi được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch. Ảnh: SCMP, NYCGO. |
Taylor Swift cũng gặp phản ứng dữ dội tương tự sau khi đảm nhận vai trò đại sứ chào đón toàn cầu của New York giai đoạn 2014-2015. Một số chuyên gia chỉ ra rằng ngôi sao gốc Pennsylvania mới chỉ sống ở thành phố này được vài tháng. Những người khác lại cho rằng ca sĩ từng đoạt giải Grammy quá nhàm chán, không thể đại diện cho thành phố được mệnh danh là Quả táo lớn.
Ngoài ra, có một số ngôi sao được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch dù đó không phải nơi họ sinh ra và lớn lên. Lang Lãng - nghệ sĩ dương cầm người Trung Quốc - được vinh danh là đại sứ du lịch văn hóa New York, Mỹ vào năm 2016. Việc bổ nhiệm được thực hiện với mục đích khuyến khích người dân từ xứ tỷ dân đến thăm thành phố.
Năm 2021, ban nhạc BTS chính thức kỷ niệm 5 năm vai trò đại sứ du lịch danh dự cho Seoul. Tuy nhiên, không ai trong số 7 chàng trai này đến từ thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Một tên tuổi lớn sinh ra ở Seoul - cụ thể là quận Gangnam - là Psy. Nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ trở thành đại sứ du lịch của Hàn Quốc vào năm 2013, sau khi ca khúc Gangnam Style nổi tiếng toàn cầu. Anh kế thừa vai trò này từ nghệ sĩ saxophone Kenny G, người sinh ra ở Seattle, Mỹ cách Hàn Quốc tận 8.000 km.