Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Trung Quốc không quảng cáo mỹ phẩm tràn lan

Thu nhập từ việc làm người đại diện nhãn hàng không hề nhỏ, song nghệ sĩ Trung Quốc rất thận trọng trong việc nhận lời quảng cáo các thương hiệu.

Trang Tài chính Sina đưa tin vụ việc nữ diễn viên Cảnh Điềm bị phạt vì quảng cáo quá lố một sản phẩm, chưa được chứng minh công dụng, là hồi chuông cảnh báo khiến các nghệ sĩ lo lắng mỗi khi nhận lời giới thiệu sản phẩm.

Theo trang này, Luật quảng cáo sửa đổi từ năm 2015 và bổ sung năm 2019 được coi là "Luật quảng cáo nghiêm khắc nhất trong lịch sử", sẽ không dung tha cho bất kỳ ngôi sao nào có hành vi vi phạm. Do đó, nghệ sĩ Trung Quốc rất thận trọng trong việc nhận quảng cáo. Họ thà kiếm ít nhưng không muốn đánh đổi danh tiếng của mình vì một sản phẩm kém chất lượng.

Nhận thù lao hàng triệu USD và những yêu cầu khắt khe

Theo ông Tinh Tinh Vương, người có thâm niên nhiều năm trong ngành giải trí, đã tiếp xúc với nhiều ngôi sao lớn để đề nghị hợp tác cùng nhãn hàng, các ngôi sao rất khó khăn trong việc tuyển chọn thương hiệu quảng cáo.

"Có tiền cũng không mời các ngôi sao hot (đỉnh lưu) nhận lời làm người đại diện", Tinh Tinh Vương nói. "Khi tôi muốn mời một ngôi sao hợp tác, tôi phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu từ hàng chục tới cả trăm trang powerpoint".

"Các nghệ sĩ yêu cầu tôi cung cấp lịch sử nhãn hàng, hoạt động trong vòng vài năm trở lại, thương hiệu này đã có những kế hoạch marketing nào, có từng gây nên phản ứng tiêu cực, scandal nào không. Nếu như có lịch sử đen, họ sẽ không chấp nhận", ông Vương nói thêm.

Năm 2021, từng diễn ra một chiến dịch tẩy chay các thương hiệu do vướng tranh cãi chính trị.

Nhiều nhãn hàng như H&M, Dolce & Gabbana, Versace, Givenchy, Balenciaga hay Coach bị các ngôi sao Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, siêu mẫu Lưu Văn và Dịch Dương Thiên Tỉ đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay khi tranh cãi nổ ra. Nếu nghệ sĩ nào không hủy hợp đồng sẽ bị công chúng chỉ trích, do đó, các ngôi sao Trung Quốc yêu cầu rất cao khi tìm hiểu về nhãn hàng mà họ sẽ đại diện.

Bên cạnh đó, các ngôi sao còn muốn biết người đại diện trước của nhãn hàng này là ai.

"Nghệ sĩ rất quý trọng danh tiếng của mình. Nếu thương hiệu này nhỏ, người đại diện trước đó là ngôi sao ít tiếng tăm, họ sẽ do dự không nhận. Vì như vậy, họ sẽ hạ thấp giá trị của mình, bị chê trách là người tham lam, chỉ muốn bào tiền người hâm mộ nên chấp nhận quảng cáo cho mọi mặt hàng", Tinh Tinh Vương chia sẻ.

Khi đã thỏa mãn các yêu cầu trên, nhãn hàng còn phải đưa ra được kế hoạch chi tiết về chiến dịch marketing. Trong đó, ngôi sao yêu cầu phải có biển quảng cáo tại các trung tâm thương mại, nhà ga, tàu điện ngầm, sân bay tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến...

Nghệ sĩ yêu cầu nhãn hàng liệt kê rõ họ sẽ phải thực hiện bao nhiêu TVC trong thời gian làm đại diện, các TVC này có được chiếu trên tivi hay không, sẽ phải đăng bao nhiêu bài quảng cáo, livestream giới thiệu sản phẩm bao nhiêu lần.

Theo Tinh Tinh Vương, mức thù lao cho các nghệ sĩ lớn như Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch, Dịch Dương Thiên Tỉ,... lên tới hàng chục triệu NDT/năm (khoảng từ 2 triệu USD). Đây là số tiền rất lớn, ngôi sao yêu cầu nhiều, song bù lại họ có lượng người hâm mộ hùng hậu sẵn sàng chi tiền để ủng hộ thần tượng, danh tiếng của ngôi sao đẹp sẽ giúp nâng tầm sản phẩm.

Đánh mất danh tiếng nếu vi phạm luật quảng cáo

Theo trang Tài chính Sina, do các ngôi sao nhận thù lao lớn, nên trách nhiệm của họ cũng ngày một nhiều.

Luật sư Mạnh Bác, thuộc Sở luật sư Bắc Kinh chia sẻ với Tân Kinh nhật báo: "Nếu người đại diện cho một thương hiệu vi phạm luật quảng cáo, cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành chính".

Trong Luật quảng cáo của Trung Quốc cũng nêu rõ:

1. Không được phép nhận hợp đồng quảng cáo cho thương hiệu nếu chưa từng sử dụng sản phẩm.

2. Nếu quảng cáo hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến tính mạng, khiến sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, người đại diện cũng phải chịu các trách nhiệm liên quan.

3. Người đại diện biết rõ sản phẩm có vấn đề, nhưng vẫn giới thiệu tới người tiêu dùng, tạo thành hậu quả, người đại diện cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm.

Theo Luật quảng cáo của Trung Quốc, đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm. Do đó, các ngôi sao rất khắt khe trong việc lựa chọn nhãn hàng vì lo sợ sẽ ảnh hưởng lớn tới danh tiếng, sự nghiệp, nếu nổ ra scandal.

Ngày 28/5, nữ diễn viên Cảnh Điềm bị cơ quan giám sát thị trường thành phố Quảng Châu xử phạt 7,2 triệu NDT (hơn 1 triệu USD) do vi phạm luật quảng cáo. Theo Hoàn Cầu, ngôi sao sinh năm 1988 tiếp thị cho sản phẩm "thần kỳ hóa" về công dụng.

Trong khi đó, Luật quảng cáo nêu rõ: "Trừ thuốc và các dụng cụ y tế, các sản phẩm khác không được nói về chức năng chữa bệnh".

Tỏ ra hối lỗi, Cảnh Điềm vẫn chịu tác động nặng nề sau khi bê bối quảng cáo trái phép bị phanh phui. Theo Sina, ngoài nộp phạt hành chính, không được nhận quảng cáo mới trong 3 năm. Cảnh Điềm còn bị các nhãn hàng nhãn hàng như Dior, Ánh Trăng Xanh cắt đứt luôn quan hệ hợp tác. Họ xóa bài quảng bá liên quan đến ngôi sao Tư Đằng trên trang chủ.

163 đánh giá Cảnh Điềm đánh mất giá trị cũng như hình ảnh của một nghệ sĩ khi nhận lời quảng cáo sản phẩm tràn lan. "Cảnh Điềm trả giá cho thái độ nhắm mắt nhận tiền", 163 bình luận.

Trước Cảnh Điềm, nam diễn viên hài Lý Đản bị phạt 135.000 USD vì quảng cáo nội y phụ nữ bằng từ ngữ thô tục, xúc phạm nhân phẩm và phân biệt giới tính. Trên trang cá nhân, Lý Đản tuyên bố "áo ngực là công cụ giúp phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp". Bài quảng cáo của anh gây bức xúc trong dư luận.

Trước đó, Mã Y Lợi gây phẫn nộ khi đại diện cho thương hiệu trà sữa nằm trong đường dây lừa đảo quy mô lớn với số tiền trục lợi bất chính lên đến 700 triệu NDT (105 triệu USD). Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, quảng cáo cho thương hiệu, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị Đội Kinh tế Thượng Hải điều tra.

"Tôi đã hào hứng nhận quảng cáo mà không tra xét kỹ uy tín của thương hiệu nhận hợp tác. Thiếu sót của tôi và nhân viên gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. Tôi sẽ cẩn trọng hơn và thành thật xin lỗi những ai cảm thấy không hài lòng, hay bị tổn thất vì vụ việc", Mã Y Lợi chia sẻ.

Dù xin lỗi, scandal này vẫn trở thành vết nhơ trong danh tiếng của các nghệ sĩ, cũng khiến công chúng có cái nhìn không hay về họ.

Cục quản lý và giám sát thị trường quận Hải Điền, Bắc Kinh cho biết sắp tới các cơ quan chức năng càng đẩy mạnh tăng cường giám sát việc người nổi tiếng nhận quảng cáo, các biện pháp trừng phạt mạnh hơn cũng được nghiên cứu để Luật quảng cáo được chấp hành nghiêm chỉnh.

"Một số người nổi tiếng nhận quảng cáo nhưng không có hợp đồng đại diện cụ thể nhằm trốn tránh trách nhiệm, cũng sẽ bị điều tra và trừng phạt", đại diện Cục quản lý và giám sát thị trường Bắc Kinh chia sẻ.

Kỹ xảo phim truyền hình Trung Quốc thụt lùi

Bộ phim "Bằng lan nhất phiến phong vân khởi" bị chê bối cảnh giả, kỹ xảo kém cỏi.

Cảnh Điềm hạn chế hoạt động sau khi bị phạt 1 triệu USD

Cảnh Điềm hiện tại hạn chế xuất hiện, chăm chỉ đóng phim. Giới chuyên môn nhận định danh tiếng của nữ diễn viên bị ảnh hưởng sau khi bị phạt.

Thực trạng diễn viên Trung Quốc bất tài vẫn đắt show

Nhiều nhà sản xuất phim Trung Quốc tuyển chọn diễn viên cho các dự án cổ trang thần tượng chỉ đặt nặng ngoại hình, không đề cao diễn xuất.

Lễ cưới kín đáo của sao nữ 'Minari'

Han Ye Ri lập gia đình nhưng không tổ chức hôn lễ rình rang. Nữ diễn viên được biết đến nhiều qua bộ phim "Minari".

Đồ Nam

Bạn có thể quan tâm