Cuộc triển lãm đầu tiên của Hội các Nghệ sĩ, Họa sĩ, Điêu khắc gia và Nhà in khắc tranh ẩn danh, được tổ chức trong một studio của một nhiếp ảnh gia vào tháng 4 năm 1874. Mặc dù lúc đó phần lớn các nghệ sĩ này đã quen với việc tác phẩm của họ bị chê bai, không ai đoán trước được sự thù địch gay gắt mà nhiều người trong số họ nhận được.
33 nghệ sĩ tập hợp cho cuộc triển lãm này nhằm thoát khỏi việc bị Salon cô lập. Manet tránh, nhưng phần lớn Nhóm Batignolles đã trưng bày [tác phẩm], gồm có Renoir, Monet, Sisley, Pissarro, Cézanne, Degas, Armand Guillaumin (1841-1927) và Berthe Morisot (1841-1895).
Tuy nhiên, đa số những người trưng bày không có liên hệ với họ, mà là đã tham gia Hội các Nghệ sĩ ẩn danh, chào đón bất cứ ai trả 60 franc mỗi năm. Nhiếp ảnh gia Nadar (1820-1910) cho họ mượn studio, tại số 35 đại lộ Capucines. Cầu thang chạy dọc các tầng dẫn từ đường phố lên một loạt phòng rộng trên hai tầng gác.
Danh mục và ủy ban
Edmond, em của Renoir, đã soạn danh mục của triển lãm, khiến anh mắc vào một số rắc rối. Degas đến phút cuối cùng mới mang tranh tới, còn Monet thì lặp lại tên tranh của ông.
Monet sau đó nhớ lại một sự cố về một trong những bức tranh của ông vẽ Le Havre mô tả một Mặt Trời lờ mờ phản chiếu trên biển. “Tôi được yêu cầu lấy một cái tên cho vào danh mục, tôi không thể gọi nó là một cảnh Le Havre, nên tôi nói cứ gọi nó là Ấn tượng”.
Trong danh mục, Edmond Renoir đã ghi tên bức tranh là: Ấn tượng, Mặt Trời mọc. Renoir là chủ tọa ban xét duyệt tranh, nhưng thực tế mọi người để ông một mình sắp xếp cuộc trưng bày. 165 tác phẩm triển lãm quá khác biệt nhau đến nỗi Renoir phải vất vả quyết định chọn treo chúng với ít nhiều nhất quán. Ông bố trí các bức tranh, không nhiều hơn hai hàng xét về chiều sâu khi trưng bày, theo trình tự kích cỡ và thứ tự tên nghệ sĩ vẽ chúng.
Bức tranh Ấn tượng, Mặt Trời mọc của Monet. |
Cuộc triển lãm đầu tiên
Từ 10 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1874, triển lãm mở trong một tháng, thời gian được tính toán để lôi kéo sự chú ý khỏi Salon. Nó mở liên tục đến 10 giờ tối, chỉ nghỉ một quãng từ 6 đến 8 giờ tối.
Giống Salon của Những kẻ bị khước từ năm 1863, triển lãm khá đông khách thăm thú nhưng lại một lần nữa, phần lớn họ phá ra cười.
Các nhà phê bình khá khinh thường tác phẩm của các họa sĩ Batignolle, chủ yếu về sự thiếu chính xác và các đối tượng quá “bình thường” của chúng.
10 ngày sau khi mở cửa, nhà báo châm biếm Louis Leroy (1812-1885) đã đăng một bài báo đầy khinh miệt trên tạp chí Le Charivari, với tít bài “Cuộc triển lãm của những kẻ Ấn tượng”, dựa trên tên bức tranh vẽ cảnh Le Havre của Monet.
Một nhà phê bình khác viết: “Salon của Những kẻ bị khước từ khét tiếng, không thể nhớ lại nó mà không phì cười... là một Louvre so với cuộc triển lãm trên đại lộ Capucines”.
Trong khi các nhà phê bình xuất sắc không thật sự viết bài phê bình triển lãm, thì một số là bạn bè của các họa sĩ viết bài ủng hộ.
Khi triển lãm đóng cửa vào ngày 15 tháng 5, 3.500 khách đã ghé thăm - so với số lượng 400.000 người đến xem Salon. Về mặt thương mại, triển lãm đã thất bại vì các nghệ sĩ đã không kiếm đủ để trang trải chi phí, nhưng về mặt lịch sử, nó đã giới thiệu họ ra mắt trước công chúng.
Những bức tranh được khen
Renoir bày sáu bức sơn dầu và một bức phấn màu, và nhiều người khen tranh của ông. Chỉ có một phê bình tiêu cực đến từ Leroy, về bức Vũ nữ (The Dancer) của ông rằng đôi chân của cô “trông như bông, như mạng may váy của cô ấy”.
Renoir chỉ bán được một bức với giá 180 franc, nhưng ông thấy nhẹ nhàng hơn khi bán được một bức khác sau khi triển lãm đóng cửa.
Mùa hè năm đó, một chuyện hiểu lầm đã xảy ra với gia đình Le Coeur, nghe đồn do một lá thư ngắn Renoir viết cho cô con gái 16 tuổi của Charles Le Coeur.
Dù sự thật thế nào, tình bạn 10 năm đột ngột chấm dứt. Renoir mất sự giúp đỡ của gia đình này cũng như những cơ hội đến ở với họ và vẽ gần căn nhà của họ ở Fontainebleau.