Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Charles-Édouard Hocquard) ghi lại những điều tai nghe mắt thấy của tác giả người Pháp khi tới Bắc Kỳ trong hai năm (1884-1886). Sách mô tả cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục… qua ghi chép, hình ảnh, trở thành nguồn tư liệu sinh động về nước ta hơn 100 năm trước.
Được sự đồng ý của Đông A - đơn vị phát hành tác phẩm qua bản dịch của Đinh Khắc Phách - Zing trích đăng một phần nội dung sách.
…mấy nghề nho nhỏ bản địa khiến thành phố Hà Nội đẹp như tranh vẽ. Đáng chú ý hơn cả trong các nghề ấy là nghề cạo mặt - lấy ráy tai và nghề xoa bóp.
Những người ấy chọn một góc phố trước một cửa hàng đông khách để hành nghề. Và kia, như một thư ký sinh thực thụ, họ ngự dưới mái nhà chìa ra phố của cửa hiệu bị họ che khuất.
Thợ cạo lấy ráy tai qua ảnh chụp, tranh khắc. Ảnh chụp từ sách. |
Đồ nghề của họ hết mức đơn giản: Một con dao cạo lưỡi ngắn và rộng, sống dày và cực sắc, cắm trong chiếc cán tre, rồi đến những dụng cụ nhỏ đựng trong ống tre để lấy ráy tai: Mấy đoạn dây thép một đầu quấn bông, một chiếc nạo giống của châu Âu, một que đồng thau, một đầu gắn viên thủy tinh nhỏ nhiều tác dụng.
Nhà nghệ sĩ cạo mặt khô rất nhanh vì khách hàng chỉ có mấy sợi lông lơ thơ và mảnh như mọi đồng loại nên đâu có khó khăn gì. Thợ và khách mỗi người cưỡi một đầu chiếc ghế gỗ dài, đối diện nhau. Khách quan sát lưỡi dao lướt trên mặt mình trong chiếc gương nhỏ cầm ở bàn tay trái.
Râu cạo xong nhanh, thêm mỗi bên thái dương một đường dao nữa là việc cạo kết thúc. Giai đoạn hai bắt đầu và là quan trọng nhất. Hãy xem người thợ chuẩn bị đồ nghề cẩn thận thế nào, thử từng thứ vào ngón tay mình, bố trí cách ngồi cho khách, xem xét ống tai, vành tai từng bên, tóm lại là để tường tận đến từng chi tiết cái vùng mình sẽ thao tác.
Bắt đầu anh ta dùng nạo gãi kĩ càng rồi dùng que bông ngoáy vào ba cái. Cuối cùng anh ta lùa quả thủy tinh tròn vào tận màng nhĩ rồi thận trọng xoay nhè nhẹ. Đây là thời điểm thú vị nhất của khách, cặp mắt lim dim, vẻ thỏa mãn vì khoái cảm hiện rõ trên nét mặt.
Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, Đinh Khắc Phách dịch, NXB Văn học và Đông A phát hành. Ảnh: Đông A. |
Bổ túc cho nghề cạo mặt - lấy ráy tai là nghề xoa bóp. Hai loại nghề này chung sống hữu nghị với nhau. Cạo mặt - lấy ráy tai xong là đến lượt xoa bóp. Đó là tiến trình săn sóc bản thân của người An Nam.
Việc xoa bóp bắt đầu từ mặt khách hàng. Ngón tay cái của người thợ thận trọng day nhẹ lên mọi chỗ trên khuôn mặt, lắc nhẹ mũi, lăn da lông mày nhiều lần, véo nhẹ dái tai cho thông máu, dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhãn cầu trên hàng mi khép.
Tiếp đến là xoa bóp hai tay, xem xét tỉ mỉ từng ngón tay, bẻ cho các đốt xương kêu cùng cục, rồi đến cánh tay, thân mình và đến chi dưới thì xoa bóp mạnh hơn.
Cuối cùng, anh ta véo nhẹ vào từng bên má bật ra tiếng kêu nhỏ tanh tách khiến khách hàng dường như đang lơ mơ ngủ, giật nẩy cả mình.
Và các bạn biết tất cả sự phục vụ chu đáo, tế nhị diễn ra gần nửa giờ đồng hồ ấy được thù lao bao nhiêu không? Tôi trông rõ sáu đồng kẽm (tương đương năm centime) được đặt vào bàn tay của các nghệ sĩ đang tỏ ra hài lòng. Các đồng nghiệp ở châu Âu sẽ nói sao đây?