Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cùng con mở cửa kho tàng ngôn ngữ và khám phá văn hóa thế giới

"Từ điển cảm xúc cho bé" vừa giúp bé tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn, thấu hiểu cảm xúc bản thân, vừa là hành trình phiêu lưu của bố mẹ và con vào thế giới ngôn từ.

Thế giới cảm xúc của trẻ bao giờ cũng phong phú, phản ánh những bài học nhận biết về chất liệu, màu sắc của vạn vật xung quanh. Thế nhưng, đôi khi bé lại rơi vào tình huống khó khăn trong việc truyền tải cảm xúc của mình đến mọi người.

Từ điển cảm xúc cho bé là cuốn sách giúp thiếu nhi mở khóa ngôn ngữ, từ đó có thể định nghĩa, gọi tên đúng nhất những trạng thái cảm xúc của mình.

Tu dien cam xuc cho be anh 1

Sách Từ điển cảm xúc cho bé. Ảnh: Ái Nhi.

Gọi tên cảm xúc, khám phá văn hóa

Những từ ngữ mới lạ mô tả rất nhiều cảm xúc, hành động, tình cảm khác nhau mà bố mẹ có thể dạy cho các bé, gieo những hạt mầm đầu tiên vào tâm trí trẻ thơ, giúp bé yêu ngôn ngữ, chăm đọc sách, ngày càng hiểu biết cuộc sống và yêu thế giới này.

Cùng sự lớn lên về thể chất, nhận thức của bé về thế giới xung quanh cũng được mở rộng ra vô tận. Mỗi ngày bé quan sát, tiếp xúc rất nhiều sự vật và tình huống, từ đó sẽ có hàng loạt trạng thái cảm xúc được thành hình.

Bên cạnh những trạng thái quen thuộc như “buồn”, “vui”, “ngạc nhiên”, “hứng thú”, trong rất nhiều tình huống, bé vẫn mơ hồ về cảm xúc đang hiện hữu, khó lòng gỡ rối.

Từ điển cảm xúc cho bé là cánh cửa mở ra, mà ở đó bố mẹ và bé cùng bước vào để khám phá kho tàng ngôn ngữ thế giới, giúp con diễn đạt trọn vẹn cảm xúc của mình.

Sách tập hợp hơn 70 từ ngữ mô tả các cảm xúc, hành động, văn hóa khác nhau từ nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Pháp, Bồ Đào Nha… và được chia thành 4 chủ đề quen thuộc: Gia đình và bạn bè; Cảm xúc, cảm giác; Hành động - Hài hước; Cuộc sống.

Tại đây, bé sẽ được gặp một phiên bản của chính mình, thậm chí là như “đi guốc trong bụng” với những suy nghĩ, cảm xúc quen thuộc hàng ngày, hàng giờ diễn ra nhưng mãi vẫn không biết gọi tên ra sao.

Tuy nhiên, không đơn thuần và khô khan như một cuốn từ điển thông thường, với Từ điển cảm xúc cho bé, bố mẹ và bé sẽ cùng du lịch qua trang sách với kho tàng ngôn ngữ, cảm xúc và văn hóa đến từ nhiều quốc gia.

Dưới hình thức như một cuộc trò chuyện, tác giả đã thủ thỉ đầy đủ và cặn kẽ nghĩa của các từ. Sẽ có lúc bé thấy mình thật thông thái vì có những từ ngữ mang quá nhiều hàm ý và cảm xúc, phải là người bản địa mới có thể hiểu được, thì trong cuốn sách này, bé đã được tác giả bật mí. Quan trọng, bé thấy ngôn ngữ không hề khô khan như việc mọi người thường gắn mác.

Chẳng hạn, một cảm giác mà bất kỳ bé nào cũng từng trải qua ít nhất một lần. Cảm giác này hay đến vào những buổi sáng trời se lạnh, thời tiết rất thích hợp để ngủ nướng, nhưng oái oăm là tới giờ đi học.

Bé thực sự không muốn rời xa cái giường chút nào. Trong ngôn ngữ của người Hy Lạp, cảm giác muốn nằm hoài trên giường được gọi tên là “Clinomaia”.

Hoặc từ “Bỏ ống heo” xuất phát ngay từ đất nước Việt Nam. Hàng ngày bé quá quen với việc “bỏ ống heo” nhưng bé đã biết việc tại sao người ta khuyến khích bỏ tiền tiết kiệm vào con heo đất thay vì con gà đất hay con mèo đất? Thắc mắc này đã được nhóm tác giả giải đáp giúp bé.

Đặc biệt hơn, bé còn được mở mang về câu chuyện văn hóa khi cuốn sách cho biết thói quen “bỏ ống heo” không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện nhiều quốc gia trên thế giới, từ thời Trung cổ. Để chiêm ngưỡng chiếc ống heo đầu tiên trên thế giới, bé có thể tìm đến Bảo tàng Quốc gia Indonesia.

Tu dien cam xuc cho be anh 2

Một trang trong sách. Ảnh: Ái Nhi.

Giúp người lớn hiểu hơn về thế giới trẻ em

Không chỉ mở rộng trường ngôn ngữ cho con, Từ điển cảm xúc dành cho bé còn giúp người lớn hiểu hơn về thế giới trẻ em thông qua việc cùng bé gọi tên cảm xúc.

Trẻ em lúc nào cũng quan sát thật nhiều và có những cái nhíu mày đầy suy tư, còn người lớn thì luôn tò mò biết xem trẻ em đang nghĩ gì. Và có lẽ không gì tốt hơn bằng việc cùng trẻ đồng hành trong hành trình phiêu lưu, khám phá những gì các em nhìn thấy, cảm nhận, suy nghĩ thường trực.

Chỉ khi cùng bé thấu rõ cảm xúc, bố mẹ mới giúp các em phát triển kỹ năng sống tốt hơn.

Lấy ví dụ, từ ngữ “Habseligkeiten” - danh từ trong tiếng Đức diễn tả một trạng thái rằng có những thứ vốn vô nghĩa với người lớn nhưng lại là kho báu với trẻ con.

Chẳng hạn như khi bé nhặt được một viên đá rất đặc biệt. Bé nghĩ rằng hẳn nó phải đến từ một xứ sở lạ kì nào đó. Nhưng bố mẹ thì không nghĩ thế.

Bố mẹ cho rằng đây chỉ là một viên đá thôi. Một vật đó đối với bé là kho báu quý giá, nhưng người lớn không nghĩ như vậy. Và trong từ điển tiếng Đức, “Habseligkeiten” là từ ngữ “đồng minh” thấu hiểu cho cảm giác của bé.

Tác giả của Từ điển cảm xúc dành cho bé là nhóm Chuyện. Bắt đầu từ một fanpage ra đời năm 2014, Chuyện là nhóm ba bạn trẻ thích ngôn ngữ, thích dịch những từ ngữ mới lạ của các quốc gia trên thế giới.

Trước đó, Chuyện đã thành công với 2 quyển sách Từ điển cảm xúc thế giới tập 1 và tập 2.

Bên cạnh việc chăm chút, gọt giũa về ngôn từ, câu chữ, Từ điển cảm xúc dành cho bé còn được chú trọng về mỹ thuật và công nghệ in ấn.

Sách được in khổ lớn, minh họa sinh động bởi họa sĩ Trần Thùy My, hấp dẫn bé trong chuyến khám phá ngôn ngữ cảm xúc và văn hóa nước bạn.

'Teen ơi, làm bạn nhé' - dạy con trai đừng đòi công bằng với bạn gái

Trong cuốn "Teen ơi, làm bạn nhé", TS Vũ Thu Hương nhắn nhủ các bà mẹ dạy con trai chấp nhận sự thiếu công bằng với nữ giới để trở thành chàng trai nam tính, ga lăng, hấp dẫn.

Ái Nhi

Bạn có thể quan tâm