Hồi ký Permanent Record của cựu điệp viên Edward Snowden phát hành tháng 9/2019 đã tạo nên cơn địa chấn trong lịch sử tình báo Mỹ. Sách vừa phát hành tại Việt Nam với tên Bị theo dõi.
Được sự đồng ý của Phan Book (đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Trích đoạn dưới đây mô tả lại khoảng thời gian Edward Snowden làm việc trong “đường hầm tình báo” của NSA (National Security Agency, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ).
Tất nhiên điều này đâu phải là lý do Lindsay (Lindsay Mills - người tình của Edward Snowden) và tôi đến Hawaii. Chúng tôi không lặn lội đến chốn thiên đường này chỉ để cho tôi có thể vứt bỏ cuộc sống của hai đứa vì một nguyên tắc.
Chúng tôi đã đến để làm lại từ đầu. Làm lại từ đầu một lần nữa.
Snowden trong một cuộc phỏng vấn không được tiết lộ địa điểm. Ảnh: Barton Gellman/Getty Images. |
Cuộc sống Hawaii
Các bác sĩ bảo tôi rằng khí hậu và lối sống thoải mái hơn ở Hawaii có thể có ích cho bệnh động kinh của tôi, vì thiếu ngủ được cho là nguyên nhân hàng đầu của các cơn động kinh.
Ngoài ra, việc chuyển sang Hawaii sẽ loại trừ được vấn đề lái xe: “The Tunnel” nằm trong phạm vi đi xe đạp được từ nhiều cộng đồng ở Kunia, trung tâm yên tĩnh của vùng đất đỏ, khô ráo nằm trong hòn đảo này.
Quãng đường hai mươi phút đạp xe đi làm là một chuyến đi dễ chịu, băng qua những cánh đồng mía dưới ánh nắng rực rỡ. Với những ngọn núi vươn cao bình thản trên nền trời xanh trong vắt xa xa, tâm trạng u ám của mấy tháng vừa qua đã tan biến như sương mù buổi sáng.
Lindsay và tôi đã tìm thuê được một ngôi nhà gỗ kiểu bungalow khá rộng rãi trên đường Eleu ở khu Royal Kunia của Waipahu, nơi chúng tôi trang bị bằng đồ đạc chuyển từ Columbia, Maryland sang, vì hãng Dell chịu chi phí dọn nhà.
Nhưng đồ đạc trong nhà ít được dùng tới vì ánh nắng và sức nóng thường khiến chúng tôi bước vào cửa là cởi quần áo và nằm trần truồng trên tấm thảm bên dưới chiếc máy lạnh chạy hết công suất.
Cuối cùng, Lindsay biến ga-ra thành một phòng tập thể dục, trải kín những tấm thảm tập yoga và gắn cây cột xoay mà cô ấy đã mang từ Columbia sang. Tôi thiết lập một máy chủ Tor mới.
Chẳng mấy chốc, luồng truy cập từ khắp nơi trên thế giới đã kết nối Internet thông qua chiếc máy tính xách tay đặt trong phòng giải trí ở nhà tôi, tiếng ồn ở phòng này có lợi ích phụ trợ là che giấu hoạt động Internet của chính tôi.
Một đêm trong suốt mùa hè tôi tròn hai mươi chín tuổi, Lindsay rốt cuộc đã thuyết phục được tôi cùng đi với cô ấy tham dự một lễ luau của dân địa phương.
Cô ấy đã thúc giục tôi chuyện này một thời gian rồi, bởi vì một vài người bạn trong hội thể dục múa cột của cô ấy có khả năng múa điệu hula dân gian, nhưng tôi vẫn không chịu. Lúc đó tôi thấy làm thế chẳng khác gì một kiểu du lịch thô bỉ, và trong phương diện nào đó, là thiếu tôn trọng.
Hawaii có nền văn hoá lâu đời, và mặc dù truyền thống ấy vẫn mạnh mẽ; tôi không hề muốn quấy rối một nghi lễ thiêng liêng của ai đó.
Nhưng cuối cùng tôi đã chịu thua Lindsay. Tôi rất vui vì điều đó. Điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là bản thân nghi lễ luau - mặc dù nó rất giống một cảnh tượng múa lửa quay cuồng - mà là ông già đang tổ chức buổi chầu lễ gần đó trong một sân khấu lộ thiên nhỏ bên bờ biển.
Ông ta là một người Hawaii bản địa, một người uyên bác nói giọng mũi nhẹ nhàng của người vùng đảo, ông đang kể cho một nhóm người tụ tập quanh đống lửa những truyền thuyết về sự ra đời của các dân tộc bản địa vùng đảo này.
Sách Bị theo dõi do Đăng Thư dịch. Ảnh: Phanbooks. |
Khom lưng trước đại dương trống trải
Một câu chuyện tôi nhớ mãi nói về mười hai hòn đảo linh thiêng của các vị thần. Ngày xưa ở Thái Bình Dương hình như đã có mười hai hòn đảo hết sức xinh đẹp và được ban cho nguồn nước ngọt tinh khiết đến nỗi phải giấu kín không cho con người biết, nếu không con người sẽ phá hỏng chúng đi.
Trong số đó có ba hòn đảo đặc biệt tôn kính là: Kane-huna-moku, Kahiki và Pali-uli. Các vị thần may mắn ngự ở các đảo này đã quyết định giấu chúng đi, bởi vì họ tin rằng con người chỉ cần nhìn thấy vật báu này là đủ phát điên.
Sau khi cân nhắc rất nhiều kế hoạch tài tình để che giấu các hòn đảo này, bao gồm nhuộm chúng thành màu của biển, hoặc cho chúng chìm xuống đáy đại dương, cuối cùng các thần quyết định làm cho chúng bềnh bồng trên không.
Khi các hòn đảo đã ở trên trời, chúng bị thổi từ nơi này sang nơi khác, liên tục chuyển động. Nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn, bạn có thể tưởng chừng như nhận ra một hòn đảo lơ lửng ở xa tít phía chân trời.
Nhưng ngay khi bạn chỉ cho bất kỳ ai thấy, nó sẽ đột ngột biến mất hoặc hoá thành một hình thù hoàn toàn khác, chẳng hạn như một chiếc bè bằng đá, một khối nham thạch phun trào từ một hoả diệm sơn - hay một đám mây.
Tôi đã nghĩ về huyền thoại đó rất nhiều trong lúc tiến hành tìm kiếm. Những chứng cứ tiết lộ mà tôi đang theo đuổi cũng giống hệt như những hòn đảo kia: Những vật cất giữ kỳ lạ mà một nhóm người cai trị tự phong, tự cho là quan trọng, tin rằng phải được giấu kín không cho loài người biết.
Tôi muốn biết chính xác NSA có những khả năng giám sát nào; chúng có mở rộng ra ngoài các hoạt động giám sát thực tế của cơ quan này hay không và mở rộng tới đâu; ai phê duyệt chúng; ai biết về chúng; và, cuối cùng nhưng chắc chắn không kém quan trọng, các hệ thống này - cả kỹ thuật và thể chế - thật sự hoạt động ra sao.
Ngay lúc tôi nghĩ rằng mình đã phát hiện ra một trong những “hòn đảo” đó - một mã danh viết hoa nào đó mà tôi không hiểu, một chương trình nào đó được nhắc đến trong một ghi chú nằm ở cuối một báo cáo - tôi thường truy lùng thêm các đề cập liên quan về nó trong các tài liệu khác, nhưng không tìm thấy gì.
Cứ như thể chương trình tôi đang tìm kiếm đã bềnh bồng tránh xa tôi và biến mất. Rồi vài ngày sau, hoặc vài tuần sau, nó có thể lại xuất hiện dưới một mã chỉ định khác, trong một tài liệu từ một bộ phận khác.
Có lúc tôi tìm được một chương trình mang một cái tên dễ nhận biết, nhưng không thấy lời giải thích về những chức năng của nó.
Lúc khác, tôi chỉ tìm thấy một lời giải thích mà không nêu ra một cái tên nào, không hề có dấu hiệu gì cho biết cái khả năng mà nó mô tả là một chương trình đang hoạt động hay một khát vọng muốn đạt được.
Tôi đã gặp phải không biết bao nhiêu là ngăn tài liệu nằm trong ngăn tài liệu, cảnh báo nằm trong cảnh báo, tham chiếu nằm trong tham chiếu, chương trình nằm trong chương trình.
Đây là bản chất của NSA - với mục đích là không cho tay trái biết tay phải đang làm gì.
Ở một phương diện nào đó, việc tôi đang làm khiến tôi nhớ đến một bộ phim tài liệu đã từng xem về cách vẽ bản đồ - nhất là cách vẽ các bản hải đồ thời xưa, trước khi có kỹ thuật ảnh số và định vị toàn cầu.
Các thuyền trưởng sẽ luôn ghi nhật ký hải trình và ghi chú các toạ độ mà tàu của họ đi qua, đó là những thông tin để cho những người vẽ bản đồ - những người ngồi trong đất liền - sau đó sẽ cố gắng diễn giải.
Thông qua việc tích luỹ dần dần nguồn dữ liệu này, suốt hàng trăm năm, con người dần biết rõ toàn bộ phạm vi của Thái Bình Dương và xác định được tất cả hòn đảo của nó.
Nhưng tôi không có hàng trăm năm hoặc hàng trăm con tàu. Tôi chỉ có một mình, một kẻ khom lưng trước một mặt đại dương xanh trống trải, cố gắng tìm hiểu xem cái đốm đất khô ráo duy nhất này, cái điểm dữ liệu duy nhất này, thuộc về đâu trong mối liên quan với mọi thông tin khác.