Năm nay, toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven (1770-2020) với nhiều hoạt động ý nghĩa. Ở Việt Nam, Công ty sách Omega Plus cùng NXB Dân Trí phát hành cuốn sách Beethoven - Âm nhạc và cuộc đời.
Cuốn sách của nhà nghiên cứu âm nhạc Mỹ Lewis Lockwood khắc họa Beethoven với hình ảnh chân thật về con người và sự nghiệp âm nhạc.
Hôm 21/6, một cuộc trò chuyện về tác phẩm đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của nhạc sĩ Dương Thụ, dịch giả Lê Ngọc Anh (đồng sáng lập diễn đàn nhaccodien), dịch giả Mai Đức Hạnh và người hiệu đính Trang Trịnh (nghệ sĩ piano).
Các diễn giả đã thảo luận về những câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven.
Sách Beethoven - Âm nhạc và cuộc đời. |
Vượt đau đớn để sáng tác
Nhiều người đã biết Beethoven là nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, mở đường từ thời kỳ âm nhạc cổ điển chuyển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại, nổi tiếng, ảnh hưởng tới nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, khán giả sau này.
Tuy vậy, cuộc đời của ông chịu nhiều đau đớn. Tác giả viết trong sách: “Việc dồn hết tâm trí vào nghệ thuật mãnh liệt đến mức phần cuộc sống còn lại của ông có xu hướng quy gọn thành cuộc đấu tranh cho trạng thái cân bằng, trong đó áp lực công việc có thể khiến cuộc sống gần như héo mòn”.
Năm 5 tuổi, Beethoven bị viêm tai giữa, đó có thể là nguyên nhân khiến ông bị điếc về sau này. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra Beethoven chịu tác động rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì từ năm 20 tuổi (theo công bố của Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Chicago, Mỹ, năm 2005 khi phân tích một mẫu xương sọ của Beethoven). Cũng từ năm 20 tuổi, ông thường đau bụng mà không rõ nguyên nhân.
Từ 30 tuổi, thính giác của ông bắt đầu gặp vấn đề, ngày càng tồi tệ hơn, cuối cùng không thể cữu vãn. Năm 1819, ông bị điếc hoàn toàn, không thể trình diễn hay chỉ huy dàn nhạc được nữa. Việc giao tiếp với mọi người cũng rất khó khăn.
Đi ngoài phố, gặp một người quen, ông lấy bút và cuốn sổ bé ra rồi nói đại ý “muốn nói chuyện với tôi thì viết ra trên giấy”. Ngoài 50 tuổi, trong đau đớn, Beethoven vẫn sáng tác, viết thư cho mọi người.
Cuốn sách Beethoven - Âm nhạc và cuộc đời là nỗ lực nhằm khắc họa chân thực nhất Beethoven - con người và nghệ sĩ, tập trung âm nhạc nhưng cũng chú trọng con người, hoàn cảnh của ông.
Vượt lên mọi đau đớn, Beethoven tận hiến cho nghệ thuật. Ông từng nói: “Chỉ có nghệ thuật và khoa học mới khiến con người vươn lên được mức độ các vị thần”.
Với ông, ngoài thỏa mãn vật chất tầm thường, con người còn đời sống tinh thần phong phú. Khoa học nghệ thuật có thể nâng tầm đời sống chúng ta lên, hướng tới những gì cao đẹp trong cuộc sống.
Lewis Lockwood viết trong sách: “Đối với Beethoven, trạng thái bắt buộc phải sáng tạo lấn át mọi điều khác. Điều này quyết định toàn bộ đời sống bên ngoài của ông, liên tục can thiệp và khiến đời sống của ông cứ mãi thất thường, như với hầu hết nghệ sĩ cùng tầm vóc”.
Khi chép lại bản thảo âm nhạc cho sạch sẽ, sự chú ý của Beethoven tới các chi tiết và sắc thái của ký âm có độ chính xác và cẩn trọng đáng ngạc nhiên. Tác giả Lockwood coi đó là tấm gương mẫu mực về cấu trúc và tính động lực tự thân của âm nhạc. Nhưng khi viết thư, chữ viết của nhạc sĩ nguệch ngoạc đến mức hầu như không ai đọc nổi.
Tác giả sách Lewis Lockwood. Ảnh: Rodney Lister. |
Khóc khi dịch về cuộc đời Beethoven
Là đồng sáng lập và biên tập viên của website nhaccodien, dịch giả Lê Ngọc Anh đã đọc nhiều câu chuyện về cuộc đời Beethoven. Nhưng chị không khỏi xúc động khi dịch tác phẩm. Là dịch giả ngồi xe lăn, chị đồng cảm với những khó khăn trở ngại trong cuộc đời Beethoven.
“Tôi rất xúc động khi dịch sách. Những đoạn trở ngại của Beethoven trong cuộc đời, sự nghiệp, tôi vô cùng đồng cảm. Nhiều khi đang dịch, tôi phải dừng lại lấy khăn lau nước mắt”, dịch giả Ngọc Anh chia sẻ.
Khi nhận lời dịch tác phẩm, dịch giả Ngọc Anh chia sách thành 93 files nhỏ, trong đó tách làm 2 phần: Phần âm nhạc và phần về cuộc đời Beethoven. Dù yêu và hiểu nhạc cổ điển, dịch giả Ngọc Anh vẫn vấp phải những đoạn khó trước các phần nội dung chuyên môn sâu về âm nhạc.
Từ trái qua: Ông Vũ Trọng Đại (Giám đốc Omega+), nghệ sĩ Trang Trịnh, dịch giả Ngọc Anh, dịch giả Mai Đức Hạnh tại tọa đàm hôm 21/6. Ảnh: Omega+. |
Với phần âm nhạc, đúng lúc hoang mang cực độ thì “định mệnh gõ cửa”, Ngọc Anh quen với Mai Đức Hạnh - người được đào tạo âm nhạc bài bản tại Nhạc viện Quốc gia Việt Nam.
Dịch giả Mai Đức Hạnh phụ trách chuyển ngữ phần âm nhạc trong sách. Mai Đức Hạnh cho biết dù dịch về âm nhạc, chị vẫn bắt gặp những chi tiết cảm động về cuộc đời Beethoven, nhất là những dòng viết về 2 năm cuối đời ông.
Mùa đông năm 1826, ông nhiễm lạnh, ốm nặng. Ông cố gắng vượt qua những sợ hãi về tâm lý, thời tiết, những cơn đau để sáng tác, và “giữ cho mình ngọn lửa cháy mãi”. Ông vẫn rất cố gắng sáng tác, viết thư giao tiếp, gửi thư cho hiệp hội âm nhạc… trước khi qua đời vào tháng 3/1827.
Với nghệ sĩ piano Trang Trịnh, những đoạn ấn tượng nhất trong sách chính là phần nội dung nói về sức mạnh tinh thần của Beethoven. Nghệ sĩ dẫn lời trong sách: “Khả năng nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và bảo vệ nó khỏi nỗi đau thể xác và tâm lý của bệnh điếc ngày càng nặng nề là một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc đời Beethoven”.
Nghệ sĩ piano, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh chia sẻ khi du học, chị đã đọc rất nhiều bài viết, phân tích của tác giả Lewis Lockwood và cảm nhận sức nặng trong các bài viết của ông.
“Khi Omega Plus đề nghị hợp tác thực hiện sách, Trang đã nghĩ không biết sách chuyên sâu như này có đến được công chúng không”, chị nói. Cuối cùng, chị đã vui mừng khi sách được xuất bản và đến tay bạn đọc như hôm nay.