Những hiệu sách ở Anh bị buộc phải đóng cửa do lệnh cách ly của chính phủ từ hồi tháng 3 đã được phép mở cửa trở lại vào đầu tuần qua. Cathy Slater, chủ tiệm sách Dulwich Books, nói rằng cô rất vui khi cửa hàng quay trở lại hoạt động và đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng: một bình hoa nằm trên bàn cạnh lối ra vào và một chai nước rửa tay lớn được đặt ở quầy thu ngân.
Vị khách đầu tiên khiến Slater hơi thất vọng khi chỉ 20 phút sau khi mở cửa, một người đàn ông lấp ló ở cửa và hỏi lớn: “Ở đây có bán giấy ghi chú không?”. Nhưng chỉ 10 phút sau, Helen Boome, một vị khách khác, tiến thẳng đến khu sách trẻ em và hỏi: “Sờ vào chắc không sao đâu nhỉ?” Sau khi Slater ra hiệu đồng ý, nữ khách hàng chọn lấy một quyển sách về thần thoại Hy Lạp cho con trai mình.
Chỉ vài phút sau, Olivia Holmes bước vào hiệu sách với chiếc khẩu trang trên mặt, tìm cho mình cuốn “The Redeemed” (tạm dịch: Chuộc tội) của Tim Pears, phần cuối trong bộ sách ba phần về Thế chiến thứ nhất. Rồi khách hàng thứ ba bước vào, rồi đến khách hàng thứ tư ngập ngừng ở cửa, bắt gặp tấm bảng ghi “Tối đa ba người trong cửa hàng”.
Nhưng Dulwich Books không phải là cửa hàng duy nhất đón những người yêu sách chen chúc nhau đổ về ngay từ ngày đầu mở cửa trở lại mà có tới năm tiệm sách khác ở London cũng có chung bầu không khí nhộn nhịp, sôi động ấy.
"Tôi đợi mãi chỉ mong hiệu sách mở cửa trở lại"
Sáng đầu tuần, Patrick Kelley, chủ hiệu sách Bookmongers of Brixton, ngồi nhìn những kệ sách qua tấm cửa nhựa xuyên thấu mà lòng phập phồng lo sợ vì cửa hàng của anh ngày càng phụ thuộc vào “khách vãng lai” giữa lúc khu anh sống ngày càng hiện đại hóa và trở nên xa rời với sách in.
“Chúng tôi có thể mở cửa lại vào hôm nay, nhưng khi nào mới có một người khách du lịch ghé sang thì có trời mới biết được”, Kelly bi quan, vì anh biết hầu hết hoạt động du lịch trên thế giới đều trì trệ do diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp.
Hiệu sách Bookmongers of Brixton tọa lạc tại London. Ảnh: onthegrid.city. |
Nhưng hóa ra mọi chuyện không tệ đến thế, khách hàng vẫn đều đặn đến mua sách. Paulo Sousa, 40 tuổi, mua một cuốn sách giáo khoa về dược phẩm nhưng không phải để đọc mà để khoét một lỗ bên trong và giấu món quà cho anh trai mình.
Matthew Nsubuga, 28 tuổi, thì lại nhìn chăm chú vào kệ sách khoa học viễn tưởng “S.F.Masterworks” với gáy sách màu vàng tươi. “Tôi đợi mãi chỉ mong hiệu sách mở cửa trở lại vì tôi biết họ có nhiều cuốn loại này mà”, Nsubuga nói.
Anh cũng chia sẻ thêm rằng bản thân đã “nghiền” xong hàng loạt sách khoa học giả tưởng trong thời gian cách ly, bao gồm cả quyển “Dune” (Xứ cát) nổi tiếng của Frank Herbet. Nsubuga thậm chí còn cho rằng cuốn sách đã giúp anh “sống sót” bởi “đọc sách giúp tôi tạm quên đi những vấn đề khác do đó đầu óc được nghỉ ngơi.” Anh rời đi với sáu cuốn sách, hết cả thảy khoảng 30 USD.
Chủ cửa hàng mỉm cười: “Tuyệt thật, giai đoạn đen tối có vẻ đã phần nào qua đi rồi”.
Tiệm Waterstones ở Kensington
Vào tháng 5, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất nước Anh với hơn 280 hiệu sách là Waterstones thông báo sẽ áp dụng các biện pháp an toàn mới khi mở cửa trở lại. Bất kỳ cuốn sách nào khách hàng chạm vào nhưng không mua sẽ bị “cách ly” trong 72 giờ. Tính đến trưa 15/6, nhân viên tại chi nhánh trên phố Kensington đã cho áp dụng thủ tục nói trên đối với hơn 30 quyển sách, nhiều cuốn trong số đó là của nhà triết học Jean-Paul Sartre, cha đẻ của tác phẩm “Nausea” nổi tiếng.
Nhân viên của Waterstones đảm bảo nghiêm ngặt quy định an toàn. Ảnh: The New Yor Times. |
Hầu hết nhân viên tại cửa hàng đều mang đồ che mặt bằng nhựa nhưng phải đến nửa tá khách hàng không mấy bận tâm đến vấn đề an toàn của bản thân họ.
Tiệm Daunt Books ở Marylebone
Cửa hàng Daunt Books tọa lạc tại quận Marylebone ở trung tâm London, từ lâu được xem là điểm đến ưa thích dành cho khách du lịch, bởi những kệ sách ở đây được sắp xếp theo các quốc gia. James Thornington, người bán sách ở Daunt Books chia sẻ rằng khi mở cửa trở lại vào 15/6, anh hy vọng mọi người vẫn sẽ mua sách dù cho họ không thể đi du lịch nước ngoài vào thời điểm hiện tại - có thể chỉ để mộng mơ một chút.
Anh cho rằng đó chính là thiên hướng đọc sách của hầu hết mọi người trong thời gian cách ly. Bản thân Thornington đã đọc lại cuốn “My Family and Other Animals” của Gerald Durell, viết về tuổi thơ xa xăm của một nhà văn Anh trên một hòn đảo ở Hy Lạp. “Đọc xong tôi chỉ muốn đến đó ngay thôi”, anh nói thêm.
Nhưng rất ít trong số khách hàng của Daunt hứng thú với dòng sách phiêu lưu, dù một vài trong số họ lựa chọn đầu sách với hướng “giải thoát”, như bà Sally-Anne Stein, 57 tuổi, chọn mua cuốn tự truyện của Nicholas Coleridge - “The Glossy Year”. Bà Stein chia sẻ cảm nghĩ về cuốn sách “Mọi thứ hoàn toàn đối lập với thời điểm hiện tại”. Bà nở nụ cười thật tươi rồi rời đi.
Tiệm Word on the Water, King's Cross
Word on the Water là cửa hàng sách dựng trên chiếc thuyền neo cạnh con kênh nằm kế ga đường sắt King’s Cross. Vì được xem là một cửa hàng ngoài trời nên thực ra tiệm sách này đã ngầm hoạt động trở lại từ 1/6 bằng cách bán sách từ phía bên ngoài xà lan dù cửa vẫn đóng.
"Tiệm sách trên sông" Words on Water. Ảnh: Twitter. |
James Bentley, 56 tuổi, hiện bán sách tại Word on the Water, cho biết rằng doanh số cửa hàng hôm 1/6 đạt ngưỡng đáng kinh ngạc, chủ yếu đến từ những khách hàng thường xuyên lui tới. Nhưng giờ thì việc buôn bán lại phải phụ thuộc vào khách vãng lai.
Chiều15/6, khi cửa hàng mở cửa bình thường trở lại, nhiều người đổ về và dòng sách đắt hàng nhất là tiểu thuyết. Lauren Gibbs, 34 tuổi, cho biết cô đã đạp xe ngang qua và dừng lại để quay một đoạn video bằng chiếc điện thoại của mình, chủ yếu để ghi lại bài hát của Edith Piaf phát ra từ chiếc sà lan. Sau đó cô lựa cho mình cuốn “Jazz Poems” viết bởi Langston Hughes và Gwendolyn Brooks rồi rời đi.
Chủ hiệu sách là ông Jonathan Privett cho hay kể từ khi mở bán trở lại thì dòng sách chạy nhất là những tác phẩm có liên quan đến phong trào “Black Lives Matter”.
Tiệm Pages of Hackney
Jo Heygate, quản lý Pages of Hackney, chia sẻ rằng hiệu sách này sẽ chỉ hoạt động khá hạn chế dù đã mở cửa trở lại. Lý do một phần là để tuân thủ quy định giãn cách xã hội của chính phủ Anh thì cửa hàng của cô chỉ có thể phục vụ từng khách hàng đơn lẻ, bởi cửa hàng của cô khá nhỏ mà mỗi người phải cách nhau trên 2 m. Nhưng một phần cũng bởi Pages of Hackney đã tận dụng tình hình cách ly để bán sách online, sau đó đội ngũ của họ mới phát hiện ra đáng lẽ mô hình kinh doanh này nên được đưa vào hoạt động từ lâu.
“Chúng tôi bán được hai cuốn sách về vấn đề người chuyển giới chỉ trong nửa giờ đồng hồ kể từ khi cửa hàng bắt đầu hoạt động trực tuyến. Bình thường phải mất cả tháng mới bán được từng ấy sách thuộc chủ đề ấy”.
Hiệu sách nhỏ nhắn Pages of Hackney duy trì hoạt động trên nền tảng trực tuyến. Ảnh: Twitter. |
Chiều cùng ngày, gần 80 túi đựng toàn sách đặt trên sàn của cửa hàng, chờ được gửi đi cho những người yêu sách ở khắp nơi trên thế giới. Heygate cho rằng việc mọi người tìm đọc sách về những chủ đề quan trọng và cấp bách là một điều rất tốt, nhưng cô cũng mong khách hàng lui tới cửa hàng thường xuyên hơn. “Giờ hiệu sách cứ như một cái bưu điện buồn bã và vắng vẻ vậy, chả giống tiệm sách gì cả. Bán sách là một ngành sống động hơn cơ”.