Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề của mẹ

Con thấy nghề bác sĩ cao quý làm sao và ước ao mình sẽ làm nghề ấy. Con cứ ước ao và mẹ sẽ kể con nghe về hành trình mẹ đến với nghề này.

Con trai yêu thương

Có lần mẹ hỏi: "Con trai nè, sau này định làm nghề gì?". Con trả lời chắc sẽ theo nghề của mẹ. Mẹ liền hỏi ngay vì sao con chọn nghề ấy? Con do dự trả lời: "Vì con chẳng biết phải làm nghề gì khác!".

Câu trả lời làm mẹ lo, rất lo vì dù là con của mẹ, có biết chút ít về công việc của mẹ, nhưng để chọn một nghề mà mình sẽ làm trong suốt cuộc đời là điều không dễ dàng. Việc chọn lựa sai sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy sau này.

Thật cảm động khi tối 26/2, sau khi đi học về, con chúc mẹ ngày 27/2 vui vẻ. Mẹ ngẩn người ra và hỏi lại con chúc mẹ gì thế. "À, con chúc mẹ ngày Thầy thuốc Việt Nam đó mà".

Thông thường, mẹ chẳng nhớ đến ngày này cho đến khi điện thoại cứ tít tít báo tin nhắn chúc mừng từ bệnh nhân, bạn bè, trên mạng xã hội tràn ngập hoa và các lời chúc mừng...

Báo chí, truyền thông đồng loạt đưa tin chúc mừng ngành y tế, nào là thiên thần áo trắng, nào là tấm gương bác sĩ này, bác sĩ kia đã thành công trong nghiên cứu này, ca mổ nọ...

Con thấy ngành y lung linh, lấp lánh, thấy cao quý làm sao và ước ao mình sẽ làm nghề ấy. Con cứ ước ao nhưng mẹ sẽ kể con nghe để hành nghề này mẹ đã trải qua những gì.

Nghe bac si anh 1

Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương? Ảnh: Q.M.

Để vào học và ra khỏi trường Y là những chuỗi ngày học đến mụ mẫm cả người. Cầm giấy báo đậu vào trường Y, mẹ như không tin vào mắt mình, đi trên mặt đất mà cứ tưởng như đang bay. Ông bà ngoại mừng, họ hàng mừng.

Mẹ bước vào cổng trường đại học với một tâm thế sung sướng, hạnh phúc mà không thể lường trước hay tưởng tượng được mình sẽ phải đương đầu những bài học gì ở trường.

Thử thách đầu tiên là con phải tiếp xúc... xác chết! Mẹ ngày ấy, mặt cắt không còn hột máu, chân run đứng không vững khi lần đầu tiên thấy những xác ướp ở phòng thực hành giải phẫu học. Sinh viên phải mày mò học từng thớ cơ, từng mạch máu trên những xác ướp ấy... và đêm về mơ những giấc mơ khủng khiếp, hoảng loạn.

Mẹ kết thúc năm học đầu tiên với nỗi hoài nghi liệu mình có tiếp tục học được ngành này không? Bắt đầu từ năm thứ hai, ngoài trường học, mẹ phải đến bệnh viện học và thực hành.

Những năm giữa thập niên 80, chiến tranh biên giới Tây Nam chưa kết thúc, thương, bệnh binh được đưa về Bệnh viện Quân y 121 và đây là bệnh viện đầu tiên mẹ đến thực hành.

Mẹ chăm sóc bệnh nhân từ những điều cơ bản nhất như cách thay drap giường, cách cho bệnh nhân ăn uống, cách chăm sóc những vết thương nhiễm khuẩn với mùi hôi nồng nặc, các mõm cụt chi hay các vết thương bê bết máu...

Mẹ nhiều lúc mặt mày tái mét, tay run rẩy rửa vết thương mà thấy mình sắp ngất đến nơi. Chính các chú bộ đội là những người động viên ngược lại mẹ: "Đừng run em, cứ làm mạnh tay lên, anh không sao".

Nhìn các chú cắn răng chịu đau mẹ cảm giác mình thật tệ nếu không giúp được các chú ấy, không làm tốt công việc của mình. Các bác sĩ, y tá, y sĩ của Bệnh viện 121 là những người đã tận tình chỉ bảo mẹ và bạn bè trong những ngày chập chững bước vào nghề y.

Suốt những năm sau đó cho đến những ngày ra trường, mẹ và bạn bè luân phiên đi thực tập ở các bệnh viện vào buổi sáng, học ở giảng đường vào buổi chiều, và trực đêm ở bệnh viện vào buổi tối.

Khối lượng kiến thức cần phải học trong ngành y là khổng lồ, phải học, ghi nhớ và ứng dụng ngay trong các buổi thực tập ở bệnh viện. Lịch thi ở trường, kiểm tra thực hành bệnh viện thì dày đặc.

Trong khuôn viên Đại học Cần Thơ ngày ấy, chỉ nhìn thôi cũng có thể đoán được bạn ấy học ngành gì: Dịu dàng, thướt tha, từ tốn là sinh viên ngành sư phạm; tươi tắn, năng động hơn, "fashion" hơn là các bạn chuyên ngành ngoại ngữ; mặt mày sáng sủa, tự tin, thông thái là các bạn chuyên ngành kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi... Chỉ riêng dân y khoa là mang dáng vẻ khác thường: Mặt mày phờ phạc, đờ đẫn do... thiếu ngủ mãn tính.

Tướng đi uể oải nặng nhọc do lúc nào cũng mang túi xách hay balô to đùng trong đó chứa đủ thứ: Sách vở, áo blouse, ống nghe, tấm nylon... để có thể trải ra ngồi học bài hay ngủ ở bất kỳ hành lang nào có thể, từ trường học đến bệnh viện.

Mẹ không quên những ngày đầu đi thực tập ở bệnh viện, nhìn thấy bệnh nhân mà không biết phải làm gì, phải hỏi bệnh từ đâu. Có những bệnh nhân khó tính, nhìn bảng tên biết sinh viên thực tập, họ từ chối thẳng thừng, không trả lời bất kỳ câu thăm hỏi nào hay thậm chí đuổi thẳng!

Nhiều lúc tủi thân, mẹ cứ tự hỏi sao mình lại chọn cái nghề cực khổ như thế này? Trước áp lực học hành, thi cử, nhiều sinh viên y khoa không trụ được, đã phải nghỉ học giữa chừng, mặc cho những lời năn nỉ từ gia đình, bỏ hết những lời khuyên nhủ cố gắng học, khó khăn lắm mới vào được ngành này mà...

Nhưng điều gì đã giữ chân mẹ và bạn bè tiếp tục học ngành y, không những học tốt mà còn say mê và dấn thân bất kể cực khổ đến mức nào.

Ngành y là một ngành tuyệt vời con à, càng học càng thích. Bản thân con người đã là một kỳ quan tuyệt vời nhất trên Trái Đất, được học các hoạt động của từng tế bào trong cơ thể cho đến các cơ quan…

Những ngày, đêm thực hành ở bệnh viện, cùng thầy, cô, bác sĩ, chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân, mẹ chứng kiến những ca nặng không qua khỏi, những ánh mắt cầu cứu trong tuyệt vọng của người thân, gia đình bệnh nhân ám ảnh mẹ trong từng giấc ngủ, những giọt nước mắt, tấm lòng tri ân của những ca thập tử nhất sinh được các bác sĩ cứu sống lại là niềm an ủi, niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của mẹ và bạn bè.

Mẹ đã trải qua những ngày tháng học hành như thế đó con trai à! Cho đến tận bây giờ, nhân loại vẫn chưa thấu hiểu một cách rõ ràng, chi tiết cơ thể con người. Y học hiện đại vẫn chưa hiểu biết hết về các loại bệnh tật và cũng chưa tìm được cách để điều trị các loại bệnh tật đó.

Liệu con có niềm say mê nào, hứng thú nào khi muốn dấn thân vào ngành học này không?

Hãy lắng nghe bản thân mình và khi đã quyết định thì hãy đi đến cùng vì đó là nghề nghiệp mà con phải gắn bó cả đời, mẹ luôn tôn trọng quyết định của con.

Yêu con nhiều,

[Mẹ của con ]

Vũ Minh Đức / Trần Thị Hồng An / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY