Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đời cần lắm những lời cảm ơn

Những lời cảm ơn không mất gì, chỉ làm đầy thêm cuộc sống yêu thương này và làm đẹp thêm tâm hồn con.

Con gái yêu của ba,

Ba viết thư này để khen con về bài văn con vừa làm ở lớp. Ba thích những cô giáo dạy văn cho đề bài kiểu thế này - để tụi con được tự do viết lách, tự do suy nghĩ, tự do sắp xếp: Em hãy viết một đoạn văn nghị luận về hai chữ “Cám ơn” trong cuộc sống.

Ngày xưa, ba cũng bắt đầu thích viết văn từ những đề bài kiểu như vậy. Ba vui và ngạc nhiên khi tìm thấy chính mình trong bài viết của con và thấy con đã lớn khôn thật nhiều.

Ba biết tính con và rồi con thấy cũng chẳng quan trọng lắm việc giữ lại những bài viết thế này. Thôi thì, ba là bác quản thư - lưu giữ lại cho con vậy.

Con đã viết thế này:

“Từ lâu, văn hóa ứng xử đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá nhân cách con người. Từ lúc nhỏ, chúng ta đã được dạy nói “cảm ơn” khi ai đó giúp ta một việc gì hoặc cho ta một thứ gì đó.

Lời cảm ơn không chỉ mang đến niềm vui cho người nhận, mà còn làm cho người nói cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng, thư thái. Không những thế, nhiều khi chúng còn giải quyết những khúc mắc, gỡ rối các quan hệ và làm cho con người sống vị tha hơn.

Trước đây, trong quan hệ xã hội, mọi người cảm ơn nhau là chuyện rất bình thường. Có thể hiểu “cảm ơn” là bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước sự giúp đỡ của ai đó.

Người nhận được lời cảm ơn từ bạn sẽ vô cùng hài lòng vì họ nghĩ rằng bạn đã nhận ra được tấm lòng và sự chân tình mà họ dành cho bạn. Thế nhưng, ngày nay, văn hóa cảm ơn đang dần bị lãng quên.

Có thể do mọi người đang trôi theo dòng chảy mải miết của cuộc sống mà quên đi những điều mà họ cho là vụn vặt - trong đó có lời “cảm ơn”.

Một số người thường dựa vào địa vị của mình mà coi thường người khác. Họ thường nhận lời cảm ơn từ những người có địa vị thấp hơn mình một cách hiển nhiên, một cách mặc định mà quên đáp lại - dù chỉ hai chữ “cảm ơn”.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Khi bạn làm một điều gì đó cho một người, bạn sẽ mong nhận được một thứ gì đáp lại? Phải chăng là một món quà, một bữa tiệc hay tiền bạc? Tôi chắc chắn rằng những thứ đó sẽ được nghĩ đến sau hai chữ “cảm ơn”.

Vậy thì cảm ơn như một thứ để cho và nhận mà không thể thiếu được trong cuộc sống này. Thế nhưng, cảm ơn như thế nào mới là đúng? Cảm ơn thường được bày tỏ bằng lời nói nhưng đôi khi bằng một lá thư, một tấm thiệp, một bó hoa,... nhưng tất cả cần xuất phát từ sự chân thành.

Một lời cảm ơn có thể xuất phát từ tấm lòng, sự chân tình nhưng thể hiện lời cám ơn một cách không phù hợp có thể làm người khác mất thiện cảm với bạn.

Khi cảm ơn, hãy nhìn thẳng vào ân nhân của mình mà nói. Một cái nhìn thẳng sẽ thể hiện sự chân thành, lời nói của bạn sẽ trở nên gần gũi và có giá trị hơn.

Trong cuộc sống, nói lời “cảm ơn” không phải là điều quá khó khăn. Chỉ một lời nói mà có thể bày tỏ trọn vẹn tấm lòng thì ngại gì không nói ra, đúng không? Vậy thì hãy nói lời cảm ơn nhiều hơn nữa và kèm theo đó một nụ cười thật tươi bạn nhé”.

Cam on trong cuoc song anh 1

Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương? Ảnh: Q.M.

Bài văn của con chưa có điểm. Mà bao nhiêu điểm cũng không quan trọng lắm với những người làm cha làm mẹ như ba con ạ. Ba hạnh phúc khi đọc bài của con.

Chút gì đó thú vị, ngỡ ngàng, kỳ vọng. Không cần bóng bẩy, thật hay, thật dài. Cái người ta cần tìm trong câu văn con chữ là tính nhân văn trong cái mạch văn súc tích.

Con đang làm được điều đó - con viết như một người lớn viết. Cũng có thể là con đã đọc điều này điều kia đâu đó nhưng con đã biến nó thành cái của mình trong cách sắp xếp, lập luận của riêng con.

Ba cảm ơn con chỉ vì một đoạn văn. Một người lớn cảm ơn trẻ con cũng thường tình thôi, đúng không con? Chúng ta học thêm mỗi ngày về hai chữ “cảm ơn” - cảm ơn ông bà, cha mẹ, cảm ơn người lớn và đôi khi cảm ơn cả trẻ con nữa.

Thật vậy đó con, mình cảm ơn cả những người bình thường - cảm ơn một bác lái taxi tận tình, cảm ơn một người bồi bàn bưng ra cho con bát phở ly nước, cảm ơn bà giúp việc, cảm ơn bà bán ve chai, cám ơn một đứa bé...

Những lời cảm ơn không mất gì, chỉ làm đầy thêm cuộc sống yêu thương này và làm đẹp thêm tâm hồn con.

Trong cuộc sống cũng sẽ không tránh khỏi những lời cảm ơn vô hồn, những lời cảm ơn giả tạo, sáo rỗng. Mình bỏ qua kiểu cảm ơn như vậy con nhé. Vậy cho nên, sẽ có lúc con thắc mắc tại sao đôi khi người ta dùng chữ “cảm ơn” thay vì “cám ơn”? “Cảm ơn” bao hàm cả sự biết ơn, nó chứa đựng, mang theo tình cảm vào trong đó nữa.

Con viết đúng: “Cảm ơn thường được bày tỏ bằng lời nói nhưng đôi khi bằng một lá thư, một tấm thiệp, một bó hoa...”. Có lúc ba cảm ơn thầy cô, bạn bè của ba bằng những tản văn ba viết, những ca khúc ba sáng tác. Con có thể cảm ơn thầy cô, mọi người, cảm ơn đời bằng những bức tranh con vẽ, bằng tiếng hát, tiếng đàn của con.

Đôi khi cũng có những cách cảm ơn bí mật và bất ngờ trong cuộc sống nữa con. Vô cùng thú vị! Cảm ơn bằng một việc làm cụ thể, có lúc cám ơn bằng thành quả của cả một quá trình dài mới gặt hái được nữa con ạ. Có khi người ta còn cảm ơn nhau bằng những việc làm thầm lặng dành cho nhau, không hề lên tiếng. Quý lắm con.

Con của ba, hôm nay đúng ngày 20/11 luôn nè. Ba muốn gửi lời cảm ơn thầy cô bằng bài viết này. Một món quà cũng đẹp có thua gì những bó hoa đâu - dành tặng thầy cô của ba. Vui hơn nữa là có con góp công rất nhiều cùng ba trong món quà này. Mình cám ơn nhau con nhé, con gái yêu của ba.

Ký tên

[Ông quản thư đi theo con suốt cuộc đời]

Vũ Minh Đức / Trần Thị Hồng An / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY