Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề cao quý

Mỗi công việc chân chính đều đáng quý và đáng trân trọng như nhau nhưng họ đã chấp nhận chọn cái nghề vất vả, nhiều nguy hiểm, cao quý lẫn bạc bẽo này.

Một y tá đang cảm thấy căng thẳng. Nguồn: Omnia health.

Nghề y tá bạc bẽo hay xứng đáng? Có nhiều lần Mia tự vấn. Có lẽ, nó là cả hai.

Mia từng nghe gia đình của bệnh nhân nói với cô thế này:

- Cô giỏi thật đấy! Tôi chả bao giờ làm được công việc này đâu. Suốt ngày phải cúi mặt lau phân và dọn nước tiểu. Kinh thật! Ai lại muốn cả đời dọn phân và nước tiểu của người khác chứ?

Câu nói không rõ là ngưỡng mộ hay khiếm nhã đó khiến Mia thấy hơi chạnh lòng.

- Thế nếu không ai làm, thì lấy ai chăm sóc cho bệnh nhân khi họ không còn có khả năng tự làm những công việc ấy? - Mia mỉm cười, đáp lại một câu nhẹ hều nhưng kê tủ đứng vào miệng người đối diện.

Vẫn còn có rất nhiều người cho rằng giá trị của nghề này chỉ nằm ở chỗ họ được trả tiền để dọn phân, rửa mông cho những người không có khả năng tự làm những công việc đó, có thể vì họ đang gặp những khó khăn về thể chất hoặc trí não.

Sach Co noi buon gieo mam nhan ai anh 1

Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Ảnh QM.

Là y tá, Mia có thể bật cười và nói đùa rằng cô là một chuyên gia về phân. Huyết phân là thứ có mùi nặng nhất, kể cả những y tá có thâm niên trên hai mươi năm khi ngửi vào cũng phải muốn nhợn.

Phân lẫn với máu khô nên có màu đen, và hôi hơn cả mùi xác chết thối rữa. Và nếu bệnh nhân dương tính với Cdiff, phân của họ sẽ lỏng và có một mùi ngọt dị thường và cực kỳ khó chịu.

Đã có những bệnh nhân đối xử với các y tá như những nô bộc thấp kém, được trả tiền để phục dịch. Có nhiều bệnh nhân lỗ mãng, thiếu tôn trọng đến nỗi đôi khi chính những y tá phải tự đứng lên bảo vệ mình bằng cách cảnh cáo người có hành vi khiếm nhã.

Như có một ngày, Mia thấy Joan như đang bốc khói xịt mang tai, mặt hầm hầm bước ra khỏi phòng số 13:

- Có chuyện gì vậy Joan?

- Bệnh nhân ở phòng số 13, tôi đang đứng kiểm tra oxy trong phòng hắn. Hắn đang nằm trên giường, muốn kêu tôi lại sai bảo nên lấy miệng xuỵt xuỵt như gọi chó. Thiếu tôn trọng tôi đến thế là cùng! Chúng ta làm việc ở đây lương không đủ để bán rẻ mình như vậy!

Và đó chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn ví dụ khác. Nếu nói nghề y tá bạc bẽo, có lẽ có phần đúng. Nhưng ở một diễn tiến khác, bệnh nhân sau khi được xuất viện thỉnh thoảng vẫn có người quay lại cùng với hoa tươi và rất nhiều bánh kẹo.

Dáng đi của họ khỏe mạnh, nhanh nhẹn cùng sắc mặt rạng rỡ hồng hào. Họ sẽ đi đến gặp từng y tá để cảm ơn và trao những cái ôm thật chặt và hôn lên má, lên tay thay cho những lời tri ân xuất phát từ tận đáy lòng.

Món quà lớn nhất của nghề này chính là những cuộc hội ngộ đầy xúc động như thế. Mắt ai cũng lấp lánh những giọt nước mắt hạnh phúc, trong lòng dâng lên những cảm giác ấm áp không thể diễn tả thành lời.

Và chính người phụ nữ sắt đá lạnh lùng như Joan, cũng đã bao lần rơi lệ trong vòng tay của những người bệnh nhân đã khỏe mạnh và trở lại thăm những người mà họ gọi là “ân nhân”. Mia không bao giờ nghĩ rằng Joan sẽ khóc. Nhưng cô hiểu công việc này là lý do lớn nhất khiến bà cảm thấy sự tồn tại của mình còn ý nghĩa.

Có một thực tế đáng buồn, đó là rất nhiều người tiếc một lời cảm ơn với các y tá. Họ cho rằng: “Chúng nó được trả lương để được làm công việc này cơ mà. Sao lại phải cảm ơn chúng nó? Có phải chúng nó làm không công cho mình đâu”.

Nhưng họ quên mất rằng: Họ cần phải cảm ơn đơn giản bởi vì đã có những người chọn công việc này để mưu sinh trong số hàng trăm các công việc khác.

Mỗi công việc chân chính đều đáng quý và đáng trân trọng như nhau nhưng họ đã chấp nhận chọn cái nghề vất vả, nhiều nguy hiểm, cao quý lẫn bạc bẽo này và theo đuổi nó như một cái nghiệp và cống hiến cho nó.

Những bệnh nhân nhập viện có đủ các thể loại thượng vàng hạ cám, nhất là khoa Cấp cứu. Mia đã có một năm làm việc tại đây trước khi chuyển hẳn sang khoa Truyền nhiễm. Bệnh nhân của cô có đủ thành phần từ những nhà trí thức hưu trí bị bệnh tim đến những tên nghiện ngập hút chích phải nhập viện vì sốc thuốc, và cả những bọn đầu gấu đầu mèo.

Có nhiều tên tử tù xăm trổ, vào bệnh viện mà hai bên là hai ông cảnh sát to như hộ pháp. Hai tay tù nhân bị trói vào thành giường khiến Mia vừa đo huyết áp vừa run cầm cập, không rõ mình đang nghe nhịp tim của bệnh nhân trong ống nghe hay đang nghe chính nhịp tim của mình đang đập loạn xạ trong lồng ngực.

Các y tá hay đùa với nhau khoa Cấp cứu như một cái sở thú, nhìn sang trái thấy những gã nghiện lên cơn đang giãy đành đạch, cào mặt, chửi bới; nhìn sang phải thấy một ca tai nạn chảy máu bê bết, ruột gan lòi cả ra ngoài.

Những người thần kinh yếu làm được vài ngày là xin nghỉ vì không chịu được sức ép công việc. Họ cho rằng các khoa Nội bình an hơn. Ừ, cũng có phần đúng. Nhưng khoa Nội lại đầy rẫy những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, và họ không thể kiểm soát được hành vi lẫn cảm xúc.

Cách đây không lâu, đã có một y tá bị phỏng cấp độ 3 chỉ vì bệnh nhân, không hiểu lý do vì sao và đã có sự kích động gì, dẫn đến việc hất cả một ly súp nóng vào người nữ y tá đó trong khi bà ta đang cúi xuống cắt thịt cho bệnh nhân.

Vì không có năng lực hành vi nhân sự, bệnh nhân dĩ nhiên không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Gia đình nữ y tá đã đâm đơn kiện bệnh viện, và bếp ăn vì đã để súp quá nóng mà bưng lên cho những bệnh nhân có vấn đề về tâm thần và rối loạn hành vi.

Vụ việc lùm xùm trong nội bộ một thời gian rồi lắng xuống, không rõ đã được giải quyết như thế nào.

Những hình ảnh của Joan, một người phụ nữ chấn thuơng sau một thời gian làm nghề dần trở nên trầm cảm vì giảm chất lượng cuộc sống, hay Sylvia, một cô gái mang chứng sang chấn tâm lý sau khi bị bệnh nhân hành hung phải đi điều trị tâm lý lâu dài chỉ là một vài câu chuyện tiêu biểu về những rủi ro và thử thách mà nghề y tá mang lại.

Iris Lê / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY