Cụ thể, tại hội nghị diễn ra sáng 28/8, ông Nguyễn Đức Trung đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo tình hình nhằm xem xét lùi lộ trình thực hiện sách giáo khoa lớp 10 mới từ năm học 2022-2023 sang năm học 2025-2026.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay ông đưa ra đề nghị này căn cứ hai lý do.
Thứ nhất, hiện tại, do dịch Covid-19, địa phương chưa có điều kiện đảm bảo nguồn lực để chuẩn bị, nhất là chương trình, sách giáo khoa cũng như đội ngũ giáo viê. Ông đánh giá việc triển khai dạy học sách giáo khoa lớp 10 mới từ năm học 2022-2023 rất khó cho địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét lùi việc triển khai sách giáo khoa mới với 10 sang năm học 2025-2026. Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Nghệ An. |
Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng việc triển khai thực hiện sách giáo khoa lớp 10 mới từ năm học 2025-2026 sẽ đảm bảo tính đồng bộ.
"Năm học này, chúng ta bắt đầu thực hiện sách giáo khoa lớp 6. Ba năm nữa cho thực hiện sách giáo khoa lớp 10 sẽ phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ", ông Nguyễn Đức Trung giải thích.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh long, cho rằng Bộ GD&ĐT cần có đánh giá các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là với các khối lớp THPT, từ lớp 10 từ năm học 2022-2023.
Theo bà Quyên Thanh, hiện nay, các địa phương rất khó khăn về ngân sách để đầu tư trang thiết bị để triển khai cùng một lúc tất cả khối lớp vào năm học tới.
Cụ thể, năm học 2022-2022 sẽ triển khai với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Ngân sách đầu tư sẽ rất lớn. Vì vậy, bà đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá thật kỹ, có hội nghị với các địa phương để có quyết định phù hợp.
Bà phân tích địa phương sẽ chịu trách nhiệm các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, một phần trách nhiệm của địa phương, một phần do sự chuẩn bị của bộ.
Theo kế hoạch, năm 2021, việc đào tạo đội ngũ giáo viên theo các mô đun theo quy định của bộ là mô đun 4, 5, 9. Nhưng đến nay, đa số địa phương chưa thực hiện được bởi vì các dữ liệu của bộ chưa có đủ trên hệ thống phần mềm. Hiện tại đã là tháng 9. Bà đánh giá chắc chắn các địa phương sẽ không thực hiện được 3 môn đun này vì ít nhất một mô đun cũng mất hai tháng.
Bên cạnh đó, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị bộ cân nhắc đến điều kiện học sinh lớp 9 đi học trong điều kiện tình hình dịch phức tạp.
“Khi chúng ta đưa ra khung chương trình kiến thức cốt lõi, nền tảng là chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Năm sau, khi tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu các em có đủ nền tảng, tự tin và sự chuyển tiếp để bắt đầu hay không?”, bà Quyên Thanh đặt câu hỏi.
Từ các vấn đề trên, tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ GD&ĐT có đánh giá, cân nhắc thật kỹ vì quyền lợi của học sinh về chất lượng các khối lớp khi thực hiện chương trình giáo dục mới, đặc biệt học sinh 10 trong năm học 2022-2023.
Trên cơ sở đó, bộ cân nhắc, đề nghị với Quốc hội điều chỉnh hoặc thay đổi Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020.
Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8, dưới sự điều hành của Thủ tướng và Bộ GD&ĐT.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu ở các tỉnh thành và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.