Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng...

Theo nhạc sĩ Châu Kỳ, bóng hồng trong “Giọt lệ đài trang” là Kim Anh, ái nữ của một vị quan thượng thư dưới triều Bảo Đại và Đoàn Thị Sum, tiểu thư con của một nhà gia thế khác.

Châu Kỳ sinh ngày 5/11/1923 tại làng Dưỡng Mong (Thừa Thiên - Huế). Cha ông là Châu Huy Hà một nghệ nhân cổ nhạc cung đình Huế. Chị ruột là Châu Thị Minh, được coi là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung (trong “Ngũ nữ minh tinh”. Miền Nam: Phùng Há, Năm Phỉ. Miền Trung: Châu Thị Minh. Miền Bắc: Ái Liên, Bích Hợp). Ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Petrus Thiều - giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế.

Vị này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường hát những bài do ca sĩ Tino Rossi (danh ca Pháp, hát được 300 bài hát quốc tế) hát như J’ai deux amours, Tant qu’il y aura des étoiles, Òu vous étiez, Mademoiselle... đến nỗi bạn bè gọi ông là “Deuxième Tino Rossi”. Khi bà chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn hát này, “nghiệp cầm ca” khoác lên đời ông từ đấy.

Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savannakhet rồi Thakhet (Lào). Trên bước đường lưu diễn, Châu Kỳ từng “quan hệ tình cảm” với ít nhất 2 cô ca sĩ người Lào. Khi đang diễn vở kịch Hồn lao động ở Thakhet thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Trại giam do một viên trung úy người Pháp trông coi. Ông này có người vợ đầm lai rất đẹp tên là Anna. Nhờ có biệt tài hát những bản nhạc Pháp đang rất thịnh hành thời đó nên Châu Kỳ rất được lòng viên trung úy trưởng trại. Chính vị chỉ huy tốt bụng này đã vận động để Châu Kỳ được ra khỏi tù. […]

Trở về...

Về đến Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây là xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa...”.

Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó. Tuy nó được viết ở cung Rê trưởng nhưng vẫn có nỗi buồn man mác, càng nghe càng thấm thía... Từ đó cho đến cuối đời, Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc phẩm. […]

Giot le dai trang anh 1

Nhạc sĩ Châu Kỳ và bìa bản nhạc Giọt lệ đài trang phát hành vào năm 1970. Ảnh: TL.

Giọt lệ đài trang

Nhạc sĩ Châu Kỳ kể về xuất xứ của ca khúc Giọt lệ đài trang với người viết như sau: Một đêm nọ, Châu Kỳ rời rạp hát cuối cùng thì trời đã về khuya, chàng đi bộ lang thang về nhà trọ (gần khu vực Ngã Sáu Phù Đổng). Bỗng chàng bắt gặp dưới cột đèn đường một cô gái bán hoa đang nhìn chàng trân trối. Châu Kỳ đã định bỏ đi luôn nhưng ở cô gái có một nét gì đó rất quen thuộc, cô nàng cũng chợt nhận ra “Anh... Châu Kỳ phải không?”, rồi cô che mặt khóc nức nở.

Châu Kỳ đã nhận ra cô ấy: Đó là Kim Anh, cách đây khoảng 20 năm nàng là ái nữ của quan thượng thư dưới triều Bảo Đại. Nàng là “kim chi, ngọc diệp - lá ngọc cành vàng” thứ thiệt. Rất nhiều chàng trai xứ Huế ái mộ nàng, trong đó có cả chàng nghệ sĩ đa tình Châu Kỳ mới 20 tuổi (1943).

Hồi còn lang thang ở Huế, mỗi đêm Châu Kỳ vẫn ôm đàn gẩy khúc “Phượng cầu Hoàng”, y như chàng Trương Chi khốn khổ tưởng nàng tiểu thư Mỵ Nương “người ngọc, lầu quan”. Nhưng một anh chàng nghệ sĩ nghèo “rách xơ mướp” làm sao có thể với tới cô tiểu thư khuê các, Kim Anh chẳng những không đoái hoài gì tới ngón đàn của chàng mà còn nhẫn tâm mở cửa sổ, phun ra ngoài một bãi nước bọt kèm theo câu mắng “Đũa mốc mà đòi chòi mâm son”... Châu Kỳ như bị một gáo nước lạnh hắt vào mặt, chàng tủi nhục quay bước.

Rồi Cách mạng 1945 bùng nổ, vua Bảo Đại thoái vị, kết thúc triều đại phong kiến. Tầng lớp quan lại không còn được trọng dụng và được hưởng những quyền lợi ưu đãi. Gia đình nàng phá sản, Kim Anh phải lấy một sĩ quan người Pháp trong quân đội viễn chinh.

10 năm sau, chiến tranh Việt - Pháp kết thúc (1954), viên sĩ quan lên đường trở về cố quốc mà không đem theo “lá ngọc, cành vàng”. Kim Anh lưu lạc giữa chốn bụi đời. Rồi nàng trôi dạt vào Sài Gòn và trở thành tình nhân một tay ma cô nghiệp ngập. Làm “vợ hờ” nhưng mỗi khi “đói thuốc”, tay ma cô lại bắt Kim Anh ra đường đón khách... Hai mươi mấy năm trôi qua, định mệnh oái ăm xui khiến cho hai người gặp lại nhau nơi đất khách quê người.

Cuộc đời dâu bể, tang thương đã đưa đẩy một “lá ngọc cành vàng” trở thành... gái đứng đường! Châu Kỳ dốc hết tiền túi đưa cho “cố nhân” rồi đi như chạy trốn...

Cũng có một câu chuyện thương tâm khác nữa: Số là khi đoàn Hồng Thu (của bà Châu Thị Minh - chị ruột nhạc sĩ Châu Kỳ) vào Nha Trang lưu diễn, Châu Kỳ có đến thăm bà dì ruột đang sống tại đây và định mệnh đã đưa đẩy để Châu Kỳ gặp gỡ cô thiếu nữ Đoàn Thị Sum. Năm ấy Sum mới 16 tuổi, là bạn bè với đám con bà dì của Châu Kỳ.

Đoàn Thị Sum là tiểu thư con nhà gia thế, nhưng đôi tâm hồn thơ trẻ đã “hút” lấy nhau một cách cuồng si mặc cho gia đình nàng ra sức cấm đoán vì đã hứa hôn với một gia đình “môn đăng hộ đối”. Ngăn cấm không được bà mẹ của Sum đã tạo áp lực để “nhổ” đoàn hát Hồng Thu rời khỏi Nha Trang.

Cô Sum có ý định trốn nhà đi theo Châu Kỳ nhưng bị ông bố nhốt kỹ trong nhà. Quá bức bối và phẫn uất cô đã lấy trộm thuốc phiện của bố hòa với dấm thanh uống. Bi kịch này xảy ra khi Châu Kỳ đang diễn ở Phan Rang. Nghe tin cô Sum tự tử, Châu Kỳ cũng quyết hủy mình theo nhưng bà chị Châu Thị Minh khóc lóc, khuyên giải nên Châu Kỳ bỏ vào Sài Gòn để tìm quên.

Vào Sài Gòn, Châu Kỳ được vợ chồng nhạc sĩ Mạnh Phát (tác giả các ca khúc Chuyến đi về sáng, Qua xóm nhỏ, Nỗi buồn gác trọ... vợ ông là ca sĩ Minh Diệu) cưu mang. Mỗi đêm Châu Kỳ đi hát, xoay tua qua các rạp Văn Cầm (gần cầu Chữ Y), Nguyễn Văn Hảo (trên đường Trần Hưng Đạo), Aristo (đường Lê Lai), Thanh Bình (đường Phạm Ngũ Lão), Khải Hoàn (gần chợ Thái Bình), Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi)...

Giai đoạn này, ông sáng tác ca khúc Em không buồn nữa chị ơi! như một lời nhắn đến bà Châu Thị Minh là đã lạc quan trở lại “vì đau thương qua rồi...”. Và ông gom cả hai câu chuyện liên quan đến đời mình để sáng tác bản nhạc Giọt lệ đài trang: “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang. Em chính em ngày xưa đó, ước xây đời trên tột đỉnh nhân gian... Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn. Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang. Tôi chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bồng mơ người ngọc lầu quan...”.

Mười lăm năm sau (1962), khi Châu Kỳ đưa cô vợ người Sài Gòn mới cưới là Kha Thị Đàng ra Nha Trang thăm bà dì, họ đã đến đốt nhang trước mộ cô Đoàn Thị Sum. Châu Kỳ còn tưởng niệm hương hồn cô Đoàn Thị Sum bằng ca khúc Nha Trang mà sau này bà Kha Thị Đàng sửa lại cái tựa là Nha Trang hoài nhớ, nhưng bản nhạc này không mấy phổ biến...

Hà Đình Nguyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY