Cuối tuần qua, vào ngày 25/6, người dân khu vực phía đông thành phố Mosul lần đầu tổ chức lễ Eid trong niềm hân hoan không còn nỗi sợ hãi phiến quân IS sau nhiều năm. Các tay súng đã bị đẩy lùi ra khỏi những vùng trung tâm thành phố. Tiếng súng ở khu vực Đông Mosul đã được thay thế bằng tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
Trước đó vài ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 22/6 cho biết quân đội Iraq, dưới sự hỗ trợ của liên quân quốc tế, đã giải phóng 70% lãnh thổ mà IS từng chiếm giữ. Hơn 2,7 triệu người Iraq được giải thoát khỏi ách cai trị tàn bạo của IS. Tâm điểm trong chiến dịch này là cuộc chiến đang diễn ra ở thành Mosul.
Một người lính Iraq đang bắn trả phiến quân IS. Ảnh: NYT. |
Cuộc chiến Mosul là chiến dịch phản công do quân đội chính phủ Iraq, lực lượng quân sự người Kurd và liên quân quốc tế bắt đầu từ tháng 11/2016 nhằm giành lại Mosul bị phiến quân IS chiếm đóng.
Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, là nơi gắn liền với sự ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
“Thất bại ở Mosul cách đây 3 năm là một điều đáng xấu hổ với quân đội Iraq. Khi IS tràn vào chiếm giữ thành phố, những binh sĩ Iraq vứt bỏ vũ khí và chạy tháo thân”, nhà báo Barham Omer, trưởng phòng thời sự kênh truyền hình KNN ở tỉnh Erbil, Iraq, nói với Zing.vn.
Cuộc chiến cam go
Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính khoảng 3.000 - 5000 chiến binh IS trấn giữ Mosul, trong khi IS tuyên bố con số này khoảng 7.000. So với đó, CNN cho biết lực lượng địa phương và liên quân về phía Iraq đến 94.000 người, hoàn toàn áp đảo về số lượng, chưa kể đến những hỗ trợ từ trên không.
Tuy nhiên, cuộc chiến không hoàn toàn chỉ dựa trên những con số. Phiến quân IS quyết liệt bảo vệ Mosul nên chống trả rất dữ dội, thậm chí sẵn sàng tấn công liều chết hoặc trà trộn vào thường dân. Sự yểm trợ của máy bay cũng bị hạn chế khi liên quân tiến sâu vào thành phố, bị lẩn khuất dưới các toà nhà.
Binh sĩ tìm kiếm dấu vết phiến quân IS ở quận Al Saha vừa chiếm lại được. Ảnh: NYT. |
Trên thực tế, tiến độ chiến dịch tốn nhiều thời gian và diễn biến phức tạp hơn so với sự tính toán của chính phủ Iraq. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng từng hy vọng một lực lượng hùng hậu có thể giải phóng Mosul trước ngày chuyển giao quyền lực
Nhưng phải đến tháng 1/2017, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố “hoàn toàn giải phóng” miền Đông Mosul.
Sau giai đoạn này của chiến dich, quân đội Iraq cũng chịu tổn thất đáng kể. BBC dẫn những nguồn tin nội bộ từ Lầu Năm Góc cho biết tỷ lệ tử vong ở tiền tuyến có thể cao đến 50%. Chính quyền Baghdad đã phủ nhận con số này.
Tuy nhiên, cuộc chiến bước vào một giai đoạn cam go mới, thậm chí được cho là khốc liệt hơn: giải phóng miền Tây Mosul ở bên kia bờ sông Tigris. Ngay chính tại khu vực này, ở nhà thờ cổ al-Nuri, thủ lĩnh IS là al-Baghdadi lần đầu xuất hiện công khai trước toàn thế giới để tuyên bố thành lập “triều đại”, mưu đồ thiết lập một nhà nước mới của người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Sau thất bại ở đông Mosul, IS càng quyết tâm phải trấn giữ thành phố này vì chúng hoàn toàn biết rõ tầm quan trọng về mặt ý nghĩa và chiến lược của nó. Các chiến binh IS cũng thể hiện rõ rằng sẽ không dễ dàng rút lui khỏi đây như so với ở Falluja hay Ramadi.
Bản đồ chiến dịch giải phóng Mosul đến đầu tháng 6/2017. Đồ hoạ: NYT. |
IS khó bị dẹp bỏ tận gốc
“Không thể kể hết những tội ác mà IS đã gây ra ở Iraq, không chỉ là các tội ác diệt chủng chống lại loài người, chúng âm mưu phá huỷ những bằng chứng về nền văn minh nhân loại, các cổ vật được lưu truyền từ xa xưa. Người dân Iraq dù là người Shia, Sunni hay người Kurd đều trải qua cuộc sống địa ngục dưới sự cai trị của IS”, nhà báo Omer nói với Zing.vn.
Một đồng nghiệp phóng viên của Omer đã bị IS bắt khi hoạt động tại tỉnh Kirkuk, khu vực mỏ dầu quan trọng mà phiến quân thèm khát. "3 năm trôi qua nhưng chúng tôi không ai hay tin gì về anh nữa. Anh ta có thể còn sống hoặc đã chết",
Omer tin tưởng vào chiến dịch mà quân đội Iraq và liên quân đang tiến hành. “Nhưng điều quan trọng hơn là câu hỏi về tương lai sau chiến dịch. IS có thể bị đánh bại trên chiến trường, nhưng ý thức hệ của nó sẽ vẫn lởn vởn và không dễ dàng xoá sạch”.
Người dân Mosul sơ tán khỏi thành phố để tránh cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân IS. Ảnh: NYT. |
Thoạt đầu, IS được chính cả những người thiểu số Sunni ở địa phương tiếp tay nên chúng mới tiến công thuận lợi.
Việc Mỹ đưa quân vào Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 đã thay đổi trật tự ưu tiên cũ. 10 năm sau sự kiện này, dưới danh nghĩa chống khủng bố, người Kurd và người Shia đã đánh đuổi những địa chủ người Sunni khỏi vùng đất của họ. Từ chỗ nắm quyền, người Sunni bị đẩy vào thế yếu.
“Do vậy, khi phiến quân IS tràn vào, người Sunni hỗ trợ lực lượng này vì muốn tạo ra sự thay đổi với bộ máy người Shia đang cai trị với đầy rẫy những điều mà họ cho là bất công, áp bức”, Omer nói.
Trẻ em ở Đông Mosul vui chơi trong dịp lễ Eid al-Fitr sau khi phiến quân IS đã bị đánh đuổi. Ảnh: Reuters. |
Nhưng dần dần người Sunni cũng nhận ra họ đã phạm sai lầm. “IS không chừa một ai. Chúng như cơn sóng thần càn quét cả người Sunni. Chúng tôi mất tất cả, nhà cửa, người thân, công việc”, Sheik Ghazi Mohammed Hamoud, tộc trưởng người Sunni tại thị trấn Rabia từng bị IS kiểm soát trước khi được người Kurd giải phóng, nói với Washington Post.
Với tốc độ của chiến dịch hiện tại, nhà báo Omer tin rằng Mosul có thể được giải phóng hoàn toàn trong vài tháng tới. Chiến thắng này sẽ giáng một đòn mạnh với IS tại Iraq.
Tuy nhiên, Omer thận trọng khi nhìn nhận về tương lai hậu chiến.
"Nếu một chính quyền mới được thiết lập lại mà không bảo đảm việc cai trị công bằng, không tiến hành hoà giải, thì mầm mống đe doạ vẫn còn đó. Trong tương lai, người Sunni sẽ sẵn sàng ủng hộ một thế lực mới nổi lên mà không cần biết kết cục, miễn thế lực đó có khả năng thay thế chính quyền hiện tại mà họ cho là đối xử đầy bất công", anh nói với Zing.vn.