CNN dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc cung cấp những tình tiết mới trong vụ tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 của quân đội chính phủ Syria. Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn rơi máy bay có người lái kể từ năm 1999.
Vụ việc xảy ra sau hàng loạt cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và lực lượng dân chủ (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thị trấn Ja’Din, phía nam Tabqah, Syria.
Theo Lầu Năm Góc, binh sĩ quân đội chính phủ được trang bị xe tăng, trọng pháo đang tiến vào khu vực của SDF. Liên minh đã sử dụng đường dây nóng liên hệ với quân đội Nga yêu cầu phía quân đội chính phủ rút khỏi khu vực để tránh xảy ra đụng độ.
Khi việc liên hệ không thành công, máy bay của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện cơ động ở tầm thấp và dùng pháo lắp trên máy bay bắn cảnh cáo, buộc quân đội Syria phải dừng lại. Sau sự cố đó, máy bay liên minh phát hiện cường kích Su-22 của Syria đang bay qua vị trí đóng quân của SDF.
Tiêm kích F/A-18 đã bắn hạ Su-22 bằng tên lửa AIM-120. Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ. |
Đại úy hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói: “Nó (Su-22) mang theo vũ khí, phía Mỹ đã cố gắng cảnh báo chiếc Su-22 bằng pháo sáng. Nhưng chiếc Su-22 vẫn phớt lờ và thả bom vào vị trí của SDF”.
Ngay khi chiếc Su-22 ném bom, 2 tiêm kích trên hạm F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS George HW Bush lập tức tham chiến. Một chiếc đã phóng tên lửa không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder về phía Su-22. Máy bay Syria thả pháo sáng và thoát được đợt tấn công đầu tiên.
Chiếc F/A-18E phóng tiếp tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 phá hủy chiếc Su-22, phi công nhảy dù ra ngoài. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng phi công Syria đã bung dù thành công nhưng nhiều khả năng sẽ rơi xuống khu vực IS đang kiểm soát. Phía Syria sau đó thông báo phi công mất tích.
Quan chức Mỹ cho biết thêm việc bắn hạ chiếc Su-22 đã ngăn Syria thực hiện vụ đánh bom tương tự. Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ giám sát các hoạt động trên không trong khu vực không bình luận về vụ bắn hạ.
Xác chiếc Su-22 của Syria sau khi bị Mỹ bắn rơi. Ảnh: Sputnik. |
Phản ứng về vụ bắn hạ, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ đình chỉ đường dây nóng với liên minh, vốn được thiết lập nhằm ngăn ngừa các sự cố trên không ngoài ý muốn ở Syria. Bộ này còn dọa bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào bị phát hiện ở vùng phía tây sông Euraphates.
Chính phủ Australia đã thông báo tạm ngưng các hoạt động không kích ở Syria để tránh sự cố đáng tiếc sau tuyên bố cứng rắn của Nga. Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nói với Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ hôm 21/6 rằng đường dây nóng vẫn mở.
Lần gần nhất Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ có người lái là vào năm 1999, trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Serbia. Khi đó, F-16 của Không quân Mỹ đã bắn rơi một máy bay MiG-29.