Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày Sách trở thành lễ hội văn hóa, nhưng cần phát triển ở bề sâu

Sau 5 năm thực hiện, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành nét đẹp văn hóa ở bề rộng, song để phát triển chiều sâu, cần sự chung tay nỗ lực của các cơ quan, ban ngành.

Các vấn đề về thực trạng đọc sách, cùng phương hướng phát triển văn hóa đọc được đưa ra phân tích tại hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” diễn ra sáng 17/4 tại Hà Nội.

Ngày Sách Việt Nam góp phần khắc phục tình trạng “đói sách”

Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng và thực hiện chương trình Sách hóa Nông thôn - kể, năm 2015, ông đã đi bộ xuyên Việt để vận động đọc sách. Qua chuyến đi, ông nhận thấy ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy nên học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó.

“Chúng ta cần thấy, nông thôn đói sách như tình trạng đói ăn của đất nước trước khi Đổi mới. Để từ đó thực hiện những ‘khoán 10’ trong đọc sách”, ông Thạch nói.

Hoi thao phat trien van hoa doc anh 1
Từ trái qua: ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản, ông Chu Văn Hóa - Cục trưởng Cục Xuất bản. 

Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, năm 2014, Thủ tướng quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng để khuyến khích và phát động phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách trên phạm vi toàn quốc.

Qua 5 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách, đặc biệt là tham gia, hưởng ứng tích cực các chuỗi hoạt động liên quan đến sách.

Phát triển văn hóa đọc là vấn đề được các cấp quản lý quan tâm. Đầu năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mừng tuổi sách, vận động học sinh dùng tiền mừng tuổi mua sách cho mình và tặng bạn bè. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cũng phát động việc tặng sách trong dịp Tết 2019. Hình ảnh này đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần xây dựng văn hoá đọc.

Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt nam - cho hay Ngày Sách đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, khá bài bản và hiệu quả từ Trung ương tới các địa phương, càng ngày càng được định hình rõ nét hơn và sức lan tỏa sâu rộng hơn.

Ngành thư viện đã hưởng ứng và vào cuộc tích cực với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, thiết thực. Từ việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam, ngành xuất bản và thư viện nhận được nhiều sự ủng hộ tinh thần và vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Hoi thao phat trien van hoa doc anh 2
Hội sách mừng Ngày Sách Việt Nam luôn thu hút nhiều người tới dự.

Là người đi sâu vào các hoạt động đọc trong cộng đồng, ông Nguyễn Quang Thạch cũng nhận định trong vài năm qua, hoạt động khuyến đọc được thực hiện tích cực, đạt được những kết quả ban đầu.

Ông Thạch cho biết chính quyền tỉnh Thái Bình, Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên... đã tiếp nhận và áp dụng mô hình Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Dòng họ do chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam thiết kế và ứng dụng. Trong đó, riêng tỉnh Thái Bình và Nam Định đã có khoảng 17.000 tủ sách.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, 5 năm qua, các trường học trên cả nước đã quyên góp trên 11 triệu bản sách cho thư viện của trường, và cho học sinh nghèo; tổ chức 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề tập huấn về sách và văn hóa đọc; khoảng 30.000 tủ sách phụ huynh được xây dựng.

Những đề xuất phát triển văn hóa đọc

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, Ngày Sách Việt Nam thành công ở bề rộng, khi đã góp phần nâng cao nhận thức của việc đọc sách, tạo nên lễ hội văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp để văn hóa đọc phát triển ở bề sâu.

Ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng cần thành lập một cơ quan chuyên trách, ví dụ như Cục Khuyến đọc, để phát triển việc đọc sách. Thông qua việc ban hành luật khuyến đọc có thể quy rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân để mọi người chấp hành. Có như vậy, sách mới được đọc, chứ không chỉ để trưng bày trong các thư viện, tủ sách.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng để duy trì và phát triển văn hóa đọc, đầu tiên cần có cơ chế khuyến khích các sản phẩm sách hay, có giá trị. Cần có thêm nhiều giải thưởng sách nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ phê bình, sáng tác; mở rộng và hiện đại hoá hệ thống thư viện, phòng đọc…

Hoi thao phat trien van hoa doc anh 3
Đường sách Nguyễn Văn Bình trở thành điểm sáng về văn hóa đọc trong cả nước. 

5 năm qua, TP.HCM trở thành điểm sáng về văn hóa đọc. Chia sẻ về việc phát triển văn hóa đọc, đại diện UBND TP.HCM cho hay Đảng bộ và chính quyền thành phố, nhận thức rõ vai trò, vị trí của văn hóa đọc.

TP.HCM tận dụng lợi thế và điều kiện thuận lợi của một thành phố trẻ, năng động, cư dân luôn khát khao tri thức để tạo lập cũng như ủng hộ, tiếp sức, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo phục vụ cho yêu cầu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhờ đó, thành phố triển khai thành công các mô hình Hội sách, Đường sách Tết, Đường sách TP.HCM…

Tham luận của UBND TP.HCM cũng chia sẻ bí quyết thành công nhờ biết xã hội hóa, huy động, khai thác mọi nguồn lực xã hội, triển khai các chương trình về văn hóa đọc luôn hướng tới nhu cầu của người dân.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói để phát triển văn hóa đọc cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan, tới từng địa phương, gia đình và mỗi cá nhân.

Ngày sách Việt Nam và hành trình 5 năm tôn vinh văn hóa đọc

Ngày sách đã góp phần thúc đẩy đọc sách, tuy vậy, nhiều nơi cần đưa chương trình vào chiều sâu, mang lại kết quả thực chất, để 91% người dân biết chữ trở thành người đọc sách.



Hiền Đỗ

Bạn có thể quan tâm