Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện những 'đại gia' không có ôtô, vẫn bỏ tiền túi đi tặng sách

Họ không sở hữu nhà to, xe đẹp. Họ là những người trân trọng sách, đi vận động, kết nối, và tự bỏ tiền túi để có được những cuốn sách hay tặng cho học sinh tiểu học.

Sau gần 3 năm hoạt động, dự án Sách hay cho học sinh tiểu học đã triển khai được ở 44 huyện, đưa sách của dự án tới 825 trường tiểu học của 18 tỉnh thành. Bà Hoàng Thị thu Hiền - trưởng dự án - đã kể lại hành trình 

Đi 42 chuyến, mỗi người bỏ tiền túi đến 50 triệu đồng

Tháng 10/2016, dự án Sách hay cho học sinh tiểu học được thành lập với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Chọn đồng hành cùng lứa tuổi học sinh tiểu học, bởi đó là sự trăn trở vì sự phát triển văn hóa đất nước, khát khao thế hệ trẻ trưởng thành, hướng thiện để sống tốt hơn.

Ban đầu khi thành lập dự án chỉ có một thành viên và giờ đây ban dự án đã có 19 thành viên. Thành viên trẻ nhất là 24 tuổi và người lớn nhất 69 tuổi, nhiều người và cũng có nhiều nghề nhưng chủ yếu là lĩnh vực giáo dục.

Du an sach hay cho hoc sinh tieu hocj anh 1
Học sinh Tây Ninh trầm trồ trước cuốn Lịch sử nước Việt bằng tranh trong một buổi giao lưu của dự án.

Thú vị của nhóm là từ mối quan hệ cô - trò , đồng nghiệp sau đó trở thành người đồng hành. Có những người chị đi rồi kéo theo em, vợ đi kéo theo chồng. Có những người ban đầu chỉ là đại diện của đơn vị tài trợ đi theo để giám sát, của báo đài đi thử một chuyến rồi mê quá đi theo luôn thành thành viên của dự án.

Có một người bạn hỏi chúng tôi :

- Đi làm dự án như vậy có được trả lương không? Có được nhiều tiền không?

- Thưa không.

Tất cả thành viên trong dự án từ khi thành lập đến nay đã trải qua 42 chuyến đi gần và xa. Có những chuyến vượt hàng nghìn cây số đi bằng đủ các phương tiện: máy bay, xe ôtô, đi bộ đến tận Lũng Cú cực Bắc của Tổ quốc, ra tận Lý Sơn vào tận Kiên Giang. Các thành viên trong dự án phải tự túc mọi chi phí. Với phương châm: Ăn ở tự lo - Đi lại tự chi. Nếu một thành viên đi đủ cả 42 chuyến thì con số của cá nhân ấy chi ra lên đến 50 triệu đồng.

Có người nói:

Các bạn đại gia nhỉ? 

 - Thưa không, chúng tôi không phải đại gia, không phải người giàu có.

Các thành viên trong dự án hầu hết là giáo viên đã nghỉ hưu và công chức mới ra trường chẳng ai có nhà biệt thự hay ôtô.

Vì sao chúng tôi luôn có động lực, có năng lượng để đi hoài như thế? Vì mỗi lần đi đến các trường trong những buổi giao lưu với các em, chúng tôi lại được dịp tiếp xúc chứng kiến những ánh mắt trong veo háo hức, những niềm vui con trẻ và cả sự ngây ngô của trò nhỏ. Đó là động lực cho chúng tôi bước tiếp.

Hành trình của chúng tôi gom góp yêu thương từ muôn tấm lòng. Sắp đi tặng sách ở đâu chúng tôi kết nối liên hệ nơi tiếp nhận lấy số liệu, tính số đầu sách mang đến, số tiền cần có. Sau đó kêu gọi sự ủng hộ của mọi người qua Facebook của cá nhân. Facebook là nguồn đóng góp rất lớn và quý giá từ những tấm lòng yêu thương tin cậy đối với chúng tôi.

Chúng tôi đi gõ cửa các trường PTTH để đề nghị các trường cùng đồng hành bằng các hoạt động đóng góp công trình thanh niên. Chúng tôi còn tìm mọi cách thông qua những mối quan hệ để với tay đến các công ty, những nhà hảo tâm để thuyết phục họ cùng chung tay… Và tất nhiên trong mỗi chuyến đi các thành viên trong dự án luôn là người đóng góp đầu tiên.

Có những bạn mới ra trường đang ở nhà thuê nhưng vẫn góp cả tháng lương, có những bạn góp hết tiền để dành cả một năm, có những bạn luôn ở tư thế "lúc nào dự án đi đâu mà thiếu hụt tài chính con sẽ gánh vác phần đó". Và tất nhiên những người thân bạn bè, họ hàng con cái đều là những đối tượng để vận động nhiều nhất.

Học sinh vùng biên háo hức với sách hay Hàng nghìn quyển sách hay đã được tặng cho học sinh hay huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Long An trong dự án Sách hay cho học sinh tiểu học.

Là giáo viên, chúng tôi hiểu những gì cần thiết cho trẻ lớn khôn. Sau quá trình khảo sát tìm hiểu rất nhiều nhà xuất bản ở TP.HCM, NXB Kim Đồng là nơi lựa chọn của dự án Sách hay cho học sinh tiểu học. Hành trình chọn sách ban đầu phải cả tháng trời và không chỉ một lần mà thường xuyên mỗi khi có sách mới về cần phải cập nhật thay thế ngay những cuốn sách tốt nhất mới ra lò.

Mỗi khi trong kho không còn những cuốn nằm trong danh mục dự án phải tìm đầu sách khác thay thế. Có những lúc các bạn bên nhà sách Kim Đồng phải ở lại đến 23h để chúng tôi lựa chọn đầu sách cho dự án. Các bạn ấy từng phát biểu "ở những nơi khác mua sách, nếu thiếu đầu sách chúng con có thể bổ sung những cuốn tương tự, nhưng ở dự án này, các cô khó tính quá, kỹ và gắt gao quá chúng con không dám".

Những cuốn sách chúng tôi lựa chọn tiêu chí: hay về nội dung, đẹp về hình thức và phù hợp với lứa tuổi. Làm sao để mỗi cuốn sách trao đi, trò nhỏ sẽ nhận về một bài học gần gũi thiết thực.

Quan điểm của chúng tôi là đưa đến những cuốn sách các em cần, yêu thích, thiết thực chứ không phải những gì chúng tôi có.

Chúng tôi chọn sách dạy kỹ năng sống, trò sẽ có thêm những người bạn lớn từ sách danh nhân, giúp hiểu về lịch sử có truyện tranh lịch sử, hướng trò đến chân trời văn học là tủ sách truyện cổ Việt Nam và thế giới, và tủ sách văn học dành cho học sinh tiểu học với những tác phẩm nổi tiếng đã được lưu truyền.

Trong cùng một tác phẩm nhưng có nhiều dị bản khác nhau, chúng tôi chọn lựa phải là bản đẹp nhất, phù hợp nhất với sở thích và độ tuổi của các em dù giá thành có cao hơn.

"Làm thế nào để các em đòi đọc sách"

Chương trình của dự án triển khai ở huyện nào cũng bao gồm hai phần. Phần đầu là giao lưu với các em học sinh, nhằm mục đích giới thiệu sách khơi gợi lòng em mê đọc sách ở các em. Để thầy cô có thể tham khảo về phương pháp, cách thức khuyến khích các em đọc sách, dự án có những buổi hội thảo. Mỗi buổi giao lưu sách đều ấn tượng, sinh động vui nhộn, hấp dẫn và giàu tính giáo dục. Để rồi sau buổi giao lưu các em ào lên đòi được đọc sách ngay .

Qua những buổi giao lưu như thế các thầy cô thấy được bằng trực quan sinh động các phương pháp mà dự án đã triển khai để rút kinh nghiệm cho mình. Rất nhiều thầy cô phát biểu "trường em mà có một người như dự án thì sách trong tủ các em đọc vèo vèo" .

Hội thảo để sách đến với học sinh thực hiện với các thầy cô hiệu trưởng, nhân viên phụ trách của các trường cùng lãnh đạo phòng giáo dục và ban dự án. Mục đích giúp thầy cô và những nhà quản lý nhận ra cần có những đổi mới, mạnh dạn thay đổi những phương pháp để đưa sách đến với học sinh. Hiểu rõ hơn vai trò của sách trong đời sống học đường. Mở rộng không gian thư viện sân trường, lớp học và thay đổi hình thức cho học sinh mượn sách "Sách tìm trò" chứ không để trò chờ mượn sách hay thờ ơ với sách.

Du an sach hay cho hoc sinh tieu hocj anh 2
Niềm vui của trẻ em khi nhận sách. 

Không chỉ đọc đọc sách, dự án còn đưa ra những biện pháp cách thức cho thầy cô trong việc hướng dẫn các em đọc sách và sau khi đọc sách, để các em ngấm sách, làm theo sách. Để những trang sách đi vào cuộc sống thành những trang đời đẹp đẽ.

Dự án không mang tới tặng sách cho các huyện rồi ra về mà có văn bản ký kết phân rõ nội dung trách nhiệm giữa bên tặng sách và bên nhận sách. Trong đó còn ghi rõ số lượng sách mang tới và trị giá bao nhiêu. Mỗi cuốn sách đều đóng dấu của dự án để phân biệt với sách của nhà trường và các dự án khác để tiện theo dõi sau này.

Sau gần 3 năm hoạt động, dự án đã triển khai được ở 44 huyện đưa sách của dự án tới 825 trường tiểu học của 18 tỉnh thành.

Và mong rằng những con số này sẽ lớn lên theo thời gian chỉ dừng lại khi dự án của chúng tôi triển khai hết ở 63 tỉnh thành trong cả nước.

Cổng trường bề thế nhưng tài sản thư viện chỉ vài cuốn tạp chí cũ

Thư viện trường tiểu học có cơ sở vật chật xuống cấp, thiếu sách phù hợp với học sinh, trong khi đó nhân viên thư viện thường kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn.



Hoàng Thị Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm