Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày Môi trường Thế giới: Phải hành động khẩn cấp

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phục hồi chất lượng đất luôn là mục tiêu mà Đảng, nhà nước và người dân quan tâm.

Ra đời cách đây hơn 5 thập kỷ, Ngày Môi trường Thế giới (5/6) có ý nghĩa đặc biệt để khuyến khích sự quan tâm chính trị và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, lan tỏa các hành động vì “tương lai Xanh.”

Ngày Môi trường Thế giới năm 2024​ được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá,” bởi 40% diện tích đất đai trên hành tinh đang bị suy thoái; nếu không hành động khẩn cấp, hạn hán có thể sẽ ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số vào năm 2050.

Moi truong The gioi anh 1

Hành động vì tương lai xanh. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+.

Phục hồi đất là mục tiêu hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được đưa ra nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Lý do, theo Thứ trưởng Lê Công Thành là bởi theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD).

“Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050,” ông Thành nói và cho rằng phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và phát triển bền vững.

Cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Việt Dũng cho biết Việt Nam có gần 11.838 nghìn hécta đất chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa.

Hiện nay, theo ông Nguyễn Việt Dũng, thực trạng suy thoái đất, hoang hóa, sa mạc hóa tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phổ biến.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cũng lưu ý Việt Nam xác định nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế.

Vì vậy việc phục hồi, nâng cao chất lượng đất luôn là mục tiêu mà Đảng, nhà nước và người dân quan tâm. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh lương thực.

Moi truong The gioi anh 2

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+.

Hãy hành động ngay bây giờ

Với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá," Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng hướng tới kêu gọi cộng đồng người dân chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết năm 2024, cơ quan này đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và các địa phương trên cả nước xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền cho Ngày Môi trường Thế giới.

Các khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2024 tập trung vào các nội dung chính như: Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán; mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái; cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu; hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững; ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học…

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng, Ngày Đại dương Thế giới, lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 tại thành phố Nha Trang.

Để tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động tuyên truyền trên, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao.

Đến nay, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường năm 2024, nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bình Định, Thanh Hóa, Long An,… đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú, đa dạng, thiết thực, như: Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh; trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường; ra quân làm sạch các tuyến đường, khu dân cư; triển lãm chuyên đề về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh với chủ đề “Mệnh lệnh từ trái tim”.

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà: Tôi hiểu cơ cực của người dân hạ nguồn Mekong

Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà, Đại sứ Thiện chí Trẻ LHQ, hy vọng các quốc gia vùng sông Mekong cùng chung tay để bảo vệ cuộc sống hàng chục triệu người dân.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Sai phạm thì chuyển cơ quan điều tra

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, các Bộ TN&MT, Bộ Công an cùng địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.

Khẩn trương khắc phục ô nhiễm quanh hồ Xuân Hương ở Đà Lạt

Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, bơm hút nước, trồng cây thủy sinh là những giải pháp được Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đưa ra để khắc phục ô nhiễm ở các hồ.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

https://www.vietnamplus.vn/ngay-moi-truong-the-gioi-hanh-dong-khan-cap-de-phuc-hoi-dat-ngan-sa-mac-hoa-post957320.vnp

Hùng Võ/Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm