Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Như Ý. |
12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản
Sáng 4/6, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng TN&MT, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) viện dẫn báo cáo của Bộ TN&MT gửi đại biểu trong kỳ họp, đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường để phát hiện các vi phạm để kiến nghị xử lý.
Theo đại biểu, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Những vi phạm này cũng được thể chế hóa trong Bộ Luật Hình sự tại điều 227, quy định về tội khai thác tài nguyên trái phép.
“Vậy qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ TN&MT kiến nghị xử lý những vi phạm này như thế nào, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm? Giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới trong việc tăng cường công tác thanh tra để xử lý hành vi vi phạm như thế nào?”, đại biểu nêu chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo quy định pháp luật, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý tương đối mạnh cho các địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng.
Vừa qua, các Bộ TN&MT, Bộ Công an cùng địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Khánh thông tin, trong 5 năm gần đây, Bộ TN&MT đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, với tổng số hơn 900 lượt giấy phép và phát hiện hơn 258 tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, thanh tra thấy rằng, các chủ dự án về mỏ đã khai thác vượt quá công suất cho phép; khai thác ra ngoài ranh giới, nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
“Bộ luôn có quan điểm xử lý nghiêm các sai phạm này. Những sai phạm có tính liên tục, tức là sai phạm nối tiếp sai phạm, sau khi xử phạt hành chính mà tiếp tục sai phạm nữa thì quan điểm là chuyển sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm”, ông Khánh quả quyết.
Tư lệnh ngành cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, đảm bảo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm nghiêm việc này.
“Việc khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu xây dựng thì ô tô chở, trang thiết bị hoạt động mà chúng ta bảo không biết thì không phải. Do vậy, đề nghị các địa phương thực sự quan tâm. Người đứng đầu các cấp cùng hệ thống chính trị phải giám sát để phát hiện, xử lý sớm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Để từ đó đảm bảo không thất thoát nguồn tài nguyên là tài sản của quốc gia”, ông Khánh cho hay.
Sử dụng và quản lý đất hiếm ra sao?
Nêu chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn, như bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn, đất hiếm 20,7 triệu tấn…
Các địa phương có tiềm năng đất hiếm là Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, đang phải tăng cường quản lý đất hiếm, tránh khai thác, buôn bán trái phép.
Ông Khánh cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng đất hiếm. Chính phủ cũng chỉ đạo tính toán việc chế biến sâu đất hiếm để phục vụ công nghiệp bán dẫn và nghiên cứu xuất khẩu, thu hút đầu tư…
Nêu chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này.
Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự đồng lòng của các địa phương, đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc.
Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ TN&MT ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...