Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II đã khiến người dân Vương quốc Anh đau buồn tột độ, và theo sau đó là những nghi lễ tráng lệ trên quy mô lớn, theo AFP.
Kể từ thời điểm vị quân vương trị vì lâu nhất của nước này qua đời, hành trình của nữ hoàng từ Aberdeenshire đến London đã được đánh dấu bằng nhiều nghi thức hoàng gia và hầu như phủ sóng trên các phương tiện truyền thông Vương quốc Anh.
Việc chuẩn bị cho thời gian quốc tang kéo dài 10 ngày dành cho nữ hoàng cũng là một thành tựu lớn. Hàng trăm cảnh sát địa phương trên khắp nước Anh tham gia cùng cảnh sát Met của London để đảm bảo hàng trăm nghìn người xếp hàng trật tự dọc theo bờ sông Thames để viếng nữ hoàng.
Một chiến dịch an ninh chưa từng có được triển khai để hộ tống khoảng 500 chức sắc nước ngoài, bao gồm tổng thống, nguyên thủ quốc gia và quốc vương. Họ có kế hoạch tham dự lễ tang của nữ hoàng ở London hôm 19/9.
Một ngày không bao giờ quên
"Có rất nhiều cảnh sát, và tôi chưa bao giờ thấy nhiều quân đội như vậy", bà Pat, 70 tuổi, người đã đến London hôm 14/9 để thăm Cung điện Buckingham, cho biết. Đám đông khổng lồ và các biện pháp an ninh khiến bà Pat chỉ có thể tiếp cận nơi ở của hoàng gia trong vòng một km.
Tuy nhiên, trung tâm của một chiến dịch hậu cần cũng là trung tâm của sự tĩnh lặng. Bầu trời London không có máy bay đi qua vào hôm 14/9 để đảm bảo sự yên lặng khi một đoàn rước đưa linh cữu của nữ hoàng từ Cung điện Buckingham đến Đại sảnh Westminster. Linh cữu của bà được quàn tại đây để cho công chúng thăm viếng.
Nhiều video đã phát sóng trực tiếp cảnh công chúng lặng lẽ thăm viếng nữ hoàng. Những người đi viếng đã được yêu cầu không gây ồn ào khi vào bên trong Đại sảnh Westminster.
“Họ đột nhiên bị bao trùm bởi sự im lặng và yên tĩnh”, phóng viên Bénédicte Paviot của AFP đưa tin từ London cho biết.
Một nhóm kỵ binh trong ngày diễn ra lễ tang của nữ hoàng. Ảnh: Reuters. |
Sự im lặng được dự đoán lên đến đỉnh điểm khi lễ tang của nữ hoàng diễn ra vào sáng 19/9, khi cuộc sống hàng ngày ở phần lớn nước Anh sẽ tạm thời dừng lại. Người dân nước này cũng dành hai phút mặc niệm nữ hoàng quá cố.
Ngày diễn ra tang lễ đã được tuyên bố là một ngày lễ quốc gia đặc biệt. Điều này đồng nghĩa các trường học và nhiều nơi làm việc sẽ đóng cửa.
Mặc dù chính phủ Anh cho biết nhiều tổ chức không có nghĩa vụ phải hủy bỏ các sự kiện hay đóng cửa, nhiều nơi đang làm như vậy vì sự tôn trọng với nữ hoàng.
Các chuỗi siêu thị hàng đầu sẽ đóng cửa cùng với các nhà bán lẻ, nhà hàng, chuỗi cà phê và phòng tập thể dục trên toàn quốc. Việc giao hàng trên Amazon sẽ bị tạm dừng vào buổi sáng, McDonalds sẽ đóng cửa cho đến 17h. Chuỗi quán rượu nổi tiếng Wetherspoons sẽ chỉ mở cửa sau khi lễ tang kết thúc.
Các địa điểm giải trí, bảo tàng, phòng trưng bày và địa điểm du lịch cũng sẽ đóng cửa, ngoại trừ khoảng 150 rạp chiếu phim sẽ mở cửa để chiếu miễn phí tang lễ của nữ hoàng.
Dịch vụ bưu chính quốc gia sẽ bị tạm dừng trong ngày này, cùng với hầu hết phiên tòa và tất cả buổi trình diễn của Tuần lễ thời trang London. Các trận đấu của giải bóng đá Ngoại hạng Anh dự kiến diễn ra vào tối 18/9 cũng đã được dời lịch.
Các chuyến bay đến và ra khỏi London một lần nữa sẽ bị gián đoạn để đảm bảo một lễ rước yên bình từ Tu viện Westminster đến Lâu đài Windsor, nơi nữ hoàng sẽ an nghỉ.
AFP nhận định tần suất đóng cửa và hủy bỏ sự kiện cũng đã nhấn mạnh cảm giác về việc một sự kiện bất thường đang diễn ra trên khắp nước Anh.
“Nhiều người đã cảm thấy sự gián đoạn, nhưng tất cả sẽ rõ rệt hơn vào ngày 19/9”, tiến sĩ Luke Blaxill, một nhà sử học về nước Anh hiện đại tại Đại học Oxford, cho biết.
"Ngay cả vào những ngày nghỉ của ngân hàng hay những dịp lễ lớn, chúng tôi đã quen với việc cuộc sống bình thường vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, đây rõ ràng sẽ là một ngày mà mọi người không bao giờ quên", ông nói thêm.
Cuộc sống bị tạm dừng hoàn toàn
Đối với hầu hết cư dân Vương quốc Anh, đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ là sự kiện quốc gia duy nhất khiến cuộc sống hàng ngày tạm dừng hoàn toàn trong ký ức của họ, ngoại trừ việc phong tỏa do Covid-19.
Ở Anh, chỉ những người già mới có ký ức tuổi thơ về những cảnh tương tự, khi cha của nữ hoàng, Vua George VI, qua đời vào năm 1952.
Hầu hết đều cho rằng việc đóng cửa các trường học, cửa hàng và viện bảo tàng để đánh dấu lễ tang của nữ hoàng là đúng đắn, dù có một vài tranh cãi về việc điều đó sẽ gây ra sự gián đoạn.
Người dân xếp hàng bên bờ sông Thames để chờ viếng thăm nữ hoàng. Ảnh: Reuters. |
Đối với bà Pat, việc đóng cửa phù hợp với tâm trạng đặc biệt kể từ khi tin tức về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II được công bố. “Tất cả đều góp phần tạo nên bầu không khí yên bình, tĩnh lặng”, bà nói.
Việc đóng cửa cũng sẽ nhằm tập trung sự chú ý vào các sự kiện ở London và mang đến trải nghiệm chung cho những người sống trên khắp Vương quốc Anh - cho dù có ủng hộ chế độ quân chủ hay không.
Đây cũng là một khoảnh khắc để quan sát một vị vua mới, điều mà các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Anh rất muốn làm. Sau cái ra đi của mẹ ông, 63% người Anh cho biết họ tin rằng Vua Charles III sẽ trở thành một vị quân vương tốt, so với 32% vào tháng 5.
Theo ông Blaxill, mặc dù vua Charles III mới lên ngôi, nhiều người vẫn coi vị vua mới là “một sự thay đổi lớn lao”.
“Những kỳ vọng đang đặt trên vai của vị vua mới là khá đáng kể. Và chúng ta càng tạm ngưng cuộc sống để từ biệt Nữ hoàng Elizabeth và chào vị vua mới, kỳ vọng đó càng tăng lên”.